Do vậy, việc nghiên cứu, tìm ra giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là chủ đề được Chính phủ và cộng đồng các nhà khoa học trong nước, thế giới quan tâm. Diễn đàn Hà Nội 2018 là một minh chứng rõ nét cho sự đồng hành của Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với Chính phủ Việt Nam, cộng đồng quốc tế và các bên liên quan để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, thực hiện chương trình hành động quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
Thể hiện trách nhiệm trước vấn đề mang tính toàn cầu
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu chia sẻ: Cùng với sự phát triển thần kỳ về kinh tế và khoa học công nghệ, nhân loại cũng đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có về biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phủ khắp với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đe dọa an ninh và phát triển bền vững của toàn thể nhân loại. Do vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội lựa chọn chủ đề cho Diễn đàn Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức năm 2018 là “Hướng đến Phát triển bền vững – Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo bền vững và an ninh”.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ: Tháng 12 năm 2015, Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) đã thông qua Thỏa thuận Paris. Đây là khuôn khổ pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua thực hiện các cam kết nêu trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Với nỗ lực của tất cả các Bên, Thỏa thuận Paris đã có hiệu lực chưa đầy một năm kể từ khi được thông qua và hiện đang được các quốc gia trên thế giới nỗ lực triển khai thực hiện. Mặc dù các nước đã đệ trình NDC vào cuối năm 2015, tuy nhiên, ngay cả khi các NDC được thực hiện đầy đủ, nhiệt độ trung bình toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Điều này đòi hỏi tất cả các bên cần nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn Hà Nội 2018 của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhằm thể hiện vị thế của Đại học Quốc gia Hà Nội trên trường quốc tế, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Bà Helen Elizabeth Clark, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá: Việt Nam là một trong những nước chịu tổn thương lớn nhất của biến đổi khí hậu. Sáng kiến của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc tổ chức Diễn đàn lần này có ý nghĩa quan trọng. Với tư cách là một đại học lớn của Việt Nam, việc diễn đàn là cần thiết để cộng đồng các nhà khoa học cùng với các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản lý có được những hiểu biết chung, cách nhìn chung về những vấn đề đang diễn ra trên thế giới liên quan đến biến đổi khí hậu. Những vấn đề chuyên môn được chia sẻ giữa các học giả, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ giúp Việt Nam có kế hoạch tốt hơn để ứng phó với những thách thức đang đặt ra.
Quy tụ những chuyên gia hàng đầu về biến đổi khí hậu
Diễn đàn Hà Nội năm 2018 là nơi quy tụ của nhiều chuyên gia, nhà khoa học nổi tiếng trong nước và quốc tế, hứa hẹn chứa đựng hàm lượng giá trị khoa học cao và có tác động tích cực đối với thực tiễn.
Chủ trì mỗi tiểu ban chuyên môn là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, nhà lập chính sách, bao gồm: Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Giáo sư, Tiến sĩ Diana Ürge-Vorsatz từ Đại học Trung Âu; Giáo sư, Tiến sĩ Yong Jung, Đại học Yonsei, Hàn Quốc; Giáo sư, Tiến sĩ Ken Fukushi, Đại học Tokyo, Nhật Bản; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia biến đổi khí hậu; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trương Quang Học, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cùng Tiến sĩ Micheal Ellis từ Cục Địa chất Hoàng gia Anh sẽ chủ trì phiên đối thoại chính sách về Đồng bằng sông Hồng. Phiên đối thoại chính sách về Đồng bằng sông Cửu Long được chủ trì bởi Tiến sĩ Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Giáo sư, Tiến sĩ Alex Smajgl từ Đại học Deakin (Australia).
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận cho biết: Diễn đàn sẽ đưa ra những bằng chứng sinh động nhất cho thấy sự can thiệp thô bạo của con người gây ra biến đổi khí hậu, từ đó đề xuất các mô hình ứng phó và các giải pháp dựa vào thiên nhiên, giải pháp về thể chế, chính sách và nguồn năng lực để hướng tới phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn.
Trước khi tổ chức diễn đàn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện một số đề tài như: Xây dựng đô thị ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu; đánh giá tính bền vững của vùng duyên hải để ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lí tài nguyên bảo vệ môi trường; đánh giá, xác lập được chỉ số bền vững vùng ven biển vốn nhạy cảm và biến động.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có hai đề tài khoa học cấp nhà nước về phát triển bền vững. Một nghiên cứu tại Tây Nam bộ (do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì), một nghiên cứu tại Tây Bắc (do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì). Các đề tài này tuy nghiên cứu về biến đổi khí hậu nhưng áp dụng đầy đủ các cách tiếp cận nguyên lý của khoa học bền vững để phát triển những vùng được gọi là khó khăn bậc nhất của Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận chia sẻ thêm, có thể xem Việt Nam là một trong những nơi tiên phong mở đường đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững, không chỉ với khu vực mà trong phạm vi toàn cầu, trong đó các hoạt động đào tạo nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội là một minh chứng tiêu biểu. Đại học Quốc gia Hà Nội là tổ chức đào tạo, nghiên cứu đầu tiên của châu Á xây dựng, tổ chức đào tạo chương trình thạc sĩ biến đổi khí hậu. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là nơi đầu tiên của châu Á có chương trình thạc sĩ về Quản trị an ninh phi truyền thống, nơi đầu tiên của Đông Nam Á tổ chức đào tạo chương trình thạc sĩ Khoa học bền vững.