Đạo đức người làm báo thời cách mạng công nghiệp 4.0: Bài 5: Đề cao đạo đức nghề báo trong môi trường truyền thông số

Trước những biến đổi của môi trường truyền thông số trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, hơn lúc nào hết đạo đức và những vấn đề liên quan đến đạo đức báo chí càng được đề cao.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề đạo đức nghề báo trong thời đại truyền thông số.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Là một trong những người lãnh đạo cao nhất của Hội Nhà báo Việt Nam, xin ông cho biết Hội quan niệm thế nào về đạo đức người làm báo?

Đạo đức nghề nghiệp là điều cốt tử đối với hoạt động báo chí. Bởi nếu thiếu đạo đức, báo chí sẽ mất phương hướng, không đủ sức mạnh và độ tin cậy để có thể thực hiện đúng chức trách, sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với xã hội; đó là chống lại những thói xấu, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.

Một tác phẩm báo chí của nhà báo không có đạo đức sẽ gây hậu quả khôn lường đối với xã hội; thấp nhất có thể tác động xấu đến một con người, một gia đình, đơn vị, tổ chức, cao hơn nữa là tác động đến sự hưng vong của quốc gia, dân tộc.

Mỗi nhà báo phải tự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để giữ gìn phẩm giá của người làm báo trước sự tác động, mua chuộc, lôi kéo và cám dỗ của những lợi ích tầm thường, mục đích không trong sáng.

Cùng với đó, hệ thống pháp luật cũng phải được hoàn thiện để xây dựng nền báo chí vừa giàu tính chiến đấu, vừa giàu tính nhân văn, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, vì lợi ích chung của xã hội, của đất nước; bảo vệ lợi ích, quyền hành nghề chính đáng của những người làm báo và người thân của họ. Mặt khác, cũng cần tăng cường hiệu lực quản lý, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh để tiếng nói tích cực đủ sức mạnh, để cái ác, cái xấu không thể lấn át những điều tốt đẹp.

Vấn đề đạo đức nghề báo luôn là nội dung trọng tâm trong các hoạt động tuyên truyền do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, vậy trong những hoạt động lớn của Hội như Hội báo toàn quốc, Giải báo chí quốc gia…, vấn đề này được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Trong tất cả các giải báo chí mà chúng ta đang tiến hành hiện nay đều đánh giá cao các tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, ở đó nhìn thấy lao động của phóng viên, thấy tinh thần sáng tạo, sự dấn thân của nhà báo, giá trị thông tin truyền tải ra xã hội để bảo vệ những cái đúng, cái tốt, đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác.

Báo chí có trách nhiệm, nghĩa vụ to lớn, thiêng liêng là làm rõ sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải. Tinh thần đó được thể hiện rõ trong các tác phẩm báo chí được trao giải báo chí quốc gia những năm gần đây, nhất là Giải Báo chí quốc gia 2017 sẽ được trao ngày 21/6 tới đây.

Còn trong các hội báo toàn quốc, vấn đề đạo đức cũng trở thành một nội dung trọng tâm. Đặc biệt, tại Hội báo toàn quốc 2018, có một khu vực trưng bày riêng về đạo đức báo chí do Liên Chi hội Nhà báo của cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Liên Chi hội Nhà báo Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan báo chí các Ban của Đảng thực hiện.

Đó là nơi được rất nhiều người làm báo và công chúng báo chí quan tâm trong suốt thời gian diễn ra Hội báo. Điều này cũng góp phần khẳng định đạo đức nghề báo luôn là nội dung được Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm, thực hiện.

Những quy định về đạo đức nghề báo được ban hành cuối năm 2016, có hiệu lực vào 1/1/2017, được ghi nhận là biện pháp tích cực thúc đẩy việc giữ gìn, phát huy đạo đức báo chí, ông có đồng ý với ghi nhận này?


Trải qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, chúng ta đã có một nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, tính nhân văn. Đội ngũ những người làm báo chính trực, luôn phấn đấu cho lợi ích quốc gia, dân tộc và cho nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều tấm gương sáng ngời về đạo đức báo chí, một bộ phận không nhỏ người làm báo hay mượn danh nhà báo có những sai phạm, vi phạm đạo đức nghề báo.

