Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trước mắt nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, năm 2013, đất nước ta đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng trên các lĩnh vực như: Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, an ninh - quốc phòng được bảo đảm, vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao... Niềm tin của người dân vào những chủ trương, chính sách của Đảng, sự điều hành năng động, sáng tạo của Chính phủ ngày càng được nâng lên, tạo khí thế mới để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bước vào năm Giáp Ngọ - 2014 với những vận hội mới.
Vai trò của “người quản trị”
Nếu coi cả hệ thống cơ quan thực thi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội là một hệ thống thống nhất từ “máy chủ” là Chính phủ đến các “máy trạm” là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì vai trò nổi bật trong những thành công toàn hệ thống năm vừa qua chính là người quản trị của toàn hệ thống - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Với những dấu ấn đậm nét qua từng quyết sách, văn bản chỉ đạo, điều hành; từng chuyến thị sát, làm việc và chỉ đạo, năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp không chỉ đối với mỗi người dân cả nước mà cả bạn bè quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu chính tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 12. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng luôn chú trọng công tác ban hành văn bản và tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện. Linh hoạt trong điều hành để đảm bảo hài hòa, tổng thể các mục tiêu cả trước mắt và lâu dài, ông liên tục đôn đốc, chỉ đạo các cấp, các ngành kiên trì thực hiện kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội.
Trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, “người quản trị của toàn hệ thống” luôn yêu cầu các cấp, các ngành công khai quá trình xây dựng dự thảo, đăng công khai trên cổng thông tin của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để thu hút ý kiến phản hồi về đánh giá tác động của chính sách; huy động sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp và nhân dân, nhất là các đối tượng chịu sự tác động của chính sách để có những văn bản chỉ đạo điều hành khả thi, phát huy hiệu quả ngay trong thực tế.
Bên cạnh điều hành phát triển kinh tế - xã hội, ông chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ máy Chính phủ thông qua việc yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành tiếp tục đánh giá, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn; khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ, đồng thời triển khai mạnh mẽ Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.
Ngay từ đầu năm, ông đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương thực hiện cắt giảm đầu tư công và trong cuộc trực tuyến Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng đã “điểm mặt, chỉ tên” và thẳng thắn phê bình những bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều đoàn công tác nước ngoài, gây lãng phí ngân sách không cần thiết... Ông cũng nhiều lần yêu cầu và chỉ đạo đổi mới cách thức tổ chức họp, hội nghị theo hình thức trực tuyến góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí; cắt giảm tối đa chi phí lễ lạt, khởi công, khánh thành để dồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với hành vi thiếu trách nhiệm, làm ẩu, làm sai, Thủ tướng kiên quyết xử lý theo mức độ vi phạm. Nhờ đó, công tác thanh tra, kiểm tra đã có những chuyển biến tích cực, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vi phạm pháp luật, chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, điều hành, trong ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước, nhất là việc phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm...
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá năm 2013 Việt Nam đã thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện bằng tỉ lệ lạm phát vừa phải và cải thiện trong cán cân đối ngoại. Còn tờ Nhật báo Korea Herald - Tờ báo thương mại uy tín của Hàn Quốc đã khẳng định vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là hết sức quan trọng trong kết quả tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam với đánh giá: “Kịch bản xấu đã không xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam, dù cho vấn đề nợ xấu hồi cuối năm ngoái đã phủ một màu xám xịt lên bức tranh tài chính, ngân hàng. Niềm tin đã kéo các nhà đầu tư trở lại thị trường Việt Nam với những tín hiệu sáng sủa. Hình ảnh gần 10 ngàn doanh nghiệp “sống lại” và sự “gượng dậy” ngoạn mục của nền kinh tế chính là bằng chứng sống động cho thấy những chính sách và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh...”.
Dấu ấn trên trường quốc tế
Một trong những dấu ấn của năm 2013 là thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri La lần thứ 12 không chỉ định hướng chủ đề chính của Đối thoại lần này mà còn để lại nhiều ấn tượng sâu đậm với Chính phủ, các quan chức cấp cao quốc phòng, an ninh, các học giả khu vực châu Á Thái Bình Dương về một quan điểm gốc rễ để giải quyết các thách thức an ninh khu vực và quốc tế hiện nay, đó là xây dựng lòng tin chiến lược trên cơ sở chân thành.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, Giáo sư Son Gi - woong thuộc Viện Nghiên cứu Thống nhất Hàn Quốc (KINU) đã đánh giá cao khái niệm “Lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu trong bài diễn văn khai mạc. Khái niệm “Lòng tin chiến lược” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói ở đây là đề cập đến sự tin tưởng và hợp tác giữa các quốc gia để giảm thiểu bất đồng, cùng nhau xây dựng nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực...
Ở trong nước, người dân đón nhận bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với niềm tự hào sâu sắc về vị lãnh đạo của mình trong con mắt hãnh diện với bạn bè quốc tế. “Thủ tướng đã tạo được dấu ấn tốt với bài phát biểu, từ lựa chọn ý tưởng đến ngôn ngữ. Điều đó có thể khiến cho những người không đồng tình hoặc có quan điểm còn khác nhau cũng không thể nào bác bỏ được. Đây là điển hình về trí tuệ, sự khéo léo trong việc đưa ra thông điệp, ứng xử ngoại giao”, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên bày tỏ.
Cộng đồng quốc tế còn đánh giá cao bài phát biểu của Thủ tướng trong Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 tại Hoa Kỳ với tiêu đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo”. Một lần nữa, thông điệp về xây dựng “Lòng tin chiến lược” lại được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu lên ở tầm mức toàn cầu. Điều đó khẳng định tinh thần trách nhiệm của Việt Nam muốn góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới, đóng góp tích cực vào công việc chung của cộng đồng thế giới, với hai trụ cột chính là hòa bình và phát triển.
Bất cứ cuộc tiếp của các vị lãnh đạo nước ngoài đến Việt Nam, ông luôn chủ động khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, trước hết là thực hiện nghiêm chỉnh DOC, nỗ lực hơn nữa để sớm có COC phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Kết thúc bài viết này, xin được trích dẫn bài viết trên trang tin điện tử The MalayMailOnline, phiên bản online của tờ báo Malay Mail (có bề dày lịch sử 117 năm hoạt động kể từ số phát hành đầu tiên vào năm 1896) tại Malaysia khi đăng bài viết về Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với tiêu đề “Nguyễn Tấn Dũng, một nhà lãnh đạo Việt Nam thực thụ”. Bài báo đã nói về vị Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với hàng loạt điểm đáng chú ý, như sau: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng luôn thể hiện vai trò nổi bật trước các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước. Ông đã giúp vực dậy cả nền kinh tế Việt Nam thông qua hàng loạt chỉ đạo điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất ngân hàng. Dưới sự lãnh đạo của ông, tăng trưởng tín dụng phát triển theo chiều hướng tốt và ông đã giải quyết hiệu quả một số thách thức trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Các chính sách của ông đưa ra cũng giúp thúc đẩy sản lượng công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp sản xuất và gia công. An sinh xã hội cũng đã được duy trì trong khi an ninh chính trị và an ninh công cộng được quản lý tốt dưới thời ông cầm quyền.
Minh Thư