1. Bây giờ đang mùa lễ hội. Niềm vui cũng lắm mà nỗi phiền cùng những lời eo xèo cũng không ít. Càng những lễ hội lớn, đông người tham gia như: Bà Chúa Kho, Khai ấn đền Trần, chùa Hương, chùa Thầy, Phủ Giày, Yên Tử, Bà Chúa Xứ... thì lời phàn nàn càng nhiều; tập trung vào một số điểm chính như: Lộn xộn, ùn tắc, chen lấn, bắt chẹt khách, thương mại hóa lễ hội, ứng xử thiếu văn hóa, xâm phạm cảnh quan môi trường… Điều này đã làm giảm đi ý nghĩa, giá trị chân thực vốn có, thậm chí làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của không ít lễ hội. Chính vì vậy, ngày 9/2/2011, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 162/CĐ-TTg chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
2. Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, cả nước hiện có 7.966 lễ hội. Không thể nói ngần ấy là ít hay nhiều, bởi mỗi lễ hội đều mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng thường bao giờ cũng hướng tới một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn như những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế... Vấn đề là những người tổ chức lễ hội và cả người đi lễ đã làm cho rất nhiều lễ hội bị biến tướng, đi xa cái bản chất, ý nghĩa, thậm chí là ngược lại với mục đích tốt đẹp ban đầu vốn có của lễ hội.
3. Bà Chúa Kho vốn là một người trông giữ kho quân lương cho quân đội nhà vua nhưng ngày nay người ta lại trông mong vào việc vay tiền (âm) từ Bà để buôn may bán đắt. Hoặc Lễ Khai ấn đền Trần vốn là một phong tục tao nhã, mang đậm dấu ấn thanh cao của việc làm quan xưa: Cuối năm rửa ấn cất đi, đầu năm mang ấn ra khai để bắt đầu một năm mới làm việc sáng suốt, công việc hanh thông, thì người ta lại gắn liền nó với việc mua quan bán tước... Tóm lại, không ít người đến với các lễ hội chỉ xuất phát từ mục đích cầu danh, cầu lợi và điều này đến lượt lại bị các nhà tổ chức và người dân trong vùng lợi dụng làm cho lễ hội ngày càng biến tướng và bị thương mại hóa.
4. Điều đáng mừng là trong khi nhiều lễ hội lớn bị biến tướng thì hầu hết lễ hội của các làng nghề và các lễ hội như Tịch điền, Lồng tồng (Hội xuống đồng)… vẫn giữ được chân giá trị, gắn liền với đời sống lao động, sinh hoạt, văn hóa tinh thần và tâm linh… của nhân dân. Không những thế, người dân vùng lũ lịch sử Quảng Bình ở xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch từ truyền thống đua thuyền thúng trước đây, trong ngày mùng 5 Tết năm nay đã tổ chức “Hội đua thuyền cứu hộ” để luyện tay chèo thuyền cho dân phòng khi sự cố xảy ra sẽ có kinh nghiệm và cách tổ chức để ứng phó. Một ví dụ khác: Tỉnh ủy Bắc Kạn đã đưa ra chủ trương năm nay, ngoài 3 lễ hội xuân lớn của tỉnh như Hội Xuân Ba Bể, Lễ hội Phủ Thông (gắn với chiến thắng lịch sử Phủ Thông - Đèo Giàng) và Lễ hội Bằng Vân (Ngân Sơn) của đồng bào Nùng và Hoa, là những lễ hội truyền thống được tổ chức đúng ngày quy định hàng năm, các lễ hội Xuân khác phải tổ chức trước mùng 5 Tết để tập trung vào sản xuất vụ xuân.
Như vậy đừng chỉ đổ tại người đi lễ, mà những người tổ chức, và trước hết là các cấp chính quyền cần kiên quyết vào cuộc để trả lại ý nghĩa, giá trị đích thực vốn có của các lễ hội, để các lễ hội mang lại lợi ích thiết thực cả trong đời sống lao động và văn hóa tinh thần, tâm linh của nhân dân và không còn là nỗi phiền muộn của xã hội.
Tuệ Duyên