Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, thực hiện đường lối, định hướng phát triển giáo dục của Đảng, kết nối, phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống hiếu học của dân tộc, Hội Khuyến học Việt Nam trong những năm qua đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động phong phú, làm lan tỏa, tôn vinh và nhân lên các giá trị tốt đẹp bắt nguồn từ truyền thống hiếu học.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ của tổ chức Hội; đánh giá cao những phong trào, chương trình hoạt động mang ý nghĩa, giá trị khuyến học thiết thực của Hội đã khơi dậy tinh thần hiếu học trong mỗi người dân, được đông đảo nhân dân đồng tình đón nhận, ủng hộ, chia sẻ và làm theo. Từ sự nỗ lực không ngừng của các cấp hội, sự mẫn cán và tâm huyết của từng hội viên, phong trào khuyến học, khuyến tài từng bước ăn sâu, bắt rễ vào mỗi gia đình, thôn bản, làng xã, cộng đồng dân cư tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đưa phong trào xã hội học tập phát triển rộng, mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Hội đã thực hiện có hiệu quả việc cấp học bổng đúng mục tiêu, địa chỉ cho hàng chục ngàn sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành, các trường; vận động các lực lượng xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ địa phương xây dựng, sửa chữa trường học, nhà nội trú giúp giáo viên bám lớp, bám trường… Thông qua đó, các suất học bổng khuyến học đã kết nối các lực lượng xã hội, thắp lên ngọn lửa nghị lực, giúp nhiều học sinh, sinh viên vượt khó vươn lên trong học tập, rèn luyện trên con đường lập thân, lập nghiệp. Đặc biệt, trong hai năm qua, trong đại dịch COVID-19, các cấp Hội đã thực hiện có hiệu quả chương trình "Máy tính cho em"; hỗ trợ các em mất cha mẹ do đại dịch duy trì cuộc sống, tiếp tục được đến trường.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nêu ra những khó khăn của công tác giáo dục, khuyến học như: nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu; cơ hội tiếp cận giáo dục không đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước. Ở nhiều nơi, công tác giáo dục vẫn chưa thực sự đổi mới căn bản toàn diện như Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về giáo dục đào tạo. Bệnh thành tích trong dạy và học còn cao, công tác giáo dục được triển khai vẫn học lý thuyết nhiều nhưng tính thực hành, thực tiễn và rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng phẩm chất năng lực còn hạn chế. Thực trạng công tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực con người gắn với mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước những năm tới đang đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi mới đối với công tác khuyến học.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, trước hết cần bám sát, làm theo, thực hiện tốt những bài học từ tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò sức mạnh của nhân dân, về tầm quan trọng của công tác giáo dục và sự nghiệp trồng người. Công tác khuyến học trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy sức mạnh của nhân dân, được triển khai đồng bộ, trở thành ý thức, giá trị hướng đến và có sự tham gia của mỗi người dân, cộng đồng, toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy vai trò của công tác khuyến học như là cầu nối giữa truyền thống hiếu học tốt đẹp qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc với định hướng phát triển nguồn nhân lực, con người và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường mà Đảng đã chỉ ra.
Công tác khuyến học cũng cần được triển khai song hành gắn với công tác khuyến tài, tạo điều kiện cho phát triển nhân tài Đất Việt, để việc khuyến học có đóng góp quan trọng trong đổi mới, sáng tạo và là động lực cho quá trình đổi mới giáo dục, xây dựng phát triển đất nước. Việc truyền thông, xây dựng hình ảnh mẫu công dân mới, các giá trị học tập mới cũng cần được quan tâm đầu tư; trọng học, hiếu học, học đi đôi với hành, học tập suốt đời… phải trở thành những giá trị căn cốt, cơ bản của hệ giá trị con người Việt Nam.
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang và mỗi người dân quán triệt, thực hiện tốt hơn nữa Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và Quyết định 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030, các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục - đào tạo xây dựng xã hội học tập.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, ngày 16/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg, lấy ngày 2/10 hàng năm làm Ngày Khuyến học Việt Nam. Trong 15 năm qua, ngày 2/10 trở thành một sự kiện có ý nghĩa "kép": Kỷ niệm ngày thành lập một "Hội quần chúng" có sứ mệnh cùng toàn dân đưa Việt Nam trở thành một Quốc gia học tập và kỷ niệm ngày khởi động một phong trào toàn dân học tập suốt đời; đồng thời tri ân những người có tâm huyết và công lao lớn đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
"Dấu ấn 2/10 ngày càng đậm nét theo thời gian bởi những thành công trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong nửa thế kỷ qua, cộng đồng khuyến học cùng các lực lượng xã hội đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội học tập ở nước ta", Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Khuyến học cũng cho biết, hiện nay Hội đã trở thành một tổ chức với quy mô lớn. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội sẽ tập trung triển khai mô hình "Công dân học tập" theo Quyết định 677/QĐ-TTg và tiếp tục thực hiện 4 mô hình học tập theo Quyết định 387/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Xét về chiến lược xây dựng và phát triển xã hội học tập theo Quyết định 1373/QĐ-TTg, việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ mô hình "Công dân học tập" có thể coi như một khâu đột phá trong toàn bộ kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.
Bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, phát triển tốt mô hình công dân học tập sẽ nâng cao chất lượng của các mô hình học tập hiện đang được vận hành. Thực hiện tốt mô hình này sẽ đóng góp cho đất nước những công dân học tập suốt đời - lực lượng nòng cốt xây dựng đất nước trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.