Chủ trì Hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Cùng chủ trì có: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi.
Đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, tỉnh Nghệ An, thân nhân đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng dự Hội thảo.
Tấm gương người cộng sản kiên trung
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, người cộng sản kiên kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hà Nội đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với những cống hiến của đồng chí với Đảng và cách mạng Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trí thức yêu nước nhiệt thành. Tiếp thu truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình, đặc biệt tấm gương người cha, một trí sỹ yêu nước, Nguyễn Phong Sắc đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công.
Nguyễn Phong Sắc (tên thật là Nguyễn Đình Sắc) sinh ngày 1/2/1902 và lớn lên ở làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Với trí thông minh, hiếu học và sự quan tâm của gia đình, Nguyễn Phong Sắc sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung, sau đó vào làm việc tại Sở tài chính Đông Dương (năm 1924) và nhanh chóng trở thành một viên chức cao cấp trong Sở Tài chính Đông Dương.
Tại đây, đồng chí có điều kiện nhìn nhận rõ hơn sự bóc lột tàn bạo của chính quyền thực dân phong kiến đối với nhân dân ta, ý chí làm cách mạng càng nung nấu rõ hơn trong tâm trí Nguyễn Phong Sắc. Cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đây là bước chuyển quan trọng trong cuộc đời của đồng chí. Năm 1927, Nguyễn Phong Sắc đã từ bỏ việc làm của một viên chức cao cấp trong chính quyền thực dân, với mức lương cao, có thể đảm bảo cuộc sống sung túc cho cá nhân và gia đình để lựa chọn con đường đầy chông gai, thử thách nhưng hết sức cao đẹp, vẻ vang - con đường cách mạng.
Từ hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, với sự nhạy cảm và tư duy chính trị, Nguyễn Phong Sắc đã sớm nhận thấy yêu cầu đặt ra phải có một tổ chức Đảng Cộng sản. Đồng chí là một trong những thành viên sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại số nhà 5D Hàm Long, Hà Nội (tháng 3/1929); tham gia sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng - tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 6/1929), trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, được phân công vào Trung Kỳ để xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng. Với tài năng tổ chức và phong cách làm việc sâu sát, Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ đã được thành lập do đồng chí làm Bí thư và chỉ đạo, trực tiếp xây dựng các cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng ở nhiều tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế,...
Mùa xuân năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, trực tiếp chỉ đạo hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Đồng chí đã chủ trì thành lập Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ, do đồng chí làm Bí thư Ban Chấp hành lâm thời; từ đó, đồng chí tích cực tham gia xây dựng và phát triển tổ chức đảng.
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc luôn chú trọng gắn công tác xây dựng Đảng, với xây dựng các tổ chức quần chúng và phát triển phong trào cách mạng. Chính vì vậy, cao trào cách mạng trong những năm 1930 - 1931 ở Trung Kỳ nói chung, Nghệ An và Hà Tĩnh nói riêng đã ngày càng phát triển, đưa tới việc thành lập chính quyền Xô viết trong nhiều tổng, huyện của Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng nước ta, thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn của Đảng nói chung, của các đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của Đảng nói riêng trong đó có đồng chí đồng chí Nguyễn Phong Sắc.
Lựa chọn con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã thể hiện tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực luôn hết lòng phấn đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao cả độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, yêu thương đồng chí, đồng bào và được đồng chí, đồng bào tin yêu, cảm phục, hết lòng che chở, bảo vệ.
Tháng 3/1931, sau khi dự Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần II ở Sài Gòn, đồng chí ra Trung kỳ, tiếp đó ra Hà Nội, xuống Hải Phòng để phổ biến nghị quyết của Trung ương thì bị mật thám bắt tại khách sạn Nam Lai, gần Ga Hàng Cỏ, đưa vào Vinh. Bị tra tấn dã man, nhưng Nguyễn Phong Sắc vẫn giữ vững tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, không để lộ thông tin về tổ chức đảng và cơ sở cách mạng. Lo sợ trước cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, địch đã xử bắn đồng chí ngày 26/5/1931 tại đồn Song Lộc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Lúc ấy, đồng chí Nguyễn Phong Sắc mới 29 tuổi.
“Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc, chúng ta tưởng nhớ và tri ân người chiến sỹ cộng sản tiên phong của Đảng và dân tộc, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội đã cống hiến hy sinh trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Vinh dự, tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang của cách mạng Việt Nam, chúng ta phải ý thức sâu sắc trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương quyết tâm thực hiện Chỉ thị 05 của Trung ương, Kết luận 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cùng đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhất là trong việc thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát có hiệu quả đại dịch COVID-19; phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, của toàn dân tộc ta”, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội
Tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết: Học tập và vận dụng sáng tạo, tư duy khoa học, phong cách làm việc, ý chí trung kiên, bất khuất của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, thành phố Hà Nội hôm nay tự hào với nhiều thành tựu nổi bật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô xã hội chủ nghĩa theo con đường đổi mới của Đảng.
Đảng bộ chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn đoàn kết một lòng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, chung sức, đồng lòng gương mẫu xây dựng Thủ đô xứng với niềm tin yêu của cả nước, được nhân dân trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế ca ngợi, vinh danh với những tình cảm tốt đẹp bằng những ngôn từ cao quý như: Hà Nội văn hiến và anh hùng, là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo; Hà Nội niềm tin và hy vọng...
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, sau hơn 35 năm đổi mới, Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn; kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao theo hướng bền vững. Đảng bộ, chính quyền thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô. Từ đó góp phần khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, trước yêu cầu và thách thức mới đặt ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cần tiếp thêm sức mạnh, ý chí và nghị lực, tiếp tục học tập và noi theo tấm gương trung kiên, bất khuất của các bậc tiền nhân. Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô tự hào và nguyện viết tiếp trang sử hào hùng, oanh liệt mà các bậc tiền bối, các chiến sĩ cách mạng đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội, trong đó có đồng chí Nguyễn Phong Sắc để lại; tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng và hòa bình, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đánh giá Hội thảo lần này có ý nghĩa rất sâu sắc, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, nội dung Hội thảo không chỉ làm rõ thêm những hoạt động cống hiến của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đối với cách mạng dân tộc Việt Nam, với quê hương, của phong trào cách mạng Hà Nội mà còn góp phần khơi dậy niềm tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên thế hệ trẻ nói chung và thế hệ trẻ Hà Nội nói riêng. Năm 2022, Thủ đô bước vào năm có ý nghĩa quan trọng, dự báo còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô noi gương các bậc cách mạng tiền bối tiêu biểu dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và làm rõ một số nội dung về sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc như: Đồng chí Nguyễn Phong Sắc-Người cán bộ dân vận tài năng của Đảng; đồng chí Nguyễn Phong Sắc với công tác xây dựng Đảng; Nguyễn Phong Sắc-Nhà báo tiên phong của báo chí cách mạng Việt Nam; đồng chí Nguyễn Phong Sắc với Đảng bộ và nhân dân Nghệ An.../.