Giám sát tới cùng thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng

“Các đại biểu phải có trách nhiệm đi tới cùng vấn đề mình chất vấn thì việc giám sát lời hứa của các Bộ trưởng sẽ tốt hơn”, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh điều này khi trả lời phóng viên báo Tin Tức bên lề quốc hội, sau khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Theo ông, những đổi mới trong hoạt động chất vấn đã đáp ứng yêu cầu?

Tôi thấy rằng, cách chất vấn và trả lời chất vấn kỳ này rất hiệu quả, hỏi nhanh, đáp gọn. Với việc mỗi đại biểu chỉ có 1 phút để hỏi, các bộ trưởng sẽ phải trả lời sau khi 3 đại biểu chất vấn, và thời gian cho mỗi lần trả lời chỉ là 3 phút sẽ không để cho đại biểu hỏi dài dòng mà phải vào trực tiếp câu hỏi, đồng thời những người trả lời chất vấn cũng không thể đi báo cáo các thành tích hay điểm tình hình mà buộc phải đi vào những nội dung cốt lõi của câu hỏi.

Do đó, chất vấn lần này thực sự mang tính chất hỏi đáp. Ngay sau khi Bộ trưởng trả lời, người chất vấn chưa thỏa đáng thì có thể giơ biển tranh luận, Chủ tịch Quốc hội điều hành bao giờ cũng ưu tiên cho những người đó tranh luận nên những vấn đề đều được truy cứu đến cùng chứ không phải như trước đây, hỏi rất nhiều câu hỏi và trả lời lan man trôi đi hoặc dùng những thông tin không trực diện. Tôi đánh giá cách chất vấn và trả lời chất vấn như vậy rất hiệu quả, đúng nghĩa vấn đáp và truy xét đến cùng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường , Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội trả lời phóng viên.

Ông đánh giá như thế nào về phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng vừa qua?

Về phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, tôi đánh giá nhìn chung phần trả lời của các Bộ trưởng kỳ này rất tốt. Các Bộ trưởng đều thể hiện nắm chắc lĩnh vực mình phụ trách. Hầu như vấn đề nào đưa ra đều giải đáp được, giải đáp bằng minh chứng, con số cụ thể, hầu như không có vấn đề nào mà Bộ trưởng nói rằng để về tôi xem lại vấn đề nay hay vấn đề kia. Chứng tỏ khả năng bao quát và nắm ngành sâu sát.

Cùng đó, với việc thay đổi cách thức chất vấn, gần như Bộ trưởng không còn thời gian sử dụng tài liệu sẵn có, tất cả những gì muốn trả lời được thì phải trong đầu. Với sự chất vấn dồn dập, Bộ trưởng cũng không lảng tránh được các vấn đề chất vấn.

Theo ông, việc giám sát lời hứa của các Bộ trưởng đã thực sự có hiệu quả và thời gian tới cần có những thay đổi như thế nào để việc giám sát và thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng tốt hơn?

Để giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng sau giám sát, theo tôi, Quốc hội cần lọc lại toàn bộ câu hỏi cũng như là câu trả lời của các Bộ trưởng về mỗi vấn đề tại mỗi kỳ họp chứ không chỉ có Nghị quyết không. Những nội dung ghi chép lại đó sẽ phát cho đại biểu Quốc hội và nhân dân. Sau mỗi kỳ sẽ soi lại những vấn đề đó xem thực hiện như thế nào thì sẽ giám sát tốt hơn.

Hiện nay, sau một kỳ họp thì các Bộ trưởng phải có báo cáo về việc thực hiện ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội, mỗi kỳ Bộ ngành đều có bản giải trình đó. Tuy nhiên, chúng ta chưa gắn nó với những điều đã nói, đã trả lời chất vấn kỳ trước. Nếu gắn với nhau thì chắc chắn giám sát sẽ tốt hơn.

Nếu những vấn đề Bộ trưởng hứa có hạn chốt thời gian mà không thực hiện thì hoàn toàn đại biểu có thể đưa ra để chất vấn tiếp. Không thể có lý do gì Bộ trưởng lảng tránh không trả lời. Thậm chí, nếu Bộ trưởng đó không được chất vấn trong kỳ họp thì đại biểu vẫn có thể gửi thư và yêu cầu chất vấn nội dung mình theo dõi.

Theo tôi, việc thực hiện lời hứa cũng là là một trong những yếu tố đại biểu căn cứ vào đó đánh giá phiếu tín nhiệm đối với các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ khi đến kỳ Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Còn một vấn đề nữa để giám sát tốt hơn, theo tôi là về phía các đại biểu đặt câu hỏi. Mỗi đại biểu khi đặt câu hỏi cần theo sát, theo tận cùng nội dung mình chất vấn. Khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng đã trả lời giải pháp, cách thức tiến hành thì đại biểu cần ghi nhận lại và theo dõi xem những nội dung đó, xem thời gian từ trước đến giờ có thay đổi như thế nào, đưa ra minh chứng và chất vấn ngay Bộ trưởng về thay đổi giữa 2 kỳ. Như vậy thì tôi nghĩ nếu làm được thì các Bộ trưởng sẽ có trách nhiệm với lời hứa của mình cũng như trách nhiệm của Đại biểu quốc hội với vấn đề mình đặt ra. Nếu hai đối tượng người chất vấn và trả lời chất vấn đều quan tâm đến tiến trình giải quyết công việc và so sánh kết quả giữa 2 kỳ thì hiệu quả của những nội dung chất vấn trên thực tế sẽ tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Bộ trưởng nhận trách nhiệm nhưng quan trọng là giải pháp

Trong kỳ chất vấn vừa rồi có 4 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng tham gia trả lời chất vấn. Qua chất vấn, các Bộ trưởng đều thể hiện nắm chắc vấn đề của ngành và nhận trách nhiệm một số vấn đề tồn tại. Tuy nhiên, tôi quan tâm là giải pháp của các bộ phải rõ hơn nữa. Trách nhiệm đã nhận nhưng phải rõ giải pháp và hứa thêm khung thời gian thực hiện giải pháp đó. Một số Bộ trưởng cũng có căn cứ thêm chủ trương chính sách của Đảng nhưng quan trọng trong triển khai từng Bộ phải nắm chắc và có giải pháp cụ thể rõ ràng, mốc triển khai cụ thể.

Hiện nay, theo luật giám sát, từng đại biểu, đoàn Quốc hội, Ủy ban giám sát, các Ủy ban của Quốc hội và Quốc hội có thể thực hiện giám sát. Tuy nhiên, việc giám sát sẽ tốt hơn nếu đại biểu quốc hội, người chất vấn theo tận cùng nội dung câu hỏi của mình, giám sát việc thực hiện đó qua từng kỳ họp. Sau khi giám sát thực tế có thể chất vấn trực tiếp hoặc gửi thư yêu cầu trả lời.


Trang Thu/Báo Tin tức (ghi)
Quốc hội sẽ có nghị quyết giám sát Bộ trưởng thực hiện lời hứa sau chất vấn
Quốc hội sẽ có nghị quyết giám sát Bộ trưởng thực hiện lời hứa sau chất vấn

Tới đây, Quốc hội sẽ có một nghị quyết, thống kê tất cả những lời hứa tại nghị trường từ trước tới nay, xem có bao nhiêu vấn đề được nêu và được thực hiện. Thống kê này khi công bố sẽ là một sức ép để các Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện nghiêm túc lời hứa trước Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN