Quyết tâm cao nhất chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và đề nghị của Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bổ sung 4 nội dung vào chương trình Kỳ họp thứ 8.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dự kiến chương trình kỳ họp và cách thức tiến hành Kỳ họp thứ 8 theo hướng: Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 21/10 và bế mạc vào sáng ngày 30/11.
Cụ thể, xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (theo trình tự, thủ tục rút gọn); xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (theo quy trình tại 1 kỳ họp); cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam (để thực hiện quy định tại khoản 3.3 Điều 3 của Nghị quyết số 103/2023/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024).
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến nay, dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét 26 nội dung thuộc công tác lập pháp; 9 nhóm nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, công tác chuẩn bị nội dung Kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương, nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời phục vụ Kỳ họp.
Thời gian qua, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động phối hợp với cơ quan hữu quan, tích cực triển khai rà soát, hoàn thiện để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phục vụ Kỳ họp.
Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo Tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV; báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; đồng tình với nội dung sơ bộ dự kiến chương trình kỳ họp chia thành 2 đợt để các cơ quan có thời gian tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.
Một số ý kiến đề nghị điều chỉnh thời gian, chương trình cho ý kiến một số luật dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sớm hơn để công tác tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật đạt kết quả cao nhất.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ 8 không nhiều, đề nghị Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành sớm gửi hồ sơ, tài liệu để các cơ quan tiến hành thẩm tra. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đồng ý bổ sung vào chương trình Kỳ họp, đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định, chậm nhất ngày 21/9/2024 phải gửi hồ sơ đến cơ quan của Quốc hội để thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chậm nhất ngày 1/10/2024 gửi hồ sơ đến các đại biểu Quốc hội.
Tại Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã báo cáo về tiến độ soạn thảo các dự án luật, nghị quyết sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành với tinh thần khẩn trương nhất để gửi tài liệu, hồ sơ đúng thời hạn theo quy định. Văn phòng Chính phủ sẽ có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan trong việc sớm gửi hồ sơ tài liệu phục vụ công tác thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi đại biểu Quốc hội.
Kỳ họp chia làm 2 đợt
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 8 và việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 cơ bản bám sát kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung báo cáo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước đối với báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Bổ sung nội dung về công tác nhân sự vào kỳ họp và bổ sung một số nội dung Chính phủ chuẩn bị đủ hồ sơ, bảo đảm chất lượng…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào chương trình; giao Ủy ban Xã hội và Ủy ban Pháp luật phối hợp lấy ý kiến Chính phủ và Trưởng ban soạn thảo bằng văn bản, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Viện kiểm sát, các cơ quan hữu quan đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất để chuẩn bị cho kỳ họp. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu với chất lượng tốt, bảo đảm tiến độ, gửi đại biểu Quốc hội. Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuẩn bị kỹ các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp.
Đối với 4 nội dung đề nghị đưa vào chương trình, Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, ban hành nghị quyết để bổ sung vào chương trình. Trường hợp, đủ điều kiện bổ sung vào chương trình, các cơ quan khẩn trương chuẩn bị thẩm tra chính thức và báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất thời gian họp phiên tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm hơn hoặc dài hơn nếu có nhiều nội dung cho ý kiến.
Quốc hội họp tập trung tại nhà Quốc hội và kỳ họp Quốc hội tiến hành thành hai đợt, có thời gian nghỉ giữa hai đợt để các cơ quan của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tăng cường rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, phức tạp tại cơ sở, để hạn chế khiếu kiện đông người, vượt cấp trong kỳ họp.
Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp, bảo đảm thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời, trong đó lưu ý thông tin sâu, cụ thể để đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân hiểu rõ, đồng thuận với những nội dung Quốc hội đã xem xét, quyết định...