Qua 3 kỳ họp, Luật Đất đai (sửa đổi) liên tục được tiếp thu, điều chỉnh một cách nghiêm túc, cầu thị, tới nay, dự thảo Luật đã cơ bản thể chế hóa được chủ trương, chính sách về đất đai đã được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Đồng thời, Luật đưa ra được phương án giải quyết những vấn đề cấp bách của thực tế đặt ra trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan ban ngành và các tầng lớp nhân dân. Đó là hoàn thiện quan điểm về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất về mục đích quốc phòng, an ninh, hoàn thiện cơ chế xác định giá đất…
Đối với quy định bỏ khung giá đất, cách tính giá đất theo giá thị trường được quy định tại dự thảo luận lần này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, các nguyên tắc định giá đất đã đạt yêu cầu phải tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục và định giá đất theo nguyên tắc thị trường.
Bên cạnh đó, dự thảo quy định chi tiết các nguồn thông tin đầu vào định giá đất bao gồm giá đất được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu quốc gia về giá. giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng, chứng thực; giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Giá đất thu thập qua điều tra, khảo sát đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất và chỉ cho phép sử dụng các thông tin được hình thành trong thời gian 24 tháng tính tới thời điểm xác định giá đất để phản ánh đúng xu hướng thị trường.
Bàn về vấn đề thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu cho biết, Hiến pháp đã khẳng định Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cần có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất, người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ được cụ thể hoá bằng các tiêu chí về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, trong trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả.
Trường hợp người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp đất thu hồi, tài sản gắn liền với đất đang có tranh chấp thì tiền bồi thường, hỗ trợ được gửi vào tài khoản tiền gửi của đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối theo lãi suất không kỳ hạn. Tiền lãi từ khoản tiền bồi thường, hỗ trợ được trả cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản được bồi thường, hỗ trợ.
Chia sẻ về nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, toàn bộ quy định về hỗ trợ đền bù, tái định cư trong dự thảo Luật này đã được quy định tại Điều 91, Điều 111. Các nội dung đã cụ thể hóa các quan điểm trong Nghị quyết số 18 của Bộ Chính trị và đồng thời xuất phát từ những vướng mắc của thực tiễn về vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hiện nay, cơ bản đã giải quyết những vấn đề mà người dân đang quan tâm.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, trong số 20 Điều luật, có tới 9 điều quy định giao cho Chính phủ hướng dẫn. Để đáp ứng mong mỏi của người dân và giải quyết được những vướng mắc như hiện nay, theo đại biểu, các quy định của Chính phủ cần phải chi tiết hơn nữa, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như đòi hỏi từ thực tiễn.
Đại biểu cho rằng, thu hồi các loại đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế và lợi ích công cộng thì việc quy định chi tiết đền bù đối với từng loại đất; mỗi dự án phải gắn với các hộ gia đình, cá nhân để có quy định hỗ trợ. Về vấn đề làm sao để giá đền bù đất sát với giá thị trường, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng đây, là cả một vấn đề rất lớn vì giá trong thực tế khi đưa vào thị trường có thể biến động hàng ngày, hàng giờ. Ban soạn thảo sẽ cố gắng quy định trong điều luật với những hướng dẫn cụ thể, việc giá đền bù đất tương đối sát với thực tế...