Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2021), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị về kế hoạch, chiến lược ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng Đảng để hiện thực hóa khát vọng vươn lên.
Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp, nhất là năng lượng để đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng khu vực miền Trung là một trong những ưu tiên của địa phương. Vậy tỉnh đã và đang thực hiện chính sách này như thế nào?
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quảng Trị trở thành tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, cũng là chiến trường khốc liệt nhất. Khát vọng cháy bỏng về hòa bình, thống nhất, vươn lên đã tạo động lực để quân và dân Quảng Trị chiến đấu, chiến thắng kẻ thù, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Để thực hiện được khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã và đang thực hiện nhiều kế hoạch, chiến lược để đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Một trong những đột phá trong phát triển kinh tế là ưu tiên thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng mà địa phương có thế mạnh.
Đến nay, tỉnh có 16 dự án thủy điện được quy hoạch và bổ sung quy hoạch với tổng công suất trên 260 MW. Điện gió có 84 dự án được đề xuất với tổng công suất trên 4.000 MW, trong đó có 31 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, 53 dự án đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch. Tỉnh cũng có 3 dự điện mặt trời với tổng công suất 149,5 MW đã phát điện thương mại. Ngoài ra, tỉnh còn có 19 dự án điện mặt trời đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch với tổng công suất trên 1.390 ha. Nhiệt điện than có 2 dự án với công suất 2.400 MW. Điện khí có 3 dự án với tổng công suất 6.340 MW. Tỉnh phấn đấu trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung với công suất khoảng 10.000 MW vào năm 2030.
Trong thu hút đầu tư vào năng lượng, tỉnh ưu tiên đầu tư vào năng lượng sạch để hạn chế tác động đến môi trường gồm: Điện khí ở Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị, điện gió ở vùng miền núi phía Tây và điện mặt trời ở vùng cát trắng nội đồng ven biển. Quan điểm của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư và triển khai các dự án nhưng tỉnh cũng kiên quyết không cho chuyển đổi rừng tự nhiên để làm các dự án năng lượng.
Đầu tư cơ sở hạ tầng và giao thông được xác định là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế, xã hội trong nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh đã và đang quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư cho những công trình trọng điểm nào, thưa đồng chí?
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định, tuyến đường ven biển từ Nam cầu Cửa Việt đến giáp tỉnh Quảng Bình là công trình trọng điểm nên cần tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện. Dự án này có tổng chiều dài khoảng gần 56 km gồm 2 đoạn: Đoạn 1 từ Nam cầu Cửa Việt đến ranh giới tỉnh Quảng Bình dài khoảng 44 km; đoạn 2 từ đường ven biển đến trung tâm thành phố Đông Hà dài gần 12 km. Dự kiến dự án được thực hiện từ năm 2021-2025, với tổng mức đầu tư 2.970 tỉ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.410 tỷ đồng, ngân sách địa phương 560 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện tuyến đường ven biển mở ra không gian lớn cho các địa phương phát triển trục đô thị ven biển, phát triển và mở rộng thành phố Đông Hà về phía Đông; tăng năng lực vận chuyển, khả năng kết nối bên ngoài nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mang tính chiến lược lâu dài.
Việc đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D nối cảng biển nước sâu Mỹ Thủy với Cửa khẩu Quốc tế La Lay, chạy song song với Quốc lộ 9 cũng đang được khởi động. Tỉnh đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm triển khai đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D trong giai đoạn 2021-2025. Dự án có chiều dài khoảng 92 km, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 3.000 tỷ đồng bao gồm các đoạn: Từ cảng biển Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1A dài gần 14 km; Quốc lộ 1A đến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn khoảng 8 km; từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 34 km; đoạn tuyến đi trùng với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài khoảng 24 km; từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay dài 12 km.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ cảng biển Cửa Việt đến Quốc lộ 1A dài khoảng 14 km bị xuống cấp cũng đang được chuẩn bị đầu tư. Dự án có điểm đầu tại cảng biển Cửa Việt, điểm cuối tại Km13+800 thuộc Quốc lộ 1A với chiều dài tuyến khoảng gần 14 km. Dự án có quy mô đường cấp II, 4 làn xe, giải phân cách giữa 3m; kinh phí đầu tư dự kiến hơn 440 tỷ đồng. Ngoài ra, tuyến đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây với tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông cũng được đầu tư từ năm 2021-2025, phục vụ cứu hộ, cứu nạn khi bão lũ xảy ra trên địa bàn 5 xã thuộc huyện Hướng Hóa, gồm: Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Linh và 2 xã miền núi của huyện Vĩnh Linh là Vĩnh Hà và Vĩnh Ô. Khi hoàn thành, tuyến đường này cũng kết nối với đường ven biển, qua đó góp phần thúc đẩy du lịch, giao thương Đông-Tây.
Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu Mỹ Thủy tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, thuộc Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị. Đây là dự án hạ tầng quan trọng của Quảng Trị có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, quy mô 685 ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn. Dự án được đầu tư theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2020 - 2025 đầu tư 4 bến có vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2031 đầu tư 3 bến với số vốn gần 5.000 tỷ đồng. Giai đoạn 3 từ năm 2032 - 2036 đầu tư 3 bến có số vốn trên 4.300 tỷ đồng. Cảng biển Mỹ Thủy phục vụ cho Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp và hàng hóa từ Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Ngoài ra, tỉnh đang chỉ đạo thực hiện đầu tư nâng cấp cảng Cửa Việt. Cụ thể là cảng CFG Nam Cửa Việt đang được đầu tư xây dựng với quy mô trên 18ha, nằm đối diện với cảng biển Cửa Việt hiện tại, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 5.000 tấn. Dự án này có 4 cầu cảng, tổng vốn đầu tư 640 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án từ năm 2020 - 2021, xây dựng 2 cầu cảng với vốn đầu tư 365 tỷ đồng, năng lực thông qua cảng từ 0,2 - 0,5 triệu tấn hàng/năm. Giai đoạn 2 từ năm 2022 - 2030, đầu tư thêm 2 cầu cảng với vốn đầu tư 275 tỷ đồng, năng lực thông qua cảng khoảng 1 - 1,4 triệu tấn hàng/năm. Hệ thống cảng biển và giao thông khi hoàn thiện sẽ đưa Quảng Trị trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của các nước trong khu vực vào năm 2030.
Trong giai đoạn này, tỉnh ưu tiên chỉ đạo đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị tại xã Gio Quang và một phần thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh. Dự án quan trọng này có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công tư. Cảng hàng không Quảng Trị có chức năng dân dụng dùng chung quân sự. Tỉnh phấn đấu khởi công xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị trong năm 2021. Việc đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị và tuyến đường ven biển sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Thưa đồng chí, năm nay là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII. Vậy Tỉnh ủy Quảng Trị đã và đang tập trung triển khai các nghị quyết này như thế nào?
Trước mắt Tỉnh ủy Quảng Trị tập trung lãnh đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 23/5; đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII; đặc biệt nhấn mạnh các điểm mới, những mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Bên cạnh đó, Tỉnh xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp. Điểm quan trọng nhất là các cấp ủy Đảng triển khai thực hiện ngay các nội dung này từ tháng đầu năm của nhiệm kỳ; rà soát lại quy chế làm việc cấp ủy các cấp đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt có hiệu quả trong toàn Đảng bộ. Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh, từ đó lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Đồng thời, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất về tư tưởng, chính trị trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu. Cùng với đó, tỉnh tăng cường đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật Đảng; chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện sớm, ngăn ngừa các vi phạm; đẩy mạnh việc kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực; tập trung đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức Đảng.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!