Trả lời 100% kiến nghị
Báo cáo cho biết, tại Kỳ họp thứ 11, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp nhận 132 kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến. Văn phòng Chính phủ đã rà soát, tổng hợp các kiến nghị cùng nội dung thành 123 kiến nghị và đã giao cho 20 bộ, cơ quan xem xét, giải quyết và trả lời cử tri. Tuy nhiên, một số câu hỏi nhiều nội dung được các bộ, cơ quan tách ra thành các văn bản để trả lời riêng theo từng lĩnh vực nên số liệu tổng hợp theo phản hồi của các bộ, cơ quan là 127 kiến nghị.
Qua theo dõi phản ánh, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo sâu sắc, toàn diện, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng trong việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bên cạnh đó, cử tri cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng liên quan đến các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, tập trung vào 14 nhóm vấn đề về kế hoạch, tài chính; sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; giao thông vận tải, xây dựng; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; công tác xây dựng và thực thi các quy định của pháp luật; tổ chức bộ máy nhà nước và cải cách hành chính, tiền lương; lao động, việc làm; y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm; khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo; văn hóa, thông tin và truyền thông; công tác dân tộc; thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng lãng phí, bảo đảm an ninh trật tự, và an toàn xã hội; quốc phòng, an ninh.
Các bộ, cơ quan được phân công đã có văn bản trả lời 127/127 kiến nghị (đạt 100%). Trong đó, đã giải quyết được 5/127 kiến nghị (chiếm 3,9%); giải trình, cung cấp thông tin đối với 111/127 kiến nghị (chiếm 87,4%); trả lời đang trong quá trình nghiên cứu, giải quyết 11/127 kiến nghị (chiếm 8,7%), chủ yếu liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật hoặc đề nghị bố trí kinh phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19...
Dừng phương tiện để kiểm tra, phân loại hàng hóa, thu phí trên các tuyến đường cao tốc là không khả thi
Liên quan đến kiến nghị của cử tri tại một số địa phương về chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, Bộ Xây dựng cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến hỗ trợ về nhà ở là 80 triệu đồng/hộ (40 triệu hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương, 25 triệu vốn vay ưu đãi, còn lại là huy động từ cộng đồng). Chính sách hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg đã kết thúc vào ngày 31/12/2020, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách mới cho Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở giai đoạn 2021 - 2025.
Trong các nội dung kiến nghị, cử tri tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ (miễn hoặc giảm 50% phí sử dụng đường cao tốc) đối với hàng nông sản, thủy sản, hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trả lời nội dung này, Bộ Giao thông vận tải chia sẻ với cử tri tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông vận tải, vì mức thu cụ thể của từng dự án đường cao tốc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư quyết định theo nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp, người tham gia giao thông sử dụng dịch vụ thì phải trả tiền, mức giá phụ thuộc vào việc sử dụng dịch vụ nhiều hay ít. Mặt khác, việc dừng phương tiện để kiểm tra, phân loại hàng hóa để thu phí trên các tuyến đường cao tốc là không khả thi.
Chuyển đổi vị trí công tác đối với 4.544 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng
Về tổ chức bộ máy nhà nước và cải cách hành chính, tiền lương, cử tri đề nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường xử lý hành chính trực tuyến, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân… Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị xem xét, nghiên cứu có chính sách đối với đối tượng công an xã đã có thời gian công tác trên 20 năm, phải nghỉ việc do thực hiện Đề án đưa lực lượng công an chính quy về xã…
Cử tri cho rằng, cơ chế tiền lương của Trung ương hiện nay đã lạc hậu, chưa làm cho cán bộ, công chức tận tâm, tận lực với công việc, đề nghị có chính sách nâng lương theo lộ trình, nhất là đối với cán bộ bán chuyên trách xã/phường để tăng thêm thu nhập nhằm đảm bảo đời sống cho gia đình.
Về nội dung này, Chính phủ, Thủ tướng đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Chính phủ tập trung thúc đẩy thực hiện thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết; đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân. Tăng cường tổ chức các buổi làm việc, đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Về cải cách tiền lương, theo lộ trình tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, từ năm 2021 sẽ áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên Hội nghị Trung ương 13, khóa XII đã chỉ đạo thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2022.
Báo cáo cũng cho biết, Chính phủ tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Cà Mau về việc thực hiện quy định về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại chính quyền địa phương. Thanh tra Chính phủ cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 4.544 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.