Nhà nước chỉ giữ 36% hoặc không giữ cổ phần tại đơn vị sự nghiệp công lập sau cổ phần hóa
Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến một số bộ về rà soát việc triển khai Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu trường hợp Nhà nước chỉ giữ 36% hoặc không giữ cổ phần tại đơn vị sự nghiệp công lập sau cổ phần hóa, trường hợp Nhà nước giữ 36% hoặc trên 50% vốn điều lệ thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ liên quan, đồng thời lấy thêm ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/1/2019.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống thất thu và chống thất thoát ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Năm 2018, nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước khá tích cực. Chính phủ đã trình Quốc hội đánh giá tổng thu ngân sách năm 2018 vượt dự toán 3%; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 24,5% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đánh giá đạt trên 6,7% (mục tiêu là 6,7%), tiếp tục cắt giảm sâu thuế quan theo các cam kết hội nhập…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, về công tác xây dựng thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các Luật về: Ngân sách nhà nước, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó đặt ra các quy định tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và các đơn vị trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm.
Đặc biệt, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã có quy định mới về phạm vi thu, chi, bội chi; quy định cụ thể các điều kiện chi, các hành vi bị cấm; vấn đề công khai, minh bạch từ khâu phân bổ đến triển khai thực hiện; việc thanh tra, kiểm toán… để vừa tạo thuận lợi trong thực hiện vừa tăng cường trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách.
Về tổ chức thực hiện: Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thu ngân sách, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, quản lý ngân sách, tài sản công được giao....
Hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc ban hành Nghị định quy định về quản lý hoạt động giao thông đường thủy nội địa.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, xem xét lại toàn bộ nội dung của dự thảo Nghị định để phù hợp với tên gọi của Nghị định đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 9/8/2017.
Đồng thời rà soát lại các quy định có liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của UBND cấp tỉnh và thẩm quyền của lực lượng Cảng vụ đường thủy nội địa (bao gồm Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải) trong công tác quản lý hoạt động đường thủy nội địa, đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện lại dự thảo Nghị định quy định về quản lý hoạt động giao thông đường thủy nội địa, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.