Tham dự Hội nghị có: Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài Đôn Tuấn Phong; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman; ông Trần Ngọc Tam, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; đại diện Ban cố vấn Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam, ông Pieter van den Bergh; đại diện các bộ, ban ngành; đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan Liên hợp quốc, Đại sứ quán và các đối tác của Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam tại 14 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương như Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, các câu lạc bộ người sống chung với HIV/AIDS, Trung tâm phục hồi chức năng và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Pieter van den Bergh cho biết: Hiện nay, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ có HIV/AIDS.
Trong đó có chương trình chăm sóc sức khỏe người khuyết tật; phát triển hòa nhập xã hội cho trẻ khuyết tật; hỗ trợ nhóm phụ nữ và trẻ em sống chung với HIV/AIDS; nâng cao nhận thức về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục của trẻ em gái vị thành niên; Hỗ trợ phụ nữ thực hiện các chương trình sinh kế xóa đói giảm nghèo.
Từ năm 2017 đến nay, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam mở rộng vận động tài trợ cho các dự án liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu,phát triển doanh nghiệp và chuỗi giá trị. Các hoạt động của Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam đã và đang triển khai tại 14 tỉnh thành trong cả nước. Đây là những dự án có ý nghĩa hòa nhập xã hội, nâng cao nhận thức, nâng quyền của đối tượng được hưởng lợi.
Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài Đôn Tuấn Phong cho biết: Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ nước ngoài đầu tiên hoạt động tại Việt Nam, khi Việt Nam ở giai đoạn của cuộc chiến tranh giải phóng đất nước.
Nhiều thuốc men, dụng cụ y tế và các đoàn chuyên gia, cán bộ y tế Hà Lan đã sang để giúp đỡ Việt Nam trong thời điểm khó khăn nhất. Các hoạt động trợ giúp cho Việt Nam còn được Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam triển khai đến ngày nay, giúp nhiều người dân Việt Nam được chăm sóc sức khỏe, nhiều cán bộ y tế được nâng cao năng lực.
Trong hơn chục năm trở lại đây, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam còn hỗ trợ cho giảm nghèo và phát triển bền vững tại Việt Nam như các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực hợp tác xã nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp...
Với những đóng góp trên nhiều lĩnh vực, hỗ trợ cho các nhóm thiệt thòi tại Việt Nam, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam đã vinh dự được trao Huân chương Hữu nghị lần thứ 4 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là phần thưởng ghi nhận những cống hiến của Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam cho công cuộc phát triển tại Việt Nam trong thời gian qua. Trước đó, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam đã 3 lần được trao tặng Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước Việt Nam vào các năm 1977, 1993 và 2004. Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam là tổ chức quốc tế duy nhất đến nay 4 lần được trao tặng Huân chương Hữu nghị.
Cũng tại lễ kỷ niệm, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề: Phát triển bền vững trong bối cảnh mới, hội thảo thu hút sự tham gia của các đại diện Liên hợp quốc, chuyên gia về phát triển bền vững của Việt Nam và được nhiều đại biểu đánh giá cao.
Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động vì quyền sức khỏe và hòa nhập xã hội của các nhóm thiệt thòi tại Việt Nam. Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam được thành lập vào ngày 18/11/1968, bởi một nhóm trí thức người Hà Lan, gồm: Giáo sư Jaap de Haas, bác sĩ Nick Van Rhijn và bác sĩ Fred Groenink nhằm hỗ trợ thuốc men trên quy mô lớn cho những nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhất ở Việt Nam. Năm 1973, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam đã quyên góp được 4 triệu Euro từ 67.000 nhà tài trợ cho Việt Nam.
Bên cạnh những tài trợ về nhu yếu phẩm như: Lương thực, thuốc, dụng cụ y tế, một số vật phẩm cần thiết phục vụ đời sống, chiến đấu (xe đạp, máy khâu,…), Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam còn mang đến cho Việt Nam một đội ngũ nhân lực y tế tận tâm.
Ngay từ những năm đầu thành lập, có đến hơn 600 bác sĩ, dược sĩ, y tá và giảng viên các trường đại học tại Hà Lan tình nguyện tham gia các hoạt động của Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam, trong đó có chương trình “Bác sĩ nhân đạo trong thời kỳ chiến tranh” tại Việt Nam.
Năm 1973, bác sĩ Nick Van Rhijn, một trong ba người đồng sáng lập Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam, đã khởi xướng kế hoạch xây dựng một bệnh viện lắp ghép cho tỉnh Quảng Trị, địa phương bị tàn phá nặng nề do chiến tranh. Kế hoạch này được triển khai vào năm 1974 và hoàn thành vào năm 1977.
Sự ra đời của Bệnh viện Hà Lan trong những năm tháng hậu chiến gian khổ đã mang lại sự sống cho rất nhiều người dân Quảng Trị. Ngày nay, một phần của Bệnh viện Hà Lan trước đây được sửa chữa để làm nhà lưu niệm của Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam.
Đóng góp của Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam với Việt Nam thời hậu chiến được ghi nhận nổi bật trong công cuộc phòng, chống bệnh lao (từ năm 1983) và sốt rét (1987). Đặc biệt, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam đã hỗ trợ đặt nền tảng cho Chương trình Phòng chống Lao quốc gia của Việt Nam. Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam cũng tích cực đầu tư nguồn lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cho người khuyết tật tại Việt Nam.
Chương trình hỗ trợ người khuyết tật được bắt đầu với các hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại tỉnh Quảng Trị, mở rộng ra các tỉnh Đắk Lắk, Cao Bằng, Phú Yên, Khánh Hòa, Điện Biên. Bước đầu, dự án đã đem lại hiệu quả tích cực, khi mang lại lợi ích về mặt y tế, giáo dục, tài chính, xã hội cho hơn 20.000 người khuyết tật, trẻ em khuyết tật và gia đình người khuyết tật.
Hiện nay, Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam đang phối hợp cùng với Tổ chức Handicap International thực hiện dự án: “Tăng cường chăm sóc y tế và giáo dục phục hồi chức năng” (2016-2020) dựa trên nguồn kinh phí do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ.
Dự án giúp Việt Nam xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng, đặc biệt là giảng viên nòng cốt trong hoạt động trị liệu, kiện toàn chương trình đào tạo, phát triển các đơn vị hoạt động trị liệu phục vụ công tác đào tạo.