Nâng cao chất lượng trong xây dựng luật
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV được đánh giá là có thời gian ngắn hơn so với các kỳ họp trước, nhưng với 21 ngày làm việc Quốc hội đã để lại dấu ấn mạnh mẽ, được đại biểu, cử tri và nhân dân đánh giá cao. Trước tiên có thể thấy đó là dấu ấn về trách nhiệm của cơ quan lập pháp, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân và của cả cử tri, nhân dân trong việc góp ý xây dựng và hoàn thiện các dự án luật.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã thông qua 7 dự án luật và 8 Nghị quyết. Các luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua nhằm tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Quang cảnh bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 9 dự án luật khác, làm cơ sở để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.
Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định, các dự án luật được xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Đây là điều rất đáng mừng, cho thấy công tác làm luật của cơ quan lập pháp ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng, các dự án luật thông qua nhận được sự đồng thuận cao, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân.
Tại kỳ họp này, Quốc hội quyết định điều chỉnh thời gian thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự án Luật.
Điều này thể hiện rõ sự nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp nhân dân và cử tri. Đồng thời cũng cho thấy, trong suốt quá trình Quốc hội thảo luận trên nghị trường, dự thảo luật về đặc khu nói riêng và các dự thảo luật khác đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân và cử tri, khẳng định vai trò giám sát, tham gia vào quá trình xây dựng luật của nhân dân và cử tri.
Tiếp tục đổi mới trong chất vấn và trả lời chất vấn
Tại kỳ họp này, một dấu ấn nữa là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được đổi mới. Tại kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành chất vấn 4 nhóm vấn đề đối với Bộ trưởng các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo. Các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, trưởng ngành khác đã tham gia báo cáo, giải trình rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ báo cáo về một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn sát thực tế, là những vấn đề kinh tế - xã hội được cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Sau khi thực hiện thí điểm chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã tiếp tục có nhiều cải tiến nhằm tăng tính tranh luận. Mỗi đại biểu chỉ có một phút để nêu câu hỏi chất vấn, sau ba câu hỏi thì người được chất vấn phải trả lời ngay, thời gian mỗi lần trả lời là ba phút. Việc đổi mới cách thức trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn buộc người hỏi phải hỏi ngắn gọn rõ ý, người trả lời phải đúng trọng tâm.
Với yêu cầu này, áp lực về thời gian là thử thách không nhỏ, nhưng qua ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn đã cho thấy hiệu quả của việc đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội.
Việc rút ngắn thời gian trong cả hỏi và trả lời đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, tranh luận lại. Đồng thời, phát huy được năng lực của đại biểu, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời.
Trong buổi họp báo sau kỳ họp, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cũng cho biết, qua ba ngày chất vấn và trả lời chất vấn đã có trên 260 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, trên 400 lượt chất vấn và tham gia tranh luận. Đây là một con số kỷ lục về số lượng câu hỏi và trả lời, cho thấy hiệu quả của việc đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
Phiên chất vấn cũng được cử tri và nhân dân đã đánh giá cao khi đại biểu tranh luận đến cùng vấn đề mà mình đưa ra, phản ánh một cách đầy đủ nguyện vọng của cử tri tới diễn đàn Quốc hội, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn.
Với các nhóm vấn đề được chất vấn, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời thẳng thắn, đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới.
Trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, đây sẽ là cơ sở để Quốc hội giám sát, Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện.
Như vậy, có thể thấy Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5 cũng nhấn mạnh, hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng. Quốc hội trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các dự án luật, các nghị quyết được thông qua.
Sau kỳ họp sẽ còn có nhiều việc sẽ tiếp tục được triển khai, mà gần nhất là hoạt động tiếp xúc cử tri. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội sau kỳ họp tổ chức tốt hoạt động này, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát.