Gỡ điểm nghẽn khoán chi và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu

Ngày 17/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phân định nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng

Góp ý về Dự thảo Nghị quyết, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) đồng tình với nhiều điểm đã tháo gỡ những "nút thắt" về thể chế hiện nay như: Tăng ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ.

“Đáng chú ý, trong cơ chế này cũng đã chỉ ra việc khoán chi cho các hoạt động trong quá trình nghiên cứu, giúp các nhà khoa học không phải bận tâm trong chuyện phải thực hiện các thủ tục hành chính, lo hoàn thiện về các giấy tờ để đáp ứng các nhu cầu về quản lý. Đây là điểm tháo gỡ nút thắt lớn. Vấn đề là không chỉ giải quyết khoán chi, mà cần phải bỏ tất cả những quy định liên quan đến đấu thầu trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và nên chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và khoán chi, không thực hiện các cơ chế đấu thầu”, Đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng: Nghị quyết này mục đích đặt ra để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhưng những nội dung trong Nghị quyết không chỉ tháo gỡ, mà còn thúc đẩy và tạo động lực, định hướng trong Nghị quyết sẽ là nền tảng để làm những luật tiếp theo liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số... góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) phân tích, việc thực hiện và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học cần chia rõ hai lĩnh vực: Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Cần có cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau giữa hai lĩnh vực này, vì chúng có mục đích khác nhau, tiến hành thực hiện cũng khác nhau, nhưng cơ bản đều vì xây dựng nền khoa học bền vững, tiếp cận khu vực và thế giới. Cách tiến hành cần có thời gian đầu tư từ con người như đào tạo, trọng dụng nhân tài đến cơ sở vật chất và hiệu quả đánh giá bằng các phát minh sáng chế, những bài báo trên những tạp chí lớn nổi tiếng trên thế giới".

Còn theo Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), cần bỏ từ "thí điểm" trong tên gọi của dự thảo Nghị quyết, vì có nhiều nội dung trong dự thảo không nên coi là thí điểm. Đây là những rào cản đã được nhận diện và cần phải tháo gỡ, kể cả sau khi Luật Công nghiệp công nghệ số hay Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo có hiệu lực thi hành. Nhiều nội dung khác cũng không cần phải thí điểm thực hiện...

Thí điểm khoán chi

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, thay mặt cơ quan soạn thảo cho biết: Về tên gọi của Nghị quyết, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đề xuất tên gọi mới là "Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".

Nghị quyết thí điểm không có tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn, nhất là khi nghị quyết được chuẩn bị trong thời gian ngắn, tập trung vào thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội về cơ bản đã rõ và có thể thực thi ngay, đánh trúng vào các điểm nghẽn kéo dài, cấp bách, để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng giải trình các câu hỏi của các đại biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tháng 5/2025, Quốc hội sẽ thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số, và tiếp theo sẽ là các luật liên quan khác. Đây sẽ là cơ hội để tiếp tục giải quyết căn cơ hơn các vấn đề thể chế, chính sách và cơ chế cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu đưa ra khỏi Nghị quyết một số chính sách cần thêm thời gian để nghiên cứu và đánh giá toàn diện các mặt tác động, ví dụ như chính sách về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học, công nghệ...

Về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, đây cũng đang là điểm nghẽn lớn và kéo dài. Kết quả nghiên cứu phải được thương mại hóa mới góp phần cho phát triển kinh tế xã hội. Nghị quyết thí điểm việc cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu để chủ động việc thương mại hóa ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia lập và điều hành doanh nghiệp. Đây là những chính sách mạnh mẽ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả các kết quả nghiên cứu của những năm trước, ích nước lợi nhà, vì kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, Nhà nước sẽ thu được thuế, tạo ra công ăn việc làm, đất nước có trình độ khoa học, công nghệ cao hơn. Đây là cách thu hồi gián tiếp của Nhà nước đối với các khoản chi khoa học, công nghệ.

Hiện nay, chi cho nghiên cứu phát triển của Việt Nam đang chiếm 0,5% GDP, mới được 1/4 so với mục tiêu 2%. Trong 2% GDP này, chi của doanh nghiệp phải chiếm 70 - 80%, nhưng doanh nghiệp mới chi khoảng 20.000 tỷ đồng/năm, mới đạt được 1/6 so với mục tiêu. Doanh nghiệp tập trung vào nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có tác động ngay đến phát triển kinh tế xã hội, nên cần có chính sách, cơ chế đột phá để kích thích doanh nghiệp.

Về hạ tầng viễn thông lúc này cần nhất là nhanh. Nghị quyết 57 có chủ trương Nhà nước phải tham gia đầu tư hạ tầng số, 5G, cáp quang biển phải nhanh, để tạo hạ tầng đi trước phát triển đất nước. Nghị quyết đề xuất việc hỗ trợ nhà mạng đầu tư 5G để phủ sóng nhanh toàn quốc. Bình thường, mỗi nhà mạng đầu tư một năm chỉ xung quanh 5.000 trạm 5G, nếu muốn đầu tư tới 20.000 trạm/năm để phủ sóng nhanh, Nhà nước phải hỗ trợ. Mức hỗ trợ đề xuất là 15%, không vượt quá số tiền mà các nhà mạng đã bỏ ra để mua tần số 5G.

Về dịch vụ viễn thông vệ tinh tầm thấp. Đây là công nghệ mới phủ sóng băng rộng cho vùng sâu, vùng đồi núi hiệu quả. Để thu hút đầu tư nước ngoài, Nghị quyết cho phép thí điểm với sở hữu nước ngoài tới 100%, nhưng phải đảm bảo quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia.

Về chuyển đổi số cũng cần nhanh, nhất là giai đoạn năm 2025-2026, để tạo điều kiện cho các nền tảng và động lực cho chuyển đổi số quốc gia trong những năm sau. Nghị quyết cho phép cơ chế chỉ định thầu một số loại dự án chuyển đổi số.

Về công nghiệp bán dẫn, đây là ngành công nghiệp chiến lược, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đầy đủ tất cả các công đoạn của ngành công nghiệp này, trong đó khó nhất là nhà máy sản xuất đầu tiên cho nghiên cứu, cho chế tạo thử các chip được thiết kế tại Việt Nam phục vụ quốc phòng, an ninh và đào tạo nhân lực...

XC/Báo Tin tức
Quốc hội thảo luận về cơ cấu tổ chức của Chính phủ
Quốc hội thảo luận về cơ cấu tổ chức của Chính phủ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 17/2, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN