Đại tướng của nhân dân

LTS: Ngày 25/8 tới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ tròn 100 tuổi (tính theo tuổi âm lịch là 101). Người thanh niên quê Lệ Thủy - Quảng Bình ngày nào, qua một hành trình dài - từ một nhà giáo, nhà báo, nhà sử học, nhà hoạt động cách mạng, không qua trường lớp quân sự nào, bằng con đường tự học và trải nghiệm thông qua thực tiễn hoạt động và chiến đấu - đã trở thành một vị tướng kiệt xuất; một nhà chiến lược mưu trí sáng tạo; một vị Tổng Tư lệnh văn võ song toàn.

Trong cuộc đời hơn 80 năm hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng là người có cơ duyên được làm việc gần 30 năm bên cạnh Bác Hồ, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, trở thành một người học trò xuất sắc, gần gũi và trung thành nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng trong cuộc đời hơn 80 năm hoạt động cách mạng ấy, nhân cách, những phẩm chất cao đẹp của Đại tướng đã tỏa sáng, khiến những người bên cạnh ông đều cảm phục và đều "bị chinh phục".

Nhân kỷ niệm sinh nhật Đại tướng, báo Tin Tức trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tá Trịnh Nguyên Huân - trợ lý của Đại tướng, người đã ở bên Đại tướng trong suốt 35 năm qua, người đã hơn ai hết, luôn coi Đại tướng là tấm gương cho mình học tập...


Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ tịch trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN

Hơn 35 năm được vinh dự trực tiếp giúp việc với cương vị trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi luôn giữ mãi hình ảnh và những ấn tượng sâu sắc trong lần đầu tiên được gặp mặt Đại tướng, ấn tượng về một tình cảm rất gần gũi, thân quen. Giống như các thế hệ trợ lý trước đây, chúng tôi gọi Đại tướng là "Anh Văn" một cách thân thiết. Những năm tháng làm việc bên cạnh Đại tướng, chúng tôi cảm nhận được sâu sắc tình cảm thực sự của một người Thày, người Cha, người Anh rất mực nhân từ; một con người hết sức bình dị và vô cùng uyên bác; một nhân cách lớn mà sự vĩ đại bắt nguồn từ chính sự bình dị đó.

Lịch sử đôi lúc có sự trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ!

Năm 1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cũng là năm anh Văn ra đời. Sinh vào ngày 25 tháng 8 năm 1911 tại làng An Xá, một làng quê nghèo thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho yêu nước, ngay từ khi còn là một học sinh 14-15 tuổi, anh đã tham gia phong trào yêu nước ở trường Quốc học Huế. Năm 1927, anh vào Đảng Tân Việt, sau đó cùng một số đồng chí trong đảng cải tổ Tân Việt thành Việt Nam Cộng sản Liên đoàn, một trong ba tổ chức hợp thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, anh Văn đã có cơ duyên được làm việc gần 30 năm bên cạnh Bác Hồ, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, trở thành một người học trò xuất sắc, gần gũi và trung thành nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh thuộc lớp các nhà cách mạng đã cùng với Bác Hồ sáng lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, anh đã được Bác Hồ và Đảng giao cho nhiệm vụ quan trọng nhất, lâu dài nhất là phụ trách hoạt động quân sự. Anh phụ trách quân sự trong giai đoạn Đảng ta đẩy mạnh cuộc vận động cách mạng, tiến hành cuộc vũ trang khởi nghĩa và cuộc chiến tranh vĩ đại 30 năm giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, nhiệm vụ mà anh được trao hết sức quan trọng, hết sức nặng nề.

Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và của Đảng, anh đã có công đầu trong việc thành lập Quân đội, xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ một đội quân chủ lực đầu tiên với 34 chiến sĩ, vũ khí trang bị thô sơ từng bước trở thành một quân đội chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại và hùng mạnh. Anh đã trực tiếp chỉ huy quân đội cùng với toàn dân chiến đấu lập được nhiều chiến công oanh liệt, giành được thắng lợi vẻ vang, đánh thắng đội quân xâm lược của hai đế quốc to, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Anh là người có công đầu trong việc nghiên cứu, tổng kết, phát triển lý luận quân sự, góp phần quan trọng hoàn thành tư tưởng chiến tranh toàn dân và học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Từ một nhà giáo, nhà báo, nhà sử học, nhà hoạt động cách mạng, không qua trường lớp quân sự nào, bằng con đường tự học và trải nghiệm thông qua thực tiễn hoạt động và chiến đấu, anh đã trở thành một vị tướng kiệt xuất; một nhà chiến lược mưu trí sáng tạo; một vị Tổng Tư lệnh văn võ song toàn, là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy, liên tục 32 năm là Bí thư Tổng Quân ủy- Quân ủy Trung ương; một nhà tổ chức hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Anh được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà quân sự trên thế giới đánh giá là "một vị tướng huyền thoại", "một thống soái vĩ đại", "một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại".

Từ ngày đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng, theo sự phân công của Đảng và Nhà nước, Đại tướng đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển khoa học và giáo dục. Trong quá trình chỉ đạo công tác khoa học và giáo dục, anh Văn luôn đặt lên hàng đầu vấn đề chiến lược con người, chiến lược giáo dục và đào tạo con người; chú trọng vấn đề đổi mới tổ chức và quản lý nhằm tạo ra một môi trường thật sự dân chủ, tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài, khuyến khích tư duy độc lập và sáng tạo trong hoạt động khoa học.

Với tinh thần dân chủ, khoa học, trung thực, bình đẳng và công tâm, anh đã tập hợp và phát huy được trí tuệ và tinh thần sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học và giáo dục, hướng mọi hoạt động vào việc phục vụ có hiệu quả các mục tiêu kinh tế và xã hội. Những bài viết, bài nói của anh đầy tính trí tuệ và nhiệt tình khoa học. Những cống hiến của anh vào sự nghiệp khoa học và giáo dục đã góp phần quan trọng tạo nên những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đi lên của nền khoa học và nền giáo dục nước nhà.

Năm 1992, rời khỏi mọi cương vị lãnh đạo và chỉ đạo trong Đảng và Chính phủ, nhưng với tâm niệm suốt đời "dĩ công vi thượng" và trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, anh Văn không bao giờ tự cho phép bản thân ngừng học hỏi và làm việc. Anh tích cực tham gia công tác nghiên cứu lý luận, đặc biệt là nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Tuy tuổi cao, nhưng anh vẫn say sưa học tập, say sưa làm việc, theo dõi và cập nhật tình hình trong nước và quốc tế.

Luôn quan tâm đến tình hình phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân, anh Văn tự đặt cho mình nhiệm vụ tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn thuộc về chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những vấn đề có tầm quan trọng chiến lược về các mặt chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, văn hóa, giáo dục, khoa học và kỹ thuật... Những năm gần đây, tuổi cao sức yếu, nhưng anh vẫn trăn trở suy nghĩ về công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, vẫn hết lòng đóng góp với Đảng và Nhà nước những vấn đề mà anh cho là quan trọng.

Hạnh phúc lớn nhất của anh là được sự tin yêu, kính trọng và ủng hộ của đồng bào và chiến sĩ trong cả nước, sự kính trọng và mến phục của nguyên thủ quốc gia nhiều nước và bạn bè quốc tế. Tình cảm quý báu ấy là phần thưởng cao quý, là nguồn động viên lớn nhất giúp anh Văn vượt qua mọi khó khăn trở ngại, hoàn thành mọi nhiệm vụ được quốc dân giao phó.

Anh rời khỏi cương vị lãnh đạo đã gần 20 năm, nhưng hàng năm, tại ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, nơi anh sống và làm việc trong hơn nửa thế kỷ, vào những dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước và quân đội, ngày Tết cổ truyền, ngày sinh nhật... luôn có nhiều đoàn trong nước và quốc tế đến thăm hỏi, chúc mừng.

Tại nhà riêng, Đại tướng đã tiếp nhiều đoàn quốc tế, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia: Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro Ruz, Tổng thống nước Cộng hòa Vênêxuêla Hugo Chavev, Tổng thống Chilê - bà Michelle Bachelet, Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, Tổng thống Braxin Lula da Silva, Tổng thống Thụy Sĩ Pascal Couchepin...

Trong phòng tiếp khách của Đại tướng, đã có hàng trăm tặng phẩm, ngoài những tập thơ, những bản nhạc, những cuốn sách, các tập đĩa và băng hình, còn có nhiều bức trướng và câu đối với những lời chúc mừng trang trọng, nhiều bức ảnh ghi lại những thời khắc lịch sử quan trọng, những bức tranh sơn dầu, sơn mài, bột màu, tranh khắc đá, những bức tượng bán thân của Đại tướng được tạc trên nhiều chất liệu quý...

Nhà điêu khắc quân đội Minh Đỉnh, khi còn sống đã có lần kể lại, ông phải suy nghĩ suốt 10 năm để hình thành được bức tượng chân dung Đại tướng đầu tiên làm bằng thạch cao, rồi sau đó 12 năm cùng gia đình gom từng gam đồng nguyên chất để tạo nên bức tượng bán thân thứ 2 bằng đồng tặng Đại tướng nhân dịp sinh nhật. Nhà điêu khắc Trần Hiếu Lễ, người được giải thưởng của Quỹ hỗ trợ sáng tạo khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) đã đem tâm huyết và tài năng nghệ thuật để hoàn thành bức tượng bán thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt trên tấm bệ bằng đá cẩm thạch cao hơn 1 mét. Nhà điêu khắc Trần Tuy, dù sức khỏe yếu, đã cố hoàn thành bức tượng chân dung để tặng Đại tướng vào đúng năm kỷ niệm “100 tuổi thanh xuân”.

Bên cạnh những bức tranh ký họa chân dung để tặng Đại tướng của họa sỹ Lê Lam, họa sỹ Lê Duy Ứng - một họa sỹ thương binh khiếm thị người Quảng Bình - là bức chân dung Đại tướng cỡ lớn được làm công phu bằng gốm nung ở nhiệt độ trên 1000 độ C của các nghệ nhân làng gốm cổ Bát Tràng, Hà Nội gửi tặng...

Các bức trướng và câu đối chúc thọ Đại tướng được treo tầng tầng lớp lớp trên khắp bốn bức tường của phòng tiếp khách và phòng làm việc.
Các tướng lĩnh, sỹ quan nguyên là cán bộ học viên khóa I Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tặng bức trướng thêu dòng chữ:

“Theo Bác, vì dân, tầm vũ súy,
Thao lược, quân công sánh Lý –Trần,
Đẹp chín mươi mùa xuân thế kỷ,
Sao vàng lấp lánh nét nhân văn”.

Bức trướng của Đảng bộ và nhân dân quê hương Quảng Bình đề tặng:

“Quảng bác uyên thâm vị tướng tài,
Bình sinh nợ nước nặng hai vai,
Ghi sâu công trạng ngời trang sử,
Ơn nghĩa nhân sinh thắm đượm hoài”.

Một gia đình cách mạng ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc gửi tặng đôi câu đối:

“Văn võ song toàn lừng danh tướng,
Tâm hồn đức độ xứng hiền nhân”.

Năm 2006, đến mừng Đại tướng 95 tuổi, cán bộ chiến sỹ Đoàn 23/10 Nha Trang đã tặng bức hoành phi ghi dòng chữ:

“Xưa Bạch Đằng Giang nổi sóng,
Trần Hưng Đạo dìm giặc Nguyên – Mông, vang dội Á – Âu;
Nay Điện Biên Phủ bão lửa,
Võ Đại tướng thắng quân Pháp – Mỹ, chấn động địa cầu”.

Trên đôi lục bình trang nhã bằng sứ men xanh của Bộ Nội vụ tặng Đại tướng có ghi đôi câu đối mang ý nghĩa sâu xa:

“Tâm sáng, Đảng tin, đời trường thọ
Trí cao, Dân mến, sử lưu danh”.

Có nhà văn - chiến sỹ đã viết 1.000 kiểu chữ Thọ cổ lên một bức trