Đại sứ Việt Nam tại Maroc Lê Kim Quy.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Maroc lần này có nội dung và ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ hai nước?
Nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Maroc Rachid Talbi Alami, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ thăm chính thức Maroc từ ngày 24-27/7. Chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam cũng như Maroc, thể hiện ở các điểm chính như sau:
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh dấu mốc mới trong tăng cường quan hệ song phương, là chuyến thăm Maroc đầu tiên của một lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam kể từ năm 2019 và diễn ra trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2026.
Chuyến thăm là bước triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng về độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.
Chuyến thăm thể hiện quyết tâm tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Maroc, nhất là giữa cơ quan lập pháp của hai nước, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục-đào tạo, phục vụ lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước.
Ở cấp độ khu vực, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Maroc và Senegal cũng là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đến châu Phi kể từ năm 2019, thể hiện sự coi trọng, tình cảm gắn bó, thủy chung của Việt Nam đối với các nước bạn bè tại châu lục. Trong bối cảnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với bạn bè quốc tế, trong đó có châu Phi, đóng vai trò quan trọng.
Về phía Maroc, chuyến thăm cũng củng cố triển vọng tăng cường hợp tác với các nước châu Á, nhất là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua vai trò tích cực của Việt Nam.
Về nội dung, trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với Thủ tướng Maroc và Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện; có các hoạt động trao đổi về chính sách với doanh nghiệp và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Maroc.
Nhân chuyến thăm, hai bên sẽ rà soát lại quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác nghị viện, đề ra định hướng cho quan hệ giữa hai nước nói chung, hai cơ quan lập pháp nói riêng trong thời gian tới với nội hàm tập trung vào củng cố quan hệ chính trị, nghị viện, tạo xung lực mới cho hợp tác trong các lĩnh vực, nhất kinh tế, thương mại, đầu tư…
Chuyến thăm cũng mở ra cơ hội tiếp xúc, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển trong các lĩnh vực là thế mạnh của Maroc và Việt Nam đang rất quan tâm như tài chính-ngân hàng, đường sắt tốc độ cao, năng lượng tái tạo, logistics...
Cũng nhân chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội sẽ gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Maroc, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như nguồn động viên to lớn đối với cộng đồng người Việt nơi đây.
Do đó, chuyến thăm Maroc của Chủ tịch Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định sự tin cậy chính trị và mong muốn chân thành hợp tác cùng phát triển với Maroc. Chuyến thăm không chỉ là cơ hội để hai bên đánh giá lại chặng đường đã qua mà được kỳ vọng tạo bước ngoặt mới cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Maroc.
Đặc biệt, chuyến thăm khẳng định vai trò quan trọng của ngoại giao nghị viện, phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Maroc cũng như hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Chuyến thăm cũng là minh chứng cho thấy sức mạnh và vai trò của hợp tác Nam - Nam, khẳng định tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước đang phát triển, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển của mỗi nước.
Việt Nam và Maroc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 27/3/1961. Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ hai nước sau hơn 60 năm qua, đặc biệt trong quan hệ nghị viện?
Trải qua gần 65 năm kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (27/3/1961), tình hữu nghị Việt Nam - Maroc được dệt nên từ những trang sử chung mang đậm dấu ấn đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc và không ngừng được củng cố, mở rộng trong những thập kỷ gần đây, vì lợi ích của nhân dân hai nước, nhất là thông qua ngoại giao nghị viện.
Ngoại giao nghị viện thực sự là điểm sáng đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Maroc, gắn với nhiều dấu mốc hết sức quan trọng trong hợp tác song phương. Các chuyến thăm viếng lẫn nhau giữa lãnh đạo cơ quan lập pháp hai nước được đánh giá là sôi nổi và đa dạng nhất trong số hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa Việt Nam và Maroc. Đã có ít nhất 3 chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Maroc tới Việt Nam, lần lượt vào các năm 2015, 2017, 2025. Về phía Việt Nam, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là chuyến thăm thứ 3 của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam tới Maroc kể từ năm 2005 đến nay.
Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc cũng được khánh thành cách đây đúng 20 năm, nhân chuyến thăm Maroc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An năm 2005. Maroc là quốc gia châu Phi đầu tiên Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác nghị viện, tạo khung pháp lý quan trọng cho hợp tác song phương, thể hiện sự coi trọng vai trò của cơ quan lập pháp trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Năm 2020, tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 do Việt Nam chủ trì, Hạ viện Maroc đã trở thành Nghị viện châu Phi đầu tiên được công nhận tư cách quan sát viên của AIPA. Điều này thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao của Việt Nam đối với vai trò của Maroc trong khu vực.
Nghị viện hai nước cũng đã lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, đóng vai trò cầu nối tích cực trong thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và Maroc trong các lĩnh vực tiềm năng.
Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, nhất là trong khuôn khổ hợp tác nghị viện?
Chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ là một dấu mốc quan trọng mới trong hợp tác nghị viện giữa hai nước. Chuyến thăm không chỉ làm sâu sắc hơn kênh ngoại giao nghị viện mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính...
Để tiếp tục phát huy kênh ngoại giao nghị viện, hai nước cần tăng cường hoạt động trao đổi, tiếp xúc giữa các cơ quan lập pháp; triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác nghị viện; phát huy vai trò của các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn nghị viện đa phương.
Cơ quan lập pháp hai nước cũng cần khuyến khích việc chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lập pháp, xây dựng các chính sách pháp luật tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, cũng như góp phần đẩy mạnh hợp tác song phương trong các lĩnh vực.
Được biết Đại sứ Lê Kim Quy đảm nhận vị trí Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Maroc, kiêm nhiệm Cộng hòa Côte d’Ivoire, Cộng hòa Benin, Cộng hòa Guinea, Burkina Faso, Cộng hòa Gabon và Cộng hòa Guinea-Bissau từ đầu năm 2024. Xin Đại sứ chia sẻ một vài cảm nghĩ về Maroc sau hơn một năm làm Đại sứ tại đây?
Tôi đặt chân đến đất nước Maroc nhận nhiệm vụ vào tháng 3/2024. Trong hành trình hơn một năm qua, đất nước Maroc xinh đẹp đã để lại cho tôi những ấn tượng hết sức sâu sắc.
Mặc dù xa cách về địa lý nhưng Việt Nam và Maroc có nhiều nét tương đồng, đó là vị trí địa chính trị quan trọng, nền văn hóa lâu đời, đều là những nền kinh tế mới nổi năng động, hội nhập quốc tế sâu rộng, giàu khát vọng và quyết tâm vươn lên mạnh mẽ.
Cũng như Việt Nam, người dân Maroc rất gắn bó với các giá trị truyền thống về văn hóa, lịch sử, đồng thời kết hợp hài hòa với các giá trị hiện đại, tạo nên bản sắc và dấu ấn riêng của người dân nơi đây. Ẩm thực cũng là nét độc đáo và niềm tự hào của người dân Maroc. Món couscous và tagine truyền thống nổi tiếng của Maroc dần trở thành những món ăn yêu thích trong thực đơn của tôi. Nhắc đến Maroc không thể không nhắc đến các di sản văn hóa, kiến trúc và phong cảnh đa dạng, độc đáo, đưa Maroc trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Phi trong những năm gần đây.
Là một nữ Đại sứ, tôi cũng rất quan tâm đến vai trò của phụ nữ trong xã hội Maroc. Tôi rất ấn tượng trước những thành tựu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại đây. Phụ nữ đóng vai trò ngày càng quan trọng đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Maroc, trong đó tỷ lệ nữ tại Hạ viện và các nữ lãnh đạo tại Bộ Ngoại giao Maroc lần lượt là 24,3% và 40%.
Cuối cùng, tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc vương, Chính phủ và nhân dân Maroc đã luôn dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để quan hệ song phương ngày càng phát triển tốt đẹp hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!