Theo Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Quy hoạch tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; nguồn vốn lập quy hoạch tỉnh được thực hiện xã hội hóa; đơn vị tư vấn lập Quy hoạch là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Roland Berger. Đến nay, Quy hoạch tỉnh đã hoàn thành các nội dung cơ bản, đã tổ chức lấy ý kiến đơn vị liên quan. Cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vấn đã tiếp thu ý kiến, hoàn thiện nội dung cơ bản trong quy hoạch.
Theo phương án báo cáo quy hoạch tỉnh, đến năm 2025, Hải Dương phấn đấu mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có hạ tầng kinh tế - xã hội khá đồng bộ; tiếp tục chuyển dịch kinh tế sang công nghiệp - dịch vụ, chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Mức tăng GRDP thực tế bình quân đầu người ở mức cao hơn cả nước, đạt khoảng 114 triệu đồng. Đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng; tăng GRDP thực tế bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt khoảng 183 triệu đồng. Đến năm 2050, Hải Dương phấn đấu trở thành trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông; một đô thị hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng; phát triển công nghiệp hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn cũng như toàn vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định của nền kinh tế.
Hải Dương quyết định lựa chọn phương án tăng trưởng đột phá, dự kiến GRDP sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân 12,5%/năm. Định hướng về không gian phát triển, tỉnh sẽ tổ chức theo mô hình đa cực tích hợp, phát triển theo định hướng “Đa dạng - Bản sắc –Tăng trưởng xanh và bền vững” theo 4 trục phát triển, 5 cực tăng trưởng và 5 vùng phát triển.
Các trục phát triển gồm: Trục Bắc - Nam đi theo tuyến quốc lộ 37, 38, là trục kết nối 2 đô thị lớn của tỉnh là thành phố Hải Dương và thành phố Chí Linh và các thị trấn trung tâm huyện, có tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô đã được xác định trong quy hoạch của Quốc gia với tiêu chuẩn đường cao tốc. Trục phát triển Đông - Tây trung tâm tỉnh sẽ đi dọc theo cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 5. Trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh kết nối với cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông với trọng điểm là trục dọc sông Thái Bình.
Các cực tăng trưởng chính của Hải Dương gồm: 1 đô thị trung tâm là thành phố Hải Dương; 4 đô thị động lực là thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, Bình Giang, Thanh Miện; 5 đô thị vệ tinh là: Gia Lộc, Nam Sách, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Tứ Kỳ và 2 đô thị chức năng chuyên biệt: Ninh Giang và Kim Thành.
Trên cơ sở các hành lang phát triển, Hải Dương phân chia không gian thành 5 phân vùng, được liên kết chặt chẽ với nhau qua 4 trục phát triển bao gồm: phân vùng đô thị dịch vụ tổng hợp trung tâm; phân vùng phát triển trọng điểm công nghiệp - đô thị phía Tây; phân vùng đô thị du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh phía Bắc; phân vùng nông nghiệp tập trung, đặc sản, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến liên kết và công nghiệp hỗ trợ ;phân vùng công nghiệp - đô thị - dịch vụ phía Đông Bắc.
Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, Hải Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 11,8% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 224,4 triệu USD, bằng 87,1% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách ước đạt 10.334 tỷ đồng, tăng 16%. Quả vải thiều và một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ tốt, được đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn giao dịch điện tử và xuất khẩu. Đặc biệt, Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, quyết liệt đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội có hiệu quả, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở; công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện, xúc tiến đầu tư, thương mại được đẩy mạnh.