Những việc làm này gây bức xúc trong dư luận, khiến người dân dần mất niềm tin vào báo chí; đồng thời làm ảnh hưởng đến danh dự, lòng tự tôn của những người làm báo chân chính.

Trước đây chúng ta đã có quy ước, sau đó là quy định về đạo đức nghề báo; song ngày nay, những biến đổi của thời cuộc, nhất là biến đổi của môi trường truyền thông số đòi hỏi cần thiết phải có bộ quy định mới phù hợp hơn. Đó là lý do, 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam được ban hành.

Những quy định này được ban hành và thực hiện cùng thời điểm với Luật Báo chí năm 2016 đã tác động tích cực tới hoạt động báo chí, giúp người làm báo nhận thức sâu sắc vai trò, nhiệm vụ, chức trách của mình. Đời sống báo chí cũng đã có những chuyển biến đáng kể, đặc biệt những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp đã giảm nhiều.

Để 10 quy định đạo đức nghề nghiệp đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, các cấp Hội Nhà báo, cơ quan báo chí đều đã tổ chức sinh hoạt, tọa đàm, giao lưu giúp người làm báo hiểu một cách sâu sắc, thấu đáo hơn; giúp những quy định về đạo đức được thấm nhuần, trở thành thiết yếu đối với hoạt động nghề nghiệp của người làm báo.

Cùng với đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã thành lập gần 300 Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ Trung ương đến địa phương. Các Hội đồng hiện đã hoạt động có nền nếp. Nhiều trường hợp vi phạm đã được phát hiện, xử lý kịp thời. Một số phóng viên, nhà báo vi phạm đã bị tước Thẻ nhà báo, thu hồi Thẻ hội viên, khai trừ ra khỏi Hội. Việc quản lý ở các cơ quan báo chí, các cấp Hội đối với nhà báo, hội viên chặt chẽ hơn. Những quan tâm của các cơ quan chủ quản với các cơ quan báo chí cũng sát thực hơn.

Có thể nói, việc ban hành, thực hiện 10 quy định đạo đức nghề nghiệp như một lời cam kết, sâu sắc, thiêng liêng của người làm báo đối với công chúng, xã hội. Việc làm này giúp gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong giới báo chí về đạo đức nghề nghiệp. Hồi chuông đó đã có tác dụng không nhỏ trong việc giữ gìn, phát huy đạo đức người làm báo.

Đại đa số người làm báo Việt Nam có thái độ, ứng xử chuẩn mực trong cuộc sống cũng như trên mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn có những người không hiểu hoặc cố tình không hiểu những quy tắc đạo đức, tham gia mạng xã hội chưa tích cực nên đã để xảy ra những sai phạm không đáng có.

Từ khi những quy định về đạo đức nghề báo được ban hành, các cấp Hội, các cơ quan báo chí rất chú trọng quy định nhà báo phải chuẩn mực, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Những sai phạm, những hiện tượng đáng lo ngại trước đây do một số nhà báo tham gia mạng xã hội gây ra đã giảm bớt. Điều này góp phần tích cực trong việc căn chỉnh lại nhận thức, hành vi của người làm nghề báo.

Cũng liên quan đến vấn đề đạo đức, vừa qua Hội Nhà báo Việt Nam đã ứng dụng phần mềm theo dõi, gỡ bài trên báo điện tử, việc làm này còn được duy trì không và hiệu quả ra sao, thưa ông?

Trong số những biện pháp mà Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện để giữ gìn, phát huy đạo đức người làm báo có ứng dụng phần mềm theo dõi, gỡ bài trên báo điện tử.

Hoạt động này được Hội Nhà báo Việt Nam giao cho Cổng thông tin điện tử của Hội thực hiện từ tháng 8/2017 với mục đích giám sát, nhắc nhở, khích lệ và ngăn chặn việc làm chưa tốt; đến nay đã tạo chuyển biến rõ ràng. Trước khi chưa có phần mềm trên, có những tháng trên các trang báo điện tử có tới mấy trăm tin, bài đăng lên rồi gỡ.

Sau khi ứng dụng phần mềm, cùng với việc thống kê từng tuần những tin, bài bị gỡ, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các đơn vị có những tin, bài được gỡ đó phải giải trình bằng văn bản hoặc giải trình công khai.

Do cách làm cương quyết như vậy, số lượng tin, bài đăng rồi gỡ giảm dần. Thời gian đầu trên các báo điện tử, một tuần còn vài chục, đến nay trung bình chỉ còn vài tin, bài bị gỡ. Đơn cử như tuần vừa qua (tuần cuối tháng 5 - đầu tháng 6) chỉ còn 3 tin, bài bị gỡ.

Như vậy, có thể nói từ người viết, những người biên tập, phê duyệt tin, bài đến các tổng biên tập đã quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý bài đăng, hướng đến việc từng bước đưa những sản phẩm thông tin hoàn thiện tới công chúng. Cái được nhất của việc đưa vào ứng dụng phần mềm theo dõi gỡ bài trên báo điện tử là đã góp phần làm cho người làm báo, cơ quan báo chí phải nghiêm túc hơn đối với sản phẩm của mình.

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đang đối mặt với khó khăn để duy trì, phát triển. Với tư cách là một trong những người đứng đầu Hội Nhà báo Việt Nam, ông có lời khuyên gì để giúp họ vừa làm tốt chức năng, nhiệm vụ, vừa giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, đồng thời chăm lo tốt cho đời sống cán bộ, phóng viên?

Có một điều bất kỳ người đứng đầu đơn vị báo chí nào cũng phải tuyệt đối tuân thủ để cơ quan mình đứng vững, phát triển đó là làm nghề "tử tế". Nếu chúng ta buông bỏ điều đó, có thể sẽ thu được những lợi ích cụ thể, ở thời điểm cụ thể, nhưng về lâu dài, hậu quả không thể gánh hết.

Kinh tế báo chí là một vấn đề rất “nóng” hiện nay đối với các cơ quan báo chí. Không ít đơn vị báo chí không cân đối được thu - chi, đã và đang đứng trước nguy cơ khó có thể tồn tại; đời sống cán bộ, nhân viên gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời điểm hiện nay, đó thật sự là cuộc vật lộn, nhất là đối với các đơn vị chỉ thuần túy làm nghề báo. Khi những hỗ trợ theo kiểu bao cấp không còn, để tồn tại, phát triển đòi hỏi nỗ lực không ngừng của các cơ quan báo chí.

Đáng mừng là hiện nay, nhiều cơ quan báo chí xây dựng tòa soạn theo hướng chủ động, sẵn sàng đối mặt với những thách thức của thời đại truyền thông kỹ thuật số. Một số đơn vị đã tự đổi mới mình để vượt qua khó khăn, đứng vững; trở thành bài học kinh nghiệm cho các cơ quan báo chí khác.

Tuy nhiên, đây là một thách thức không ngừng, nên trong quá trình đổi mới, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí, đa dạng cách thức truyền tải thông tin ra xã hội, các cơ quan báo chí cũng nên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ, hữu hiệu nhất.

Đối với nhà báo, phải coi rèn luyện, tu dưỡng là quá trình bền bỉ; không được chủ quan, lơ là rèn luyện. Đôi khi nhà báo chỉ cần mất cảnh giác, non kém về trình độ tác nghiệp, trong thể hiện sản phẩm thông tin lên mặt báo sẽ gánh chịu tác động không nhỏ đến khả năng hành nghề và cuộc sống của chính mình. Nếu luôn trong tâm thế làm nghề tử tế, tích cực, nhà báo sẽ tránh được mọi hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mỹ Bình (thực hiện)
Đạo đức người làm báo thời cách mạng công nghiệp 4.0 - Bài 4: Giữ gìn 'mắt sáng, lòng trong, bút sắc'
Đạo đức người làm báo thời cách mạng công nghiệp 4.0 - Bài 4: Giữ gìn 'mắt sáng, lòng trong, bút sắc'

Việc giữ gìn đạo đức người làm báo thời nào cũng khó, mỗi thời kỳ có những khó khăn khác nhau. Dưới góc nhìn của mình, các chuyên gia không những quan tâm đến việc giữ gìn mà còn quan tâm đến việc làm thế nào đề phát huy đạo đức người làm báo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN