Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV:

Giám sát chặt nợ công, hài hòa đầu tư trung hạn

Các vấn đề về Kế hoạch tài chính 5 năm, Mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này được các đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận ngày 1/11 tại Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội Khóa XIV.

Phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Lưu Đức Long phát biểu ý kiến tại Quốc hội sáng 1/11. Ảnh: An Đăng/TTXVN

* Đại biểu Phạm Phú Quốc (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Giảm chi và giám sát chặt nợ công

GDP bình quân trong vòng 5 năm tới dự kiến đạt từ 6,5 – 7%, bội chi tiếp cận 3,99%... là những con số thể hiện sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ để đạt được mục tiêu do Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, trong báo cáo, Chính phủ cũng chỉ ra GDP chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tác động. Điển hình như yếu tố cấu thành là giá trị nông sản thì luôn chịu ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh hoặc tác động xấu của khí hậu. Cùng với đó, giá và sản lượng dầu thô cũng ảnh hưởng đáng kể, nhất là trước tác động của cuộc cạnh tranh giá dầu trên thế giới diễn ra gay gắt. Do đó, chúng ta phải tính toán các phương án như thế nào để đáp ứng chỉ tiêu về nợ công, bội chi, GDP phù hợp với mục tiêu đã đặt ra.

Để giảm nợ công, Việt Nam nên làm 2 động tác. Thứ nhất là nuôi dưỡng, tăng nguồn thu và thứ hai là giảm chi. Các tổ chức tiền tệ quốc tế đã khuyến cáo Việt Nam nên tính toán để nuôi dưỡng và cải thiện nguồn thu. Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn tài nguyên, giá dầu thô và ngoại thương xuất nhập khẩu. 

Bởi vậy, điều này khó có sự đột biến trong 5 năm tới, đồng thời đè nặng trách nhiệm lên nền sản xuất và dịch vụ trong nước. Trong khi đó, Chính phủ đặt ra chương trình khởi nghiệp, hình thành 1 triệu doanh nghiệp trong 5 năm và các chương trình khởi nghiệp đòi hỏi chính sách nới lỏng tiền tệ thì vấn đề tăng thu cho ngân sách là khó. Vì vậy, chỉ còn con đường để thực hiện được kế hoạch này là giảm chi.

Muốn vậy, chính quyền các cấp cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách tài khóa; xóa cơ chế xin cho và minh bạch thông tin; có trách nhiệm giải trình và kiên định mục tiêu giảm bội chi. Để nuôi dưỡng nguồn thu, cần tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động bởi “dân giàu là nước mạnh”. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các Tập đoàn lớn phát triển mạnh và bền vững. Trên thực tế, có những Tập đoàn mang thương hiệu quốc gia, có thị phần quy mô ngang tầm nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Những doanh nghiệp này sẽ có khả năng dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp và khi cộng đồng doanh nghiệp phát triển thì nguồn thu ngân sách sẽ tốt.

* Đại biểu Lưu Đức Long (Đoàn Vĩnh Phúc): Cần đánh giá sâu hơn về những ảnh hưởng bất lợi

Về nhận định đánh giá bối cảnh trong nước và quốc tế ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính, ngân sách Nhà nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, tôi thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu đánh giá sâu hơn về những bất lợi hay những thách thức ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước. Đặc biệt là những vấn đề trước đây, chúng ta có thể coi đó là lợi thế thì hiện nay đang dần dần mất đi lợi thế này và thậm chí đang trở thành những thách thức và bất lợi. Đó là những vấn đề đầu tư từ nước ngoài, những biểu thuế, sắc thuế khi Việt Nam hội nhập… cũng đang trở thành thách thức rất lớn cho nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đơn cử như giai đoạn trước, Vĩnh Phúc được coi là địa phương có nguồn thu ngân sách lớn. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách đang suy yếu đi, kèm theo khá nhiều rủi ro, không ổn định. Số thu ngân sách nhà nước chủ yếu trông chờ vào hai nguồn thu lớn của doanh nghiệp đóng tại địa phương là Toyota và Honda Việt Nam. 

Nguồn thu từ hai doanh nghiệp này chiếm khoảng 92,9% tổng số thu nội địa của tỉnh. Hiện thị trường xe máy đã bão hòa và hết công suất, sản lượng sản xuất tiêu thụ mấy năm nay giảm. Bên cạnh đó, dự kiến với việc thuế xuất nhập khẩu ô tô từ ASEAN và các nước khác từ năm 2018 sẽ trở về 0%. Do vậy, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là một ví dụ về việc chúng ta phải tính toán kỹ hơn về những bất lợi, làm rõ hơn những khó khăn của nguồn thu ngân sách trong giai đoạn tới.

* Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang): Kế hoạch đầu tư trung hạn nên quan tâm lợi thế nông nghiệp

Dự thảo của Chính phủ về mục tiêu và định hướng kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 cần làm rõ đầu tư trung hạn giai đoạn tới phải đáp ứng mục tiêu thực hiện thành công tái cơ cấu thực tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình, bước đi phù hợp.

Kế hoạch đầu tư trung hạn cần quan tâm lợi thế nông nghiệp của Việt Nam với khả năng sản xuất và cung ứng quy mô lớn hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng nhưng giá trị tuyệt đối thì không ngừng tăng lên. Do đó, 5 năm tới, nông nghiệp vẫn là yếu tố quyết định kinh tế, có vị trí quan trọng tác động trực tiếp tới việc phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ, nhất là khu vực lao động nông thôn chiếm tới 70%.

Vì vậy, kế hoạch đầu tư trung hạn cần làm rõ nguồn lực cũng như các tác động của ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản xuất theo hướng sạch và công nghệ cao. Lĩnh vực này, các Bộ, ngành cần xác định chủ lực của từng vùng miền; trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là các cây trồng trọng điểm như lúa, rau quả và nuôi trồng thủy sản, xem đây là yếu tố quyết định. Trên cơ sở này, để thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng đó, Chính phủ cần sớm rà soát lại hạ tầng dịch vụ cho nhóm sản phẩm này để điều chỉnh quy hoạch đồng bộ và tập trung nguồn ngân sách; đầu tư tập trung hệ thống thủy lợi cấp bậc, sản xuất lúa, rau quả và nuôi trồng mang tính chuyên biệt. Chính phủ cần quan tâm, đầu tư các trung tâm nghiên cứu, kiểm nghiệm và cung cấp giống mới đối với sản phẩm lúa, rau quả, thủy sản để đạt tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và gắn với thị trường.

Kế hoạch vốn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 5 năm tới cần được quan tâm, nhất là năm 2017 cho phù hợp với khu vực nông nghiệp đang giảm sút và các sản phẩm chủ lực đang rơi vào tình trạng khó khăn.

* Đại biểu Phan Văn Tường (Đoàn Thái Nguyên): Ưu tiên vốn cho miền núi và khu vực khó khăn

Kế hoạch vốn cho đầu tư trung hạn 2016-2020 của Chính phủ có nguyên tắc thứ 8 là ưu tiên vốn, bố trí cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, đồng bào đặc biệt khó khăn góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập, mức sống dân cư giữa các vùng miền cả nước. Các nguyên tắc bố trí vốn đã tương thích với nhau.

Tuy nhiên, Chính phủ và Quốc hội cần cụ thể nguyên tắc này với các xã, nhất là các xã miền núi, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống và những xã biên giới là trọng điểm đầu tư giai đoạn 2016-2020. Xác định được trọng điểm để đầu tư kịp thời thỏa đáng và có cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư nhằm đạt mục tiêu ổn định, phát triển các khu dân cư biên giới; giữ vững quốc phòng an ninh; xóa đói giảm nghèo và giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền.

Hiện đã có nhiều chương trình cho vùng miền, đối tượng như trên song mức đầu tư rất thấp, không đủ để nhân dân ổn định phát triển. Đời sống nhân dân khu vực này rất khó khăn, mức sống chênh lệch với các khu vực khác rất xa. Hệ quả là di dân tự do, đi về các đô thị lớn, gia tăng tội phạm và phạm tội.

Việc bố trí trọng điểm đầu tư trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 vào các xã nhất định nên để Hội đồng nhân dân lựa chọn danh mục đầu tư sẽ hiệu quả hơn vì các xã vùng cao, biên giới, đồng bào dân tộc đều khó khăn trong ổn định sản xuất. Nhưng cái khó nhất, cấp thiết nhất của các xã thì chính họ mới hiểu hạng mục nào quan trọng nhất để xóa đói giảm nghèo. 

Thực tế là dự án do dân bàn, dân làm, dân vào cuộc với nhu cầu thực tế sẽ hiệu quả hơn dự án khác. Vai trò của huyện, tỉnh là giám sát kiểm tra, thanh quyết toán, tạo điều kiện cho cấp xã. Không nên thực hiện những dự án mang tính ban phát, giao công trình không có sự tham gia, hoặc tham gia mang tính hình thức của người dân, chính quyền cấp xã. Do vậy, cũng nên trao quyền chủ động cho nhân dân cấp xã.

Thu Hằng - Thành Trung (Thực hiện)
Sẽ thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi tại Kỳ họp QH thứ 3
Sẽ thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi tại Kỳ họp QH thứ 3

Chiều 26/10, các đại biểu Quốc hội đã tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN