Tiếp tục thể chế hóa chủ trương bảo vệ, phát huy di sản văn hóa
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009, sau hơn 20 năm thực hiện, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu.
Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn và những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đó là: Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở các vùng miền của đồng bào dân tộc, kết hợp tiếp thu văn hóa thời đại, phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh quốc gia trong thời kỳ mới.
Để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho phát triển mới của hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Ngày 18/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về dự án Luật. Đây là nội dung được nhiều cử tri quan tâm và được các đại biểu Quốc hội phát biểu với 96 lượt ý kiến về dự án Luật này. Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh 7 vấn đề chung, 9 vấn đề cụ thể, 8 nội dung gợi ý thảo luận tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận kỹ một số nội dung: Quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; các chính sách phát triển di sản văn hóa; về khu vực bảo vệ của di tích; phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.
Chú trọng phát huy giá trị di sản
Thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa; đồng thời nhấn mạnh, trong lần sửa đổi này, cần có rà soát tổng thể và nghiên cứu để thể chế hóa nhiều nhất có thể về những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, những Hiến định về quyền - nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, đối với vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, không chỉ dừng ở câu chuyện bảo tồn, gìn giữ mà quan trọng là làm thế nào đưa những giá trị di sản văn hóa vào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt nhất đời sống tinh thần của người dân.
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) tán thành với các chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa như dự thảo Luật, song đề nghị bổ sung một số chính sách liên quan đến nhân tố thụ hưởng như chế độ miễn phí với các chủ thể đặc biệt khi tham quan các công trình được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Theo đại biểu, mục đích chính của hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là hướng đến giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; có mối liên hệ mật thiết với Luật Giáo dục, Luật Trẻ em trong khuyến khích bảo tồn giá trị văn hóa, kiến thức lịch sử, hình thành nhân cách thế hệ con người Việt Nam thời kỳ mới.
Đề cập đến hoạt động của bảo tàng và chính sách đối với bảo tàng tư nhân được quy định tại Chương 5 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, đây là chương mới, các nội dung có kế thừa, điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của bảo tàng.
Theo đại biểu, thực tế, hệ thống bảo tàng đã phát triển với gần 200 bảo tàng, trong đó có khoảng 70 bảo tàng ngoài công lập, đang bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật là di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia. Đặc biệt, các bảo tàng tư nhân có chủ đề rất phong phú từ gốm sứ, nghệ thuật, âm nhạc, văn hóa, hiện vật chiến tranh, truyền thống gia đình, văn hóa vùng đất... Sự góp mặt của các bảo tàng tư nhân đang làm thay đổi nhận thức về loại hình bảo tàng và mở ra xu thế mới, tạo sự đa dạng cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa nghệ thuật, qua đó hạn chế tình trạng “chảy máu” cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật dân tộc.
Lấy ví dụ về chính sách phát triển các bảo tàng tư nhân ở nước ngoài, đại biểu cho rằng, hiện nay chính sách cho các bảo tàng ngoài công lập ở nước ta đã được quan tâm nhưng theo nhu cầu và xu hướng phát triển lại chưa đáp ứng được; hành lang pháp lý đã có nhưng chưa rõ, nhất là những vấn đề liên quan đến điều kiện, tiêu chí xếp hạng bảo tàng ngoài công lập.
Cho biết, khó khăn của các bảo tàng tư nhân là những hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ và đội ngũ nhân sự làm công tác bảo tàng chuyên nghiệp, song theo đại biểu, trong dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), vấn đề điều kiện cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập vẫn còn chung chung.
Việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập cũng chưa cụ thể. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập vẫn chưa rõ và rất khó cho các cá nhân, doanh nghiệp xin mở bảo tàng.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo thuận lợi cho tư nhân mở bảo tàng, đồng thời giúp các cơ quan chức năng dễ dàng trong quản lý hoạt động của bảo tàng ngoài công lập.
Góp ý về chính sách của nhà nước đối với di sản, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho biết, dự thảo Luật quy định nội dung về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu mang tính định hướng chính sách. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ rất khó khi triển khai trong thực tiễn, vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn các nội dung chính sách, cũng như cách thức tổ chức thực hiện liên quan đến quản lý, bảo vệ di sản của đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo luật.
Cùng quan điểm với đại biểu Tráng A Dương, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị bổ sung 2 loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong quy định tại dự thảo Luật, đó là tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam và ngữ văn dân gian để bảo tồn trước nguy cơ mai một, biến mất hoặc biến dạng trước tiến trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế. Theo đại biểu, Hiến pháp đã quy định ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt, các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết giữ gìn bản sắc dân tộc; phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tiếng nói, chữ viết; 54 dân tộc được xếp theo 3 ngữ hệ và 8 nhóm ngôn ngữ. Đến nay, đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước vẫn bảo tồn tốt tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian của tộc mình.
Nhất trí việc đưa khái niệm Di sản tư liệu vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này, đại biểu Nguyễn Tiến Thiện (Thượng tọa Thích Đức Thiện, Điện Biên) cho rằng, di sản tư liệu với nội hàm là di sản văn hóa được thể hiện dưới dạng tư liệu có giá trị đối với một cộng đồng, một nền văn hóa, một quốc gia hay đối với nhân loại nói chung. Mặc dù, có thể tìm thấy di sản tư liệu ở đâu đó trong cả hai dạng thức: di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, song đại biểu ủng hộ việc tách di sản tư liệu ra thành một loại hình di sản mới. Có như vậy mới đáp ứng việc nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu ở nước ta hiện nay và mở ra hướng phát triển trong tương lai; đồng thời, phù hợp với các chương trình của UNESCO như Chương trình ký ức thế giới thiết lập năm 1992 và Di sản tư liệu thế giới.
Trong chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, dự thảo Luật quy định Nhà nước bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa; đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm tới các quy định cho các trường hợp đặc thù đó là di sản văn hóa Phật giáo nói riêng, di sản văn hóa tôn giáo nói chung.
Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ ràng quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức tôn giáo trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.