Giải quyết nhanh các thủ tục hành chính và vấn đề phát sinh từ cơ sở

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Quảng Ninh đạt 11,03% - mức cao nhất kể từ năm 2020 (con số này vẫn thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng được địa phương này đặt ra); hoạt động triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp ổn định, thông suốt; chính quyền sát dân, gần dân hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành.

Trên đây là những nhận định được chỉ ra tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 29, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, diễn ra sáng 16/7.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu khai mạc Kỳ họp. 

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng nhận định, sau hai tuần triển khai, mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại tỉnh bước đầu đã phát huy được những hiệu quả tích cực như: hệ thống chính quyền mới giảm mạnh đầu mối trung gian, tinh gọn bộ máy, nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, thông suốt, không gây gián đoạn trong phục vụ nhân dân và điều hành phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường phân cấp, phân quyền và tự chủ cho cơ sở; cấp xã được trao quyền rõ hơn, tạo điều kiện để chính quyền sát dân, gần dân hơn, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính và vấn đề phát sinh từ cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hiện đại hóa công tác quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, tích hợp dữ liệu quản lý, triển khai chuyển đổi số trong hoạt động điều hành.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ rõ, thực tiễn triển khai cho thấy vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm như: một số địa phương, đơn vị sau sắp xếp còn chưa vận hành thực sự nhịp nhàng; việc tái cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức sau sắp xếp cần tiếp tục được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng; năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, cần được bồi dưỡng, nâng cao.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Kỳ họp. 

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, kỳ họp HĐND tỉnh không chỉ đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, đề ra phương hướng 6 tháng cuối năm của tỉnh, mà còn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để cụ thể hóa, quán triệt sâu sắc và triển khai kịp thời, đồng bộ các nghị quyết, luật của Quốc hội vào thực tiễn địa phương; đặc biệt là hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 14% năm 2025, xuyên suốt chủ đề công tác năm “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”.

Kỳ họp dự kiến kéo dài trong 2 ngày, tập trung thảo luận một số nội dung đáng chú ý như: nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm; chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lâm nghiệp, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai; chăm lo người có công, bảo vệ sức khỏe cán bộ; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Kỳ họp không tổ chức chất vấn trực tiếp nhưng tiếp tục thực hiện chất vấn bằng phiếu. Các câu hỏi sẽ được UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan trả lời bằng văn bản, gửi đến đại biểu và công khai trên hệ thống phần mềm kỳ họp, nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình, phản hồi tới cử tri.

Chú thích ảnh
Bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Kỳ họp.

Bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho biết, đây là kỳ họp đầu tiên sau khi tỉnh hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết 1679 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Toàn tỉnh đã bước sang giai đoạn vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp với những yêu cầu cao hơn về chất lượng quản trị và mức độ phục vụ người dân. Điều này đòi hỏi trách nhiệm của HDND tỉnh cao hơn; không chỉ là năng lực quyết sách, mà còn là khả năng giám sát, đồng hành, kiến tạo và khơi thông mọi nguồn lực, đảm bảo mọi điều kiện cần thiết để các địa phương sau sáp nhập nhanh chóng ổn định tổ chức, khơi dậy các động lực phát triển mạnh mẽ, bền vững và giữ được niềm tin của nhân dân.

Kỳ họp sẽ thông qua 22 dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào điều kiện thực tế của địa phương, tạo cơ chế chính sách nhằm phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp; trong đó có 15 nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật; xem xét bãi bỏ 9 nghị quyết của HĐND tỉnh không còn phù hợp với thực tiễn triển khai và các quy định mới của pháp luật hiện hành./.Ảnh liên quan.

Tin, ảnh: Thanh Vân (TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ sẽ có một nghị quyết mới về giao chỉ tiêu tăng trưởng
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ sẽ có một nghị quyết mới về giao chỉ tiêu tăng trưởng

Sáng 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN