Khách hàng có thể thực hiện những giao dịch về dịch vụ điện qua các thiết bị điện tử (ảnh chụp tại Phòng giao dịch khách hàng Công ty Điện lực Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Từ đầu năm 2025 đến nay, với tinh thần chủ động và quyết tâm, Thành ủy Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cấp ủy, tổ chức Đảng. Trong đó, việc số hóa các thủ tục hành chính Đảng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tạo tiền đề cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện hiệu quả, minh bạch hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cụ thể, 4 thủ tục hành chính Đảng tiên phong được Hà Nội đưa lên môi trường số gồm: Thu, nộp đảng phí; lấy ý kiến nhận xét của chi ủy, chi bộ nơi cư trú đối với đảng viên; chuyển sinh hoạt Đảng chính thức và chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời.
Theo các tổ chức Đảng, đảng viên, việc đưa thủ tục Đảng lên môi trường số đã mang lại những lợi ích to lớn. Đó là: tăng tính minh bạch và hiệu quả trong công tác thu nộp đảng phí; rút ngắn thời gian xử lý thủ tục lấy ý kiến nhận xét; đơn giản hóa chuyển sinh hoạt đảng, qua đó, tiết kiệm được rất nhiều về kinh tế.
Ngoài ra, theo thống kê đến tháng 6/2025, hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Đảng bộ thành phố đã được hơn 2.100 đơn vị với gần 4.700 tài khoản sử dụng, xử lý hàng chục nghìn văn bản đi, đến và hơn 2.800 chữ ký số. Công tác số hóa tài liệu lưu trữ Đảng tiếp tục được đẩy mạnh. Thành phố đã số hóa hơn 1.450m tài liệu, trên tổng số hơn 23.600m tài liệu lưu trữ.
Những kết quả nổi bật này khẳng định quyết tâm chính trị cao của Thành ủy Hà Nội trong thực hiện chuyển đổi số công tác Đảng, đặt nền tảng vững chắc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cơ quan Đảng, đoàn thể thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, thời gian tới, Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường chuyển đổi số trong nội bộ từng cơ quan song hành với việc tăng cường hỗ trợ, tập huấn cho cơ sở; ưu tiên đầu tư hạ tầng, hoàn thiện hệ thống phòng họp trực tuyến… Đặc biệt, Thành ủy xác định, người đứng đầu đơn vị phải thực sự là hạt nhân, người truyền cảm hứng, dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị mình; qua đó góp phần vào kết quả chung của thành phố.
Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội toàn thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng trong chuyển đổi số. Trong đó, tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức của của các cấp ủy Đảng và đảng viên về nội dung, yêu cầu, tầm quan trọng của chính quyền số; coi công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng tại cơ quan, đơn vị.
Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành việc tích hợp các phần mềm điều hành tác nghiệp của thành phố vào hệ thống chung của quốc gia; tăng cường đầu tư hạ tầng, mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến, trang bị thiết bị đầu cuối cho các đơn vị mới chia tách, sáp nhập, đồng thời xây dựng phương án lắp đặt hệ thống giám sát an ninh mạng. Sở cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, duy trì hoạt động ổn định của mạng số liệu chuyên dùng, hệ thống hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến Thành ủy và xuống địa phương… Từ đó, phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.