Góp ý hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người

Ngày 4/4, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, Bộ Tổng chưởng lý Australia tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Chú thích ảnh
Bà Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, Luật phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực thi hành từ ngày1/1/2012. Sau hơn 10 năm, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều đường dây tội phạm mua bán người được phát hiện, xử lý; công tác tiếp nhận, xác minh nạn nhân được tiến hành nhanh hơn, quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân ngày càng được bảo vệ. Các cấp, ngành quan tâm tới công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được tăng cường. Qua đó góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, tình hình mua bán người trên bình diện quốc tế và ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, gây bất an, lo lắng trong nhân dân. Mặt khác, sau hơn 10 năm thi hành, Luật phòng, chống mua bán người đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, dẫn đến giảm hiệu quả của công tác phòng, ngừa và đấu tranh chống mua bán người. Do đó việc sửa đổi Luật phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết.

Tại Hội thảo, các đại biểu có nhiều tham luận, ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Thượng tá Bùi Thị Nương, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, Luật phòng, chống mua bán người năm 2011 có một số quy định không bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật nhà nước. Các quy định cụ thể của Luật chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết liên quan đến mua bán người. Các tiêu chí xác định nạn nhân bị mua bán theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để được hưởng các chế độ hỗ trợ chưa phù hợp thực tiễn, dẫn đến khó khăn về chi trả kinh phí thực hiện tiếp nhận nạn nhân bị mua bán. Do đó, cần bổ sung một số quy định để thống nhất nhận thức trong phòng, chống mua bán người. Cụ thể, quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán; hoàn thiện các quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ nạn nhân trong các vụ mua bán người và một số đối tượng liên quan; hoàn thiện quy định về việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo hướng cho phép tổ chức, cá nhân được phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; xây dựng quy định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người phù hợp chính sách, pháp luật của Việt Nam.

Theo bà Sophie Clarkson, Giám đốc Ban Phòng, chống mua bán người và nô lệ hiện đại, Bộ Tổng chưởng lý Australia, phía Australia đang hoàn thiện dự thảo Luật phòng, chống mua bán người và nô lệ hiện đại. Hội thảo là dịp để cùng trao đổi, hợp tác cùng hoàn thiện pháp luật về phòng, chống mua bán người. Chúng tôi cũng kiến nghị cần hình sự hóa hành vi phạm tội và hỗ trợ tối đa cho nạn nhân...

Bà Sophie Clarkson chia sẻ thêm, Chính phủ Australia hợp tác với một số tổ chức chuyên môn để cung cấp hỗ trợ cho nạn nhân, những người bị mua bán và các hình thức nô lệ hiện đại khác gồm chương trình hỗ trợ người bị mua bán do Chính phủ tài trợ, thực hiện bởi Hội Chữ thập đỏ Australia.

Theo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, những năm qua, tình hình mua bán người trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, đặc biệt tuyến biên giới đường bộ. Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và hành động cho quần chúng nhân dân. Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 chưa quy định về “giải cứu” nạn nhân vì vậy gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Luật còn nhiều chồng chéo, thời gian điều tra ngắn. Tội phạm mua bán người qua biên giới chủ yếu lợi dụng hoạt động xuất nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên Luật Xử lý vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh không cho giữ người theo thủ tục hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh, vi phạm quy chế biên giới, gây khó khăn cho công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Theo các đại biểu, số nạn nhân bị mua bán, có biểu hiện bị mua bán còn nhiều và chưa được phát hiện triệt để, có trường hợp còn e ngại, giấu giếm, bao che cho các đối tượng. Các đối tượng rất tinh vi, thay đổi cách thức liên tục nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Do đó cần thay đổi Luật Phòng, chống mua bán người để phù hợp tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế.

Theo cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến tháng 6/2020, cơ quan chức năng Việt Nam đã giải cứu, tiếp nhận và xác minh 7.356 nạn nhân bị mua bán. Hơn 90% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em và hơn 80% nạn nhân là người dân tộc thiểu số. Nghèo đói, ít cơ hội tiếp cận giáo dục và vị trí địa lý được xác định là yếu tố nguy cơ đối với các nạn nhân.

Việc sửa đổi và hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người sẽ quán triệt, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống mua bán người; tổng kết toàn diện việc thi hành Luật Phòng, chống mua bán người, các văn bản hướng dẫn thi hành thời gian qua, từ đó khắc phục hạn chế, tồn tại của quy định hiện hành, bổ sung quy định mới đáp ứng yêu cầu phòng, chống mua bán người hiện nay và những năm tới…

Đức Hiếu (TTXVN)
Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực phòng, chống mua bán người
Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực phòng, chống mua bán người

Việt Nam luôn tạo điều kiện cho việc di cư hợp pháp, an toàn và kiên quyết đấu tranh phòng, chống việc di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN