Trước đó, TTXVN có tin “Kiến nghị thu hồi hơn 900 triệu đồng chi sai từ kinh phí dịch vụ môi trường rừng”, thông tin về việc: UBND huyện Chư Păh (Gia Lai) có Kết luận số 2751/KL-UBND ngày 5/8/2019, kiến nghị thu hồi số tiền hơn 900 triệu đồng của UBND xã Hà Tây do đã lập khống chứng từ, chi sai mục đích và tiền trích phần trăm giữ lại cho tập thể từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2016-2018.
Theo báo cáo kết quả thanh tra số 01/BC-ĐTTr của Thanh tra huyện Chư Păh, giai đoạn 2016-2018, UBND xã Hà Tây được cấp hơn 5 tỷ đồng để phục vụ cho việc quản lý, bảo vệ rừng. Tuy vậy, tập thể UBND xã Hà Tây, cụ thể là ông Thaoh, Chủ tịch UBND xã Hà Tây đã tìm nhiều cách trục lợi và chi sai hơn 900 triệu đồng.
Trong đó, tiền kinh phí bảo vệ rừng chi trả cho 3 làng và 2 nhóm hộ đã bị UBND xã Hà Tây, đứng đầu là ông Thaoh chỉ đạo trích lại trái luật. Cụ thể, trích lại 10% kinh phí (gần 256 triệu đồng) 3 làng được thụ hưởng, nhận khoán bảo vệ rừng; trích lại 40% (368,6 triệu đồng) của 2 nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Tổng số tiền trích lại của 3 làng và 2 nhóm hộ sai quy định là hơn 624 triệu đồng.
Tiếp đó, UBND xã Hà Tây còn lập khống 6 chứng từ để "thanh toán giùm" 2 nhóm hộ, chiếm đoạt 271 triệu đồng. Số tiền này được xã giải trình là "cho cán bộ, công chức của xã mượn, các ban, ngành của xã tạm ứng". Tại thời điểm thanh tra, kiểm quỹ, số tiền này chỉ còn lại 59 triệu đồng. Ngoài ra, UBND xã Hà Tây lập khống chứng từ để thanh toán tiền hội nghị, tiền tuyên truyền pháp luật. Cụ thể, UBND xã Hà Tây không tổ chức hội nghị cuối năm nhưng đã lập khống chứng từ tổ chức hội nghị tổng kết năm 2018; hợp thức hóa hai chứng từ chi tuyên truyền pháp luật để rút quỹ tiền dịch vụ môi trường rừng với số tiền 22 triệu đồng.
Kết luận thanh tra số 01 của Thanh tra huyện Chư Păh nêu rõ: Xã Hà Tây thuộc huyện Chư Păh có khoảng 3.750 ha rừng (5 tiểu khu); trong đó gần 2.900 ha có rừng và 850 ha không có rừng. Sau quá trình kiểm tra, đến tháng 5/2019, UBND xã Hà Tây đã để mất hơn 850 ha rừng. Việc mất 850 ha rừng xảy ra ở 3 tiểu khu (191, 185, 186) do xã Hà Tây quản lý là do người dân đốt, phá chặt hạ để trồng lúa, mì, cà phê, bời lời. Khi phát hiện người dân lấn chiếm đất rừng, cán bộ và người dân xã Hà Tây có phản ánh đến chính quyền nhưng ông Thaoh trả lời rằng "khó xử lý".
Cũng theo báo cáo, từ năm 2016-2018, qua công tác kiểm tra, truy quét lâm tặc, UBND xã Hà Tây phát hiện nhiều vụ khai thác gỗ trái phép, nhưng không đưa được gỗ ra khỏi rừng nên đã để lại trong rừng. Sau đó, UBND xã (trực tiếp là ông Thaoh) đã thuê xe và chỉ đạo cán bộ, công chức của xã tham gia bốc gỗ lên xe nhưng không chở về UBND xã mà chở đi nơi khác để cưa xẻ làm mặt bàn, ghế. Số bàn ghế này sau khi gia công xong được đưa về nhà ông Thaoh, gây thắc mắc trong nội bộ cơ quan.
Kết luận thanh tra của huyện Chư Păh cũng nêu rõ: Trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ rừng, để người dân lấn chiếm đất rừng, không kịp thời rà soát, không báo cáo kịp thời để giảm diện tích rừng, tịch thu gỗ nhưng không xử lý đúng theo quy định là trách nhiệm thuộc về UBND xã Hà Tây mà trực tiếp là ông Thaoh, Chủ tịch UBND xã Hà Tây.