Theo phóng viên TTXVN tại Cuba ngày 5/5, trong bài báo, tác giả Moisés Pérez Mok, Trưởng Cơ quan thường trú của Prensa Latina tại Hà Nội, cho biết Báo cáo Quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) bao gồm những tiến bộ không thể phủ nhận Việt Nam đạt được nhờ thực hiện nhất quán chính sách thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cho tất cả người.
Nhà báo Moisés Pérez Mok chỉ rõ Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV trình bày tổng thể việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam trên tất cả lĩnh vực kể từ lần rà soát trước và Việt Nam cũng rà soát một cách toàn diện việc thực hiện những kiến nghị chấp thuận tại chu kỳ III của UPR năm 2019 tính đến tháng 1/2024. Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (chiếm 86,7%); thực hiện một phần là 30 khuyến nghị (chiếm 12,4%) và còn hai khuyến nghị đang xem xét thực hiện vào một thời điểm phù hợp.
Báo cáo do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trình bày mới đây tại Hà Nội nhấn mạnh rằng Việt Nam hiện đã tham gia 7 trong số 9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người và đảm bảo tuân thủ các điều ước đó thông qua các khuôn khổ pháp lý và chính trị được đồng bộ hóa tốt, mang lại kết quả toàn diện. Từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua 44 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Báo cáo cũng cung cấp thông tin chi tiết về những đảm bảo của quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, cũng như quyền tiếp cận thông tin. Sau 26 năm kết nối Internet, Việt Nam đã có hệ thống công nghệ viễn thông hiện đại với độ phổ cập cao. Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có 78 triệu người sử dụng Internet, tăng 21% so với số thuê bao năm 2019. Số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu thuê bao, tăng 38%. Hiện có khoảng 72.000 hội hoạt động ở Việt Nam thường xuyên, tích cực tham gia đóng góp vào xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước.
Nhà báo kỳ cựu của Prensa Latina dẫn báo cáo nêu rõ Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, cũng như quyền được lập hội, vốn là các quyền được thiết lập kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 và được nêu rõ trong Hiến pháp 2013. Cả nước Việt Nam có tới 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau hoạt động, với 26,7 triệu tín đồ, gần 60.000 chức sắc và 30.000 nơi thờ tự, cũng như một số lượng lớn các ấn phẩm tôn giáo.
Bài viết cũng nêu bật nhiều dẫn chứng cho thấy những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc và bảo vệ trẻ em cũng như trong cuộc chiến chống nghèo đa chiều và bảo về quyền của người khuyết tật.
Tác giả Pérez Mok bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu của Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong sự nghiệp phát triển xã hội và đảm bảo các quyền con người. Với quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng đều đặn, đạt khoảng 430 tỷ USD năm 2023, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đứng thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng khoảng 58 lần, đạt khoảng 4.300 USD, và Việt Nam đã rời khỏi nhóm các nước thu nhập thấp kể từ năm 2008. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao (khoảng 7.500 USD bình quân đầu người).
Theo ông Pérez Mok, từ một đất nước thường xuyên thiếu lương thực, ngày nay Việt Nam không chỉ đảm bảo được an ninh lương thực mà còn trở thành quốc gia xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông sản khác hàng đầu.
Trong gần 4 thập kỷ Đổi Mới, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm trung bình khoảng 1,5% mỗi năm, số bác sĩ và giường bệnh trên mỗi 10.000 dân lần lượt là 12,5 và 32, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc và tự nguyện đạt 93,35%, tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023. Mặc dù chưa có điều kiện đảm bảo giáo dục miễn phí ở mọi cấp độ, Việt Nam vẫn tập trung xóa mù chữ và hiện nay 99% người trưởng thành biết đọc, biết viết.
Chính LHQ cũng công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Năm 2022, Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam là 0,726, thuộc nhóm các nước có HDI cao trên thế giới, đặc biệt so với các nước có trình độ phát triển cao hơn.
Prensa Latina dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam không từ bỏ nỗ lực xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có nền kinh tế phát triển cao; nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.