Đảm bảo văn minh, an toàn và tính đa dạng văn hóa của từng lễ hội

Mùa Lễ hội Xuân Kỷ Hợi 2019, ngành Văn hóa và các địa phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng để các lễ hội diễn ra văn minh, an toàn và đặc biệt đảm bảo tính đa dạng văn hóa, bản sắc của từng lễ hội.

Đề cao việc tuyên truyền, hướng dẫn người đi hội

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những tồn tại, hạn chế của các mùa lễ hội trước đã cơ bản được khắc phục. Hoạt động lễ hội năm 2018 diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, xuyên suốt thời gian trước, trong và sau khi lễ hội kết thúc; hướng tới việc bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Chú thích ảnh
Quang cảnh lễ hội gội đầu truyền thống huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng: Công tác tuyên truyền là rất quan trọng, do đó trong mùa Lễ hội năm 2019 và những năm tiếp theo, các địa phương vẫn rất cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc để người dân nhận diện đúng giá trị của lễ hội, di tích, tránh tình trạng người dân đi lễ hội theo phong trào mà không hiểu hết các giá trị truyền thống. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân được nâng cao nhận thức, từ đó có ứng xử văn hóa, văn minh trong lễ hội.

Đặc biệt, các địa phương cần hết sức quan tâm chú ý rà soát, nâng cấp cơ sở vật chất nơi diễn ra lễ hội để tạo điều kiện tốt nhất, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân. Các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong khâu tổ chức, quản lý lễ hội.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc cũng cho rằng: Việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người đi lễ hội là cần thiết và phải làm. Bởi người dân đi lễ hội là tự nguyện, tự giác, ở lứa tuổi và thuộc đủ thành phần xã hội, dân trí cũng khác nhau. Nếu không tuyên truyền, hướng dẫn, nhiều người dân sẽ thực sự không hiểu về lịch sử, nhân vật được tôn vinh trong lễ hội. Thêm vào đó, Ban Tổ chức Lễ hội cần thường xuyên hướng dẫn để nhân dân dự hội ăn mặc phù hợp, hành xử đúng mực, thắp hương, đặt đồ lễ, tiền công đức, giọt dầu… đúng nơi quy định, đặc biệt là hạn chế đốt vàng mã, đồ mã nơi lễ hội.

Riêng về việc đốt đồ mã, vàng mã, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ninh Thu Hương nhấn mạnh: Thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại hình đồ mã không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam, thậm chí là phản cảm như quần áo tắm, đồ lót... Do đó, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm tuyên truyền để hạn chế, dần dần loại bỏ những mặt hàng như thế này, đặc biệt nếu để xuất hiện tại các điểm lễ hội, di tích sẽ vô cùng phản cảm.

Cục Văn hóa Cơ sở đề nghị các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm soát, khuyến nghị các cơ sở kinh doanh đồ mã hạn chế kinh doanh những mặt hàng đồ mã không phù hợp với thuần phong mỹ tục và việc đốt các mặt hàng đồ mã nêu trên tại các cơ sở thờ tự, di tích, lễ hội, trong sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân. Các tỉnh, thành có làng nghề sản xuất đồ mã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất mặt hàng đồ mã không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc.

Đảm bảo tính đa dạng văn hóa của lễ hội

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng: Lễ hội là do nhân dân tạo ra và cũng chính người dân thực hành lễ hội hàng năm, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của lễ hội, trao truyền qua nhiều thế hệ. Qua quá trình nghiên cứu có thể thấy rằng, không một nơi nào có nhiều lễ hội như ở Việt Nam, mỗi lễ hội lại có một bản sắc, nét văn hóa riêng độc đáo.

Do đó, công tác quản lý phải hòa hòa được việc đảm bảo văn minh trong lễ hội nhưng cũng phải duy trì bản sắc riêng, tính đa dạng của từng lễ hội. Nếu đánh mất bản sắc của lễ hội là công tác quản lý thất bại. Hành chính hóa việc quản lý lễ hội, các lễ hội dần dần sẽ diễn ra theo cùng một kịch bản, nghĩa là đã đánh mất đi bản sắc văn hóa của người Việt Nam trong thực hành lễ hội…

Chú thích ảnh
Nghi thức trước khi gội đầu tại lễ hội gội đầu truyền thống huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ, ngành Văn hóa luôn đảm bảo để công tác quản lý, tổ chức lễ hội giữ được những nét văn hóa truyền thống. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn khuyến cao các địa phương không vì muốn tạo ra một thương hiệu gì đó để thu hút khách mà làm sai lệch, biến tướng các giá trị văn hóa, nhân văn trong hoạt động lễ hội, đặc biệt trong quản lý, tổ chức phục dựng; tổ chức các lễ hội truyền thống theo đúng bản chất; kiên quyết không cho phép tổ chức các lễ hội có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Bộ tích cực hợp tác với các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu, từ đó có những đề xuất, kiến nghị, hướng xử lý, thay đổi phương thức với một số nghi thức không còn phù hợp với điều kiện ngày nay như là chém lợn ở Ném Thượng, đập đầu trâu ở Yên Bái… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn tiếp tục hợp tác với các cơ quan nghiên cứu để hướng tới công tác quản lý, tổ chức lễ hội gắn với bảo tồn, phát huy, đảm bảo phong phú, đa dạng của giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam…

Mùa Lễ hội 2019 là năm đầu tiên Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội có hiệu lực, trong đó quy định rất rõ về trách nhiệm của UBND các cấp. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Các địa phương cần nâng cao vai trò trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh; đồng thời tăng cường phối hợp liên ngành và phân công trách nhiệm rõ ràng. Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Đây cũng là giải pháp quan trọng cho một mùa Lễ hội văn minh, an toàn.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc nêu rõ: Thực tế lễ hội có tính phức tạp, việc quản lý lễ hội không thể tuyệt đối hóa, nếu muốn lễ hội diễn ra như hoạt động sự kiện có ngay ngắn, trật tự hoàn toàn là không thể làm được, nhất là khi quy mô lễ hội ngày càng mở rộng như hiện nay.

Thực tế kiểm tra cho thấy, các hiện tượng, hành vi như chen lấn, xô đẩy, tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, tranh giành lộc... vẫn còn tồn tại nhưng không phải là phổ biến, tràn lan như nhiều mùa lễ hội trước. Lễ hội nào có sự quản lý thống nhất của Ban Quản lý Di tích, Ban Tổ chức ở tất cả các khâu từ tổ chức, phần lễ, hội, quy hoạch hàng quán, trông giữ xe…, mọi việc thuận lợi, còn nếu có sự tham gia của nhiều đơn vị sẽ có xung đột lợi ích.

Mỗi năm đều có hàng triệu người tham gia các lễ hội đầu Xuân năm mới. Nếu công tác quản lý, tổ chức lễ hội thống nhất, đồng bộ, nhận được sự ủng hộ của đông đảo người tham gia lễ hội sẽ tránh được nhiều hành vi không đẹp mắt trong lễ hội và quan trọng là các giá trị thực sự của lễ hội được tôn vinh đúng mực.

 

Thanh Giang (TTXVN)
Di tích văn hóa quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn - Bài 2: Phát huy tối đa giá trị di tích
Di tích văn hóa quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn - Bài 2: Phát huy tối đa giá trị di tích

Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn là một điểm đến không thể thiếu khi người dân và du khách đến với thành phố bên bờ sông Hàn. Vì vậy, Đà Nẵng đang huy động tối đa nhân lực, vật lực để bảo tồn và đặc biệt là phát huy tối đa giá trị di tích quan trọng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN