Đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy mọi giải pháp để tăng trưởng kinh tế ​

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 304/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trong 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long tuy phải đối mặt với khó khăn, thách thức chưa từng có nhưng các địa phương trong vùng đã quyết liệt chủ động phòng, chống đại dịch COVID-19, đồng thời tích cực chỉ đạo các giải pháp chống hạn hán, xâm nhập mặn bước đầu có hiệu quả, tăng trưởng kinh tế của một số địa phương trong vùng đạt cao hơn bình quân chung của cả nước...

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,2%, một số địa phương tăng trưởng âm. Giải ngân vốn đầu tư công tuy cao hơn bình quân chung của cả nước nhưng vẫn còn chậm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới thấp hơn mức bình quân cả nước. Đô thị hóa chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Du lịch chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế nhất là du lịch sinh thái; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền của các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục khó khăn, đoàn kết, sáng tạo, có ý chí, quyết tâm, phát huy tiềm năng, lợi thế, bứt phá vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và những năm tiếp theo của địa phương mình.

Các tỉnh, thành phố trong vùng huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và nhân dân, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Đồng thời, các tỉnh, thành phố trong vùng cần nỗ lực, quyết liệt thúc đẩy triển khai mọi giải pháp để tăng trưởng kinh tế toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long không thấp hơn mức trung bình cả nước. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực chủ động tháo gỡ lực cản đối với phát triển ở địa phương mình, chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, bằng mọi biện pháp giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020, coi đây là quyết tâm chính trị của các địa phương đóng góp vào kết quả chung của cả nước.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương triển khai lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong quá trình lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cần lưu ý phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của vùng, của từng địa phương; quan tâm các vấn đề liên quan đến liên kết nội vùng và liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, về nông nghiệp, hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng, giá trị và giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu với ba trọng tâm: Thủy sản, cây ăn quả, lúa gạo theo tỉ lệ, cơ cấu phù hợp diễn biến của khí hậu, môi trường và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Về công nghiệp, cần phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp phụ trợ phục vụ nông nghiệp, cơ khí nông nghiệp; chế biến nông lâm thủy hải sản gắn với vùng nguyên liệu; hình thành các trung tâm dịch vụ, thương mại cấp tiểu vùng nằm ở các đô thị trọng điểm, các khu kinh tế biển, trung tâm logistic, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; hình thành các cụm dịch vụ hiệu quả cao, nhất là các khu vực ven biển, tăng cường kết nối vùng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long cần thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, quan tâm phát triển doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp có điều kiện vừa thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa có trách nhiệm với xã hội, chia sẻ với nhân dân, công nhân lao động nhất là trong thời điểm khó khăn do dịch COVID-19; phát triển kinh tế số, thương mại điện tử dựa vào tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong vùng; tăng cường áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng những cánh đồng “thông minh”.

Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phối hợp, tháo gỡ khó khăn tại từng địa phương, tạo điều kiện thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ, đề xuất phương án xử lý kiến nghị của địa phương để tháo gỡ “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành tích cực, chủ động hỗ trợ các địa phương trong vùng kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng chuyển dịch vốn đầu tư vào Việt Nam để thu hút đầu tư thời gian tới.

TTXVN/Báo Tin tức
Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 1163/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN