Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, đồng chủ trì tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi cho biết, đồng chí Hồ Tùng Mậu sinh ngày 15/6/1896, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tên khai sinh là Hồ Bá Cự. Với chí lớn và tinh thần yêu nước, năm 1920, đồng chí rời quê nhà ra nước ngoài hoạt động, mang tên Hồ Tùng Mậu và trở thành tên gọi chính thức đến khi qua đời.
Năm 1923, đồng chí Hồ Tùng Mậu thành lập Tâm Tâm xã, tập hợp các thanh niên hăng hái kiên quyết cùng chí hướng, hy sinh quyền lợi cá nhân, cùng nhau mưu đồ giải phóng dân tộc. Tháng 11/1924, nhóm Tâm Tâm xã được Nguyễn Ái Quốc giúp đỡ chuyển hướng hoạt động, xây dựng tổ chức cách mạng theo đường lối đúng đắn và đồng chí Hồ Tùng Mậu trở thành cộng sự đắc lực và tin cậy của Người.
Đồng chí đã tích cực tham gia thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, có đóng góp quan trọng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Tháng 6/1931, đồng chí bị mật thám bắt tại Thượng Hải, bị kết án tù chung thân. Tháng 3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Hồ Tùng Mậu vượt ngục và tiếp tục làm cách mạng, tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Hồ Tùng Mậu được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách. Ngày 23/7/1951, trên đường đi công tác đồng chí hy sinh do bị máy bay Pháp ném bom.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi đánh giá, với hơn 50 năm tuổi đời, 31 năm hoạt động cách mạng đầy sôi nổi, gian truân, trong đó có nhiều năm đấu tranh trong nhà tù đế quốc, Hồ Tùng Mậu là một trong những chiến sỹ cộng sản tiền bối, tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; là người học trò, cộng sự gần gũi, đắc lực, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, học giả, đại biểu dự đã tập trung đi sâu thảo luận, phân tích, làm rõ một số nội dung trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Tùng Mậu như: ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình tới sự hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của đồng chí Hồ Tùng Mậu; đồng chí Hồ Tùng Mậu - tấm gương người cộng sản kiên trung, bất khuất trong lao tù đế quốc; đồng chí Hồ Tùng Mậu và cuộc đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; đồng chí Hồ Tùng Mậu với công tác xây dựng Đảng; Hồ Tùng Mậu - người cộng sự đắc lực và tin cậy của Hồ Chí Minh…
Tham luận tại Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong nhận xét: Đồng chí Hồ Tùng Mậu là một nhà yêu nước và cách mạng bản lĩnh, kiên cường. Bản lĩnh của nhà yêu nước và cách mạng Hồ Tùng Mậu được thể hiện rõ với việc đồng chí luôn trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp giải phóng dân tộc, kiên cường đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; luôn thể hiện rõ là một nhà yêu nước và cách mạng chân chính.
Đồng chí cũng là một chiến sĩ cách mạng bất khuất trước kẻ thù; nhiều lần bị thực dân Pháp bắt, hai lần lĩnh án tử hình, bị giam cầm ở nhiều nhà tù của đế quốc thực dân; bị tra tấn hành hạ nhưng đồng chí không hề nao núng tinh thần. 31 năm hoạt động cách mạng, trong đó 14 năm trong lao tù đế quốc, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã thể hiện rõ là người cộng sản tiền bối, kiên trung, thực sự hòa mình vào quần chúng, cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Nêu quan điểm về tấm gương Hồ Tùng Mậu, người cộng sản kiên trung, bất khuất trong lao tù đế quốc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Trưởng, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, cho rằng trong cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt nhưng cũng đầy hiểm nguy, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã nhiều lần bị bắt, bị giam cầm trong lao tù thực dân đế quốc. Vượt qua các thủ đoạn đàn áp, khủng bố, mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn…, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã nêu tấm gương sáng về ý chí kiên cường bất khuất, lòng trung kiên cho lý tưởng cách mạng. Năm 1927, đồng chí lần đầu tiên bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và sau đó bị giam giữ 3 lần; năm 1931 đồng chí bị bắt và trục xuất; bị tòa án Pháp xử tử hình 2 lần, sau giảm xuống khổ sai chung thân. Nhưng lao tù không ngăn được bước chân cách mạng; sự lôi kéo, mua chuộc của các phe phái cũng không làm chệch hướng con đường cách mạng; hoàn cảnh dẫu có khó khăn đến mấy cũng không làm đồng chí Hồ Tùng Mậu thay đổi mục tiêu và con đường đấu tranh đã lựa chọn.
Các đại biểu dự tọa đàm đều nhất trí cho rằng trong cả cuộc đời hiến dâng cách mạng, người chiến sỹ cộng sản kiên trung có tấm gương đạo đức trong sáng Hồ Tùng Mậu luôn thể hiện là một cán bộ cương trực, trung hậu, sẵn sàng làm nhiệm vụ với trách nhiệm cao, làm việc quên mình với tác phong chan hòa, bình dị, khảng khái, có uy tín lớn trong nhân dân. Cho đến phút cuối đời, đồng chí Hồ Tùng Mậu luôn xứng đáng với lòng tin mà nhân dân, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm.