Hiện nay, tại thôn Thành Vật, xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), một đoạn bờ sông dài 1,5km đã bị sạt lở nghiêm trọng, có đoạn sạt lở gần sát vào chân đê, gây mất an toàn cho con người và tài sản của nhân dân. Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn |
Để kịp thời khắc phục sự cố, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép huyện Ứng Hòa được lập dự án công trình xử lý khẩn cấp đê tả Đáy đoạn qua thôn Thành Vật, xã Đồng Tiến bằng nguồn vốn của thành phố. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức chốt trực 24/24 giờ, tăng cường kiểm tra đê kè, nhất là các vị trí xung yếu, phát hiện và xử lý kịp thời sự cố; xử lý triệt để các vi phạm ảnh hưởng đến an toàn hành lang đê điều... đảm bảo an toàn cho các tuyến đê trong mùa mưa bão.
Đồng Tiến là một trong những "điểm nóng" về sự cố sạt lở đê điều trong thời gian qua, với hai điểm sạt lở đê tả Đáy. Đoạn đê tả Đáy chạy qua xã Đồng Tiến dài khoảng 3km, đây cũng là đường dân sinh nên khi xảy ra sự cố sạt lở gần sát chân đê sẽ gây mất an toàn cho người và tài sản. Được biết, tháng 9/2011, trên địa bàn xã đã xảy ra một vụ sạt lở đê với cung sạt trượt dài khoảng 300m.
Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống bão lụt Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết, hệ thống đê điều của thành phố tương đối dài, trong đó nhiều tuyến đê khô chưa qua thử thách với lũ nên chứa đựng nhiều hiểm họa khó lường. Với các tuyến đê phân lũ là tả Đáy, hữu Đáy, Ngọc Tảo, La Thạch, Tiên Tân với tổng chiều dài trên 126km đang có nhiều hang cày, tổ mối, tổ chuột, dẫn đến hiện tượng thẩm lậu, thấm mái đê làm cho đê yếu khi nước to (trên báo động 3). Mặc dù các tuyến đê cấp 3 đến cấp đặc biệt thời gian qua đã được Hà Nội xây dựng cơ bản cứng hóa nhưng do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, các vùng mặt đê trở thành đường giao thông huyết mạch, số lượng xe vận tải lớn chạy qua nhiều, gây nứt thân đê nên dễ xảy ra sự cố nguy hiểm.
P.A