Hà Nội: Bệnh nhân COVID-19 nhập viện tăng lên, nhiều người tái nhiễm

Các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 đang có dấu hiệu tăng số ca nặng phải nhập viện; nhiều người tái nhiễm cũng phải nhập viện theo dõi.

Trong khu điều trị tại bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), những ngày này, lượng bệnh nhân nặng được chuyển tới có dấu hiệu tăng lên, các y bác sĩ luôn tay thăm khám, theo dõi, chăm sóc người bệnh.

Hiện tại bệnh viện đang điều trị cho gần 30 bệnh nhân COVID-19. Nhiều bệnh nhân nằm im lìm trong tiếng máy thở, một số bệnh nhân tỉnh táo cũng nhăn nhó với cơn ho khó nhọc.

Clip tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội):

Chia sẻ về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện nay, BS. Đặng Trung Anh, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết: “Trong 7 ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 nhập viện tăng so với tuần trước đó. Bình quân mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 6 - 8 bệnh nhân nhập viện điều trị. Tuy số lượng bệnh nhân phải nhập viện có dấu hiệu tăng hơn; nhưng tình trạng bệnh nhân nặng không tăng lên nhiều. Các bệnh nhân nặng đa số là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền; thường là những người đã tiêm 2 - 3 mũi vaccine và trước đó chưa mắc COVID-19. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp tái nhiễm, phải nhập viện; tuy nhiên tình trạng các trường hợp này cũng không quá nặng”.

Chú thích ảnh
Phòng chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng.
Chú thích ảnh
Đa số bệnh nhân COVID-19 nặng là người có bệnh nền, cao tuổi.

Đa số các bệnh nhân đang điều trị tại đây có bệnh nền cần phải theo dõi, chăm sóc y tế; trong đó, có một số bệnh nhân nặng phải thở máy, thậm chí phải thở máy xâm nhập, thở oxy dòng cao.

Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện đang điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân COVID-19, trong đó hơn 10 bệnh nhân thở máy và một số trường hợp có bệnh nền. Số ca mắc COVID-19 phải nhập viện tại đây cũng có xu hướng tăng so với khoảng thời gian trước. Đa phần các bệnh nhân đều phải can thiệp thở máy, HFNC, thở oxy mask với liều lượng oxy cao.

Theo BS. Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, việc gia tăng số ca COVID-19 phải nhập viện là do hoạt động đi lại, giao lưu của người dân đã trở về bình thường, nhiều người còn có tâm lý chủ quan khi dịch đã được kiểm soát, lơ là các biện pháp phòng dịch; có thể làm lây bệnh cho những người có bệnh nền, người già, người có nguy cơ bị bệnh nặng... Cùng với đó, hiện đa số người dân đã có thời gian tiêm mũi các mũi cơ bản, mũi 3 đã qua mốc 6 tháng nên kháng thể do vaccine cung cấp đã giảm xuống. Vì vậy, người dân có nguy cơ tái nhiễm và nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc bệnh cao.

Chú thích ảnh
Nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy.
Chú thích ảnh
Màn hình theo dõi các chỉ số của bệnh nhân COVID-19.

Về tình trạng gia tăng số ca mắc COVID-19 nhập viện, BS. Đặng Trung Anh, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nhận định: Số ca mắc COVID-19 phải nhập viện có tăng, nhưng chưa phải ở mức tăng quá nhanh. Khi số lượng ca mắc mới tăng trở lại, việc có quá tải bệnh viện hay không còn tùy thuộc và mức độ nặng của đợt bùng phát dịch.

Theo đó, thường các đợt bùng phát dịch có số lượng bệnh nhân nặng nhiều, nhu cầu chăm sóc y tế tăng đột biến có thể gây quá tải hệ thống y tế. Nhưng nếu tình trạng bệnh nhân nặng ít, mức độ tổn thương nặng của người bệnh cần can thiệp y tế không quá nhiều, trong bối cảnh các cơ sở y tế đã có kinh nghiệm chống dịch thì khó xảy ra quá tải. Quan trọng là chủng virus lưu hành trong đợt dịch là chủng nào, có gây tình trạng nặng hay không. Tuy nhiên, trước mắt, nếu có đợt bùng phát mới, chúng ta chưa thể nói trước được việc có quá tải hay không; vì chưa biết virus sẽ tiếp tục biến đổi như thế nào.

“Để xây dựng các phương án cho các tình huống dịch, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 cũng đã có dự trù, chuẩn bị; thậm chí có thể tăng cường thêm các đơn nguyên điều trị; tăng cường thêm nhân lực, máy móc, vật tư, thuốc men để phòng tình trạng nếu có đợt bùng phát dịch mới cần phải mở rộng quy mô điều trị”, BS. Đặng Trung Anh cho biết.

Để ngăn chăn dịch COVID-19 tái bùng phát, BS. Đặng Trung Anh khuyến cáo: Người dân không nên chủ quan trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Mỗi người vẫn cần chủ động thực hiện đeo khẩu trang, rửa thay thường xuyên để tránh lây lan dịch; đồng thời người dân cũng nên tiêm chủng đầy đủ để có miễn dịch phòng bệnh; tiêm các mũi vaccine tăng cường cho các đối tượng được chỉ định; đặc biệt là những người tuổi cao, có bệnh nền, nguy cơ trở nặng cao rất cần tiêm mũi tăng cường.

Bài, ảnh, clip: Tạ Nguyên
Hơn 246,69 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam
Hơn 246,69 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam

Trong ngày 2/8/2022 có 314.806 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 246.696.776 liều, trong đó tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi là 12.325.532 liều, tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 20.806.199 liều và tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 213.565.045 liều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN