Lần đầu tiên, Việt Nam xây dựng một hồ sơ di sản tín ngưỡng đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản phi vật thể của nhân loại. Theo các nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ Hùng Vương và việc tổ chức nên việc thờ một vị tổ độc nhất của cả nước là vô cùng độc đáo.
Theo cố GS Trần Quốc Vượng, Đền Hùng là đền thờ Tổ, không phải Tổ của riêng một gia đình, riêng một dòng họ, một xóm làng hay một vùng, mà là Tổ của cả nước. Lễ hội Đền Hùng cũng không chỉ dừng lại nơi ngày giỗ Tổ, tưởng nhớ tổ tiên, không chỉ là cuộc hành hương về đất Tổ, đất thánh hay là đất phát tích của một dòng vua đầu tiên, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, mà thực sự đã trở thành một nhu cầu tâm linh: Trở về nguồn cội tìm về dân tộc hay đúng hơn, là sự trở về cội nguồn dân tộc…
Từ trong tiềm thức sâu xa của cả dân tộc, Tổ Hùng từ thế kỷ XV, đặc biệt từ thời đại Hồ Chí Minh đã hiển hiện trên bình diện ý thức dân tộc như là một biểu hiện của ý thức quốc gia dân tộc, ý thức độc lập dân tộc, và từ một nguyên mẫu của huyền thoại, huyền sử Việt Nam, đã trở thành một biểu tượng của thống nhất Việt Nam, của toàn thể Việt Nam. Điều đó nói lên tầm quan trọng đặc biệt của đền Hùng và lễ hội Đền Hùng, không thể xếp hàng ngang với các đền miếu khác và các lễ hội khác mà chỉ có thể xếp đứng đầu hàng dọc của phức hệ tâm linh Việt Nam…
Cũng theo cố GS Trần Quốc Vượng, việc coi vua Hùng là vua Tổ dựng nước là một sự tự ý thức của triều Lê. Đền Hùng có lẽ cội nguồn là một đền thần Núi - thủ lĩnh của một vùng. Đến triều Lê mới trở thành một đền "quốc tế" (do Nhà nước chủ trì lễ tế xuân). Đấy có lẽ là hệ quả của nhiều năm cam go tranh đấu chống ngoại thuộc, chống sự đồng hóa từ bên ngoài, nên bên cạnh việc đấu tranh "giải phóng dân tộc", thì việc "giữ gìn và phát huy tinh hoa dân tộc", xây dựng một nền văn hóa mang đậm đà màu sắc dân tộc... chính là việc tìm lại "hồn nước", tìm lại cội nguồn của dân tộc, tức là tìm về thời đại các vua Hùng. Việc qui hướng vào một tổ Hùng đã đạt tới ý nghĩa căn cơ của việc tế lễ tổ tiên ở gia đình, dòng họ và cả nước, trở thành tín ngưỡng của toàn dân. Việc tổ chức nên việc thờ một vị tổ độc nhất vô nhị của cả nước là vô cùng độc đáo.
Còn PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đơn vị được giao chủ trì xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO, thì cho rằng: “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” là một không gian tín ngưỡng rất rộng, có sức lan tỏa rộng lớn. Theo kết quả khảo sát của hơn 120 làng, tín ngưỡng này đã từ Phú Thọ lan tỏa ra một số địa phương ở Bắc bộ, rồi vào Trung bộ, Nam bộ... Tín ngưỡng thờ Hùng Vương có giá trị rất lớn, bởi đây là thủy tổ trong tâm thức người Việt, gắn với nhà nước Văn Lang cổ đại. Chính vì vậy mà các triều đình thời Lê, Nguyễn đã rất chú trọng đến việc thờ cúng Hùng Vương. Điều này thể hiện ở các sắc phong của các triều đại yêu cầu dân làng thờ Thánh tổ Hùng Vương, đồng thời triều đình còn cấp công điền cho dân các làng, để dân làng lấy hoa lợi đó để làm lễ vật thờ cúng. Cũng theo ông Bền, tín ngưỡng thờ Hùng Vương còn bắt nguồn từ tục thờ cúng tổ tiên, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, đạo lý này là sợi dây gắn kết tinh thần đoàn kết dân tộc và đạo lý này rất cần được truyền tải cho các thế hệ sau. Chính vì vậy, vua Hùng trở thành một nhân vật có vị thế quan trọng trong đời sống, trong tâm thức của người dân.
PV