Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chủ trì hội thảo, cùng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và Ninh Thuận.
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng kinh phí đầu tư khoảng 94.526 tỷ đồng (trong đó, ngân sách trung ương khoảng 56.833 tỷ đồng; ngân sách địa phương 4.651 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách khoảng 26.095 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác khoảng 6.945 tỷ đồng) để thực hiện 8 dự án. Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người năm 2025 tăng ít nhất 2 lần so với cuối năm 2020; giải quyết cơ bản nhu cầu tối thiểu về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo; giải quyết căn bản 70% số hộ di cư tự phát; tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh cho các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn; duy trì và phát triển các dân tộc thiểu số ít người, cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng giống nòi…
Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, nguồn lực đầu tư Chương trình 135 ở khu vực này là hơn 1.795 tỷ đồng để thực hiện 3 tiểu dự án, trong đó ngân sách trung ương là 1.568 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 1.150 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 418 tỷ đồng); ngân sách địa phương đầu tư là 226 tỷ đồng. Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng nguồn vốn khoảng 400 tỷ đồng, hỗ trợ người dân giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và kỹ thuật, giúp người dân thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng. Tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, với tổng nguồn vốn hơn 1.100 tỷ đồng, xây dựng công trình thiết yếu, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng, cộng đồng. Trong 4 năm qua, dự án xây dựng 1.414 công trình cơ sở hạ tầng (652 công trình giao thông, 283 công trình thủy lợi, 248 công trình nhà văn hóa, 135 công trình giáo dục, 19 công trình y tế, 32 công trình điện, 34 công trình nước sinh hoạt…).
7 tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung bộ có 202 xã và 204 thôn thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Đến nay đã có 7 xã (Quảng Nam 3 xã; Quảng Ngãi 3 xã và Phú Yên 1 xã) và 81 thôn hoàn thành mục tiêu. Theo Ủy ban Dân tộc, Chương trình 135 là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5-2 lần so với đầu giai đoạn; kết cấu hạ tầng như công trình giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa… đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn. Chương trình đã góp phần cải thiện đời sống, trình độ văn hóa của người dân tộc thiểu số, thay đổi tập quán và nâng cao trình độ canh tác, sản xuất; nâng cao năng lực cán bộ quản lý tại địa phương, chính quyền cơ sở được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại nhất định như thiếu cơ chế khuyến khích các địa phương hoàn thành nhanh các mục tiêu của chương trình; chưa có chế tài xử lý những địa phương triển khai chậm, kém hiệu quả dẫn đến tình trạng một số xã, thôn không muốn rời khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 mặc dù đã đủ điều kiện. Ngoài ra, việc hỗ trợ phát triển còn nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa lồng ghép tốt các chương trình, dự án khác trên địa bàn, chưa sâu sát với thực tế…
Tại Hội thảo, đại biểu các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ đã trình bày nhiều báo cáo tham luận, phân tích và chia sẻ các kinh nghiệm thực tế triển khai tại địa phương và nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để góp phần xây dựng định hướng triển khai Chương trình 135 giai đoạn 2021-2025.