Hà Nội thu hồi đất nông, lâm trường ngoài quy hoạch

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ về việc rà soát đất đai, lập quy hoạch sử dụng đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội đang tập trung chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện, thị xã chủ động triển khai và hoàn thành trong năm 2012.


Trong tháng 10 và 11/2012, các đơn vị chức năng hoàn thành việc tổng hợp, rà soát hiện trạng đất đai, đo đạc lập hoặc chỉnh lý bản đồ, cắm mốc ranh giới thửa đất, lập quy hoạch sử dụng đất đối với diện tích có nhu cầu sử dụng và báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trình TP phê duyệt làm căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, ký hợp đồng thuê đất theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời các công ty cổ phần bàn giao diện tích đất không còn nhu cầu sử dụng cho việc sản xuất nguyên liệu phục vụ cơ sở chế biến cho địa phương để quy hoạch, quản lý.


Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, để chấn chỉnh lại công tác quản lý, sử dụng đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức thanh tra các trường hợp vi phạm Luật đất đai để làm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý, khắc phục. UBND TP kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp đất đang cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng; đất đang bị lấn chiếm, tranh chấp; đất chưa sử dụng đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Đối với diện tích đất không nằm trong quy hoạch sử dụng đất chi tiết của nông, lâm trường đã được xét duyệt, UBND TP sẽ ra quyết định thu hồi.


Để hoàn thành công tác rà soát tình hình quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ cung cấp danh sách nông, lâm trường quốc doanh, doanh nghiệp lâm nghiệp và các công ty nông, lâm nghiệp. Các đơn vị này có trách nhiệm liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để triển khai ngay việc kiểm kê hiện trạng đất đai, lập quy hoạch sử dụng đất và lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất và chuyển sang thuê đất đối với diện tích đã giao mà các công ty đang tiếp tục quản lý sử dụng để sản xuất nguyên liệu phục vụ cơ sở chế biến của công ty.


Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có gần 60 nông trường, trạm trại với tổng diện tích hơn 11.700 ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai... ; trong đó, riêng huyện Ba Vì có 12 cơ sở với hơn 10.800 ha. Phần lớn các nông trường, trạm trại hình thành trước năm 1980 và từ năm 1990 chuyển sang cơ chế thị trường, các nông trường, trạm trại chuyển sang hình thức giao khoán ruộng đất cho các cán bộ, công nhân viên sản xuất.


Từ thực tế quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường cho thấy những bất cập, chồng chéo, đặc biệt tình hình vi phạm Luật đất đai đang diễn ra rất phức tạp. Hầu hết các nông trường, trạm trại không có quy hoạch sử dụng đất; hồ sơ, bản đồ phục vụ công tác quản lý không đầy đủ. Việc kiểm tra, rà soát hiện trạng đất hàng năm không được thực hiện, dẫn đến tình trạng hàng trăm ha đất giao khoán không đúng đối tượng, trái thẩm quyền, tự phát hình thành các khu dân cư.


Bên cạnh đó, tình trạng người dân lấn chiếm đất công, chuyển nhượng đất trái phép diễn ra phổ biến, gây lãng phí tài nguyên, như Trạm thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì tự ý giao 4,4 ha cho 22 hộ dân xã Cẩm Lĩnh để làm nhà vườn, 12 hộ của xã Ba Trại làm nhà ở; Công ty cổ phần Giống gia cầm Ba Vì giao gần 21 ha đất cho các hộ dân làm nhà ở và đất vườn; ký hợp đồng cho thuê lại đất để hưởng lợi; Trung tâm dịch vụ và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp Ba Vì khi giao khoán đất chỉ ghi tên người nhận, không ghi địa chỉ, thậm chí chưa có chữ ký của người nhận khoán...


Lý giải nguyên nhân dẫn đến các vi phạm, tồn tại trên, các cơ quan chức năng của TP cho biết, do công tác quản lý đất đai tại các nông trường, trạm trại bị buông lỏng trong thời gian khá dài. Nhiều trường hợp lãnh đạo một số đơn vị còn làm "ngơ", hoặc tiếp tay cho các vi phạm để hưởng lợi. Trong khi đó, các văn bản quy định về chức năng quản lý còn chồng chéo, mô hình tổ chức nông trường, trạm trại chưa rõ ràng. Công tác phối hợp giữa nông trường, trạm trại, nhất là những đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với chính quyền cơ sở thiếu chặt chẽ khiến nhiều trường hợp chính quyền địa phương không tiếp cận, xử lý được các vi phạm.



Minh Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN