Hà Nội chọn trọng tâm trong công tác dân vận là quan tâm tới đời sống nhân dân

Chiều 15/7, Đoàn Kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trương Thị Mai và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ cùng chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, xuất phát từ vị trí là trung tâm của cả nước, tất cả các lĩnh vực công tác của Hà Nội có khối lượng lớn, tính chất đa dạng, phong phú, có nhiều việc khó, thậm chí rất khó, trong đó có công tác dân vận. Tuy nhiên, Hà Nội đã triển khai 6 nhiệm vụ về công tác dân vận một cách toàn diện, bài bản, khoa học từ khâu ban hành nghị quyết cho đến hoạt động tổng kết, khen thưởng, biểu dương. Bên cạnh đó, thành phố rất quan tâm đến xây dựng bộ máy cán bộ dân vận. 

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, một trong những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW, đó là Thành ủy Hà Nội đã ban hành và thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”. Tuy nhiên, Thành ủy Hà Nội chỉ mới có một Nghị quyết 15-NQ/TU là "hồn cốt" của công tác dân vận. Thời gian tới, Thành ủy Hà Nội cần có nghị quyết chuyên đề sâu hơn về công tác dân vận, kết hợp với Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Đồng quan điểm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, 5 điểm “tâm đắc” sau 10 năm thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị đó là sự chỉ đạo bài bản, nghiêm túc, có đổi mới trong công tác dân vận. Chất lượng hoạt động của hệ thống dân vận các cấp được nâng lên theo hướng thiết thực, sâu sát cơ sở. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được tăng cường, lan tỏa những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, phản biện xã hội ngày càng được chú trọng. Công tác dân vận đã tạo sự đồng thuận xã hội, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo nền tảng để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. 

Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá, Hà Nội đã nghiêm túc, kịp thời triển khai thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị với nhiều kinh nghiệm, cách làm hay. Đặc biệt, thành phố đã chọn trọng tâm công tác dân vận là quan tâm tới đời sống nhân dân. Song song với đó, công tác dân vận chính quyền tiếp tục có sự cải thiện với nhiều cách thức đổi mới. Nhiều kết quả nổi bật về kinh tế, xã hội như: Nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo..., đã tác động tích cực đến công tác dân vận, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. 

Lưu ý vấn đề kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh là trọng điểm để thực hiện công tác dân vận, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về công tác dân vận, trong đó gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, tập trung giải quyết các vấn đề phức tạp và phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị trong công tác dân vận. Ngoài ra, quá trình thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW của Hà Nội phải gắn với các văn bản khác của Đảng về công tác dân vận, để tạo thành mạch liên kết. 

Trước đó, trình bày báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã nêu rõ 10 nhóm kết quả nổi bật sau 10 năm thành phố Hà Nội thực hiện Quyết định 290-QĐ/TW. Nổi bật là Hà Nội đã ban hành 39.948 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội các cấp của thành phố thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác dân vận. 

Công tác dân vận của cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục được đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, trong đó tăng cường đối thoại, vận động, thuyết phục, hạn chế các biện pháp hành chính. Công tác dân vận của chính quyền, các cơ quan tư pháp và của lực lượng vũ trang được tăng cường, đạt được nhiều kết quả tích cực. Kỷ cương, kỷ luật hành chính, nhận thức của cán bộ, công chức về trách nhiệm phục vụ nhân dân, gần dân ngày một nâng cao.

Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện bài bản, nghiêm túc. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị, xã hội thành phố tích cực đổi mới nội dung, phương thức ngày càng thiết thực, hiệu quả, bám sát các nhiệm vụ chính trị của thành phố, tập trung thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện. Cụ thể, sau 10 năm, toàn thành phố tổ chức 27.739 cuộc giám sát, 6.889 hội nghị phản biện.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2013-2020, cấp thành phố tổ chức 22 hội nghị tiếp xúc, đối thoại. Cấp quận, huyện, thị xã tổ chức 144 hội nghị đối thoại định kỳ. Cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 2.048 hội nghị đối thoại định kỳ. Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện tích cực của tổ chức, đảng viên và nhân dân; kịp thời giải quyết nhiều kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Văn Cảnh - Nguyễn Thắng  (TTXVN)
Đồng chí Trương Thị Mai: Bản chất công tác dân vận là tăng cường lòng tin của dân với Đảng
Đồng chí Trương Thị Mai: Bản chất công tác dân vận là tăng cường lòng tin của dân với Đảng

Chiều 2/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa X, do bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị Thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN