Thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Xin Bộ trưởng đánh giá về ý nghĩa, sự cần thiết của Chương trình này?
Trước hết phải khẳng định, Quyết định 1719/QĐ-TTg về phê duyệt đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 là một quyết sách lớn, cụ thể hoá chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS.
Chương trình được xây dựng trên cơ sở tích hợp các chính sách dành cho đồng bào DTTS nhiều năm qua cùng với những chính sách mới nhưng được thay đổi cơ bản về cách tiếp cận trong phát triển kinh tế - xã hội dành cho địa bàn đặc thù này, đó là chuyển dần từ các chính sách mang tính chất hỗ trợ sang đầu tư phát triển.
Nếu nói về ý nghĩa và sự cần thiết của Chương trình MTQG này thì phải khẳng định đây chính là một Chương trình có sự đầu tư lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất và được đồng bào các DTTS mong chờ nhất vì các lý do như sau:
Theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố; bao gồm 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II, và 1.551 xã khu vực III. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.
Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia vừa cung cấp điện, vừa cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du và khu vực đồng bằng.
Trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách cho đòng bào DTTS, đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay vùng đồng bào DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Vùng đồng bào DTTS&MN chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội kém nhất cả nước, xuất phát điểm rất thấp; biến đổi khí hậu, sự cố môi trường diễn ra nghiêm trọng và khó lường… Chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển KT-XH.
Chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng còn nhiều đầu mối xây dựng, quản lý, theo dõi; nguồn lực phân tán, dàn trải; chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy nội lực của đồng bào để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS&MN.
Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, trong giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ tập trung đầu tư cho các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống thành cộng đồng. Mục tiêu là thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi, giữa đồng bào DTTS và đa số.
Chương trình cũng sẽ dành nguồn lực đầu tư đáng kể cho các chính sách phát triển thông qua ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, phát triển nguồn nhân lực kết hợp với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội.
Các nội dung của chương trình được mong đợi sẽ hỗ trợ kịp thời để đồng bào DTTS tiếp cận được các dịch vụ cơ bản, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển so với các vùng phát triển của cả nước.
“Phấn đấu đến năm 2025, nâng mức thu thập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020”. Xin Bộ trưởng nói rõ hơn về mục tiêu này?
Như tôi đã chia sẻ ở trên, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 là một quyết sách mang tính lịch sử. Lần đầu tiên Quốc hội, Chính phủ đã quyết định đầu tư một Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS với một nguồn lực lớn nhất từ trước đến nay.
Chỉ tính riêng giai đoạn I của Chương trình từ năm 2021 đến năm 2025, Quốc hội đã phê duyệt và giao cho Chính phủ cân đối, bố trí nguồn vốn tối thiểu cho Chương trình này lên đến hơn 137 ngàn tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương là 104 ngàn tỷ đồng. Đây chính là giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu của Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 mà Quốc hội đã phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14.
Thực hiện chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội, tại Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, mục tiêu tổng quát của chương trình được xác định cần phải: “đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước”.
Để đạt được mục tiêu tổng quát trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định 9 nhóm mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2025 của chương trình, một trong số đó chính là mục tiêu “Phấn đấu nâng mức thu thập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020”.
Ngoài vai trò là các mục tiêu cụ thể để góp phần đạt được mục tiêu tổng quát của chương trình như ở trên, nâng cao thu nhập của người DTTS chính còn là định hướng quan trọng, làm cơ sở để thiết kế và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung cụ thể của Chương trình.
Trong thực tế, các Dự án, Tiểu dự án và Nội dung thành phần của Chương trình đều có tính liên kết, kết nối chặt chẽ với định hướng rõ ràng trong việc tạo sinh kế, tạo việc làm nâng cao thu nhập bền vững cho người dân sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung và đồng bào DTTS nói riêng. Điều này được thể hiện khá rõ trong từng dự án, tiểu dự án của chương trình.
Ví dụ ở Dự án 6 của Chương trình - “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, trong khuôn khổ Chương trình MTQG lần này, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS không chỉ có mục tiêu bảo tồn nói chung. Trong khuôn khổ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, để đạt được sự bền vững của các nội dung đầu tư, mục tiêu bảo tồn được gắn với mục tiêu phát triển du lịch.
Cụ thể hơn là các nội dung đầu tư đều phải hướng tới mục tiêu nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhìn chung, chính sách có thể đa dạng, nội dung chính sách cần phải tập trung giải quyết nhiều mặt của đời sống KT-XH của cộng đồng các DTTS.
Tuy nhiên chính sách nào cũng cần phải hướng đến việc tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Mục tiêu này cũng chính là định hướng quan trọng để góp phần phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trong thời gian tới.
Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS&MN gắn với phát triển du lịch cộng đồng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Vậy trong những năm tới việc phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc với Bộ VHTT&DL nhằm khôi phục và bảo tồn văn hóa dân tộc được triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS luôn là một nội dung quan trọng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo trong suốt quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Với quan điểm nhất quán, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định, văn hóa các DTTS là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng vùng đồng bào DTTS.
Ngày 27/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1270/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020”, trên cơ sở đó, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ VHTT&DL ban hành tổ chức thực hiện các chương trình bảo tồn văn hóa, lồng ghép các dự án bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS trong việc thực hiện chính sách dân tộc.
Ở các địa phương đã mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc rất ít người như Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, Si La… do chính các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ được triển khai trong tại các địa phương cho kết quả tốt. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối Đại đoàn kết các dân tộc một cách tự nhiên, gắn kết…
Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS là một vấn đề cần thiết trong phát triển kinh tế du lịch, trong gióa dục truyền thống, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Để công tác này đạt được hiệu quả mong muốn trong giai đoạn 2021 - 2030, Uỷ ban Dân tộc và Bộ VHTT&DL đều xác định cần phải tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài.
Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, cần ban hành các chính sách cụ thể tập trung vào lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, ngôn ngữ DTTS, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS; trong đó có chính sách cho các nghệ nhân tổ chức truyền dạy di sản văn hóa, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội hóa đối với các hoạt động VHTT&DL vùng DTTS và miền núi. Việc truyền dạy văn hóa DTTS là rất cấp bách, khi các nghệ nhân gạo cội của các dân tộc đã ở tuổi trên 90 và đang dần thưa vắng.
Trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, Uỷ ban Dân tộc đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ VHTT&DL là cơ quan chủ “Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”.
Ngay từ giai đoạn chuẩn bị triển khai thực hiện, Uỷ ban Dân tộc và Bộ VHTT&DL đã nghiên cứu, xác định các vấn đề ưu tiên để cùng nhau xây dựng nội dung, kế hoạch tổ chức thực hiện nội dung này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tôi và Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cũng thường xuyên trao đổi, thảo luận và thống nhất rất cao về quan điểm và phương pháp tổ chức triển khai thực hiện các dự án khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS&MN gắn với phát triển du lịch cộng đồng nói chung và Dự án 6 của Chương trình MTQG nói riêng.
Ngày 1/10/2021, Uỷ ban Dân tộc và Bộ VHTT&DL cũng đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa UBDT và Bộ VHTT&DL giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn 2021 - 2025, hai cơ quan cam kết sẽ tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác phối hợp trong thực thi các nhiệm vụ chính trị, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực VHTT&DL và gia đình; công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở vùng đồng bào DTTS&MN; phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch; bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở vùng đồng bào DTTS&MN trong thời kỳ hội nhập và phát triển; phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG, trọng tâm là Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, các dự án, tiểu dự án do Ủy ban Dân tộc chủ trì và một số nhiệm vụ khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Là một người DTTS sinh ra và trưởng thành ở miền núi, với vai trò là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nhiệm kỳ này, tôi cho rằng nhiệm vụ khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS&MN vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc trong thời gian tới.
Đây cũng chính là nhiệm vụ quan trọng, cụ thể và thiết thực trong việc góp phần thực hiện định hướng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2021 tại Hà Nội: “Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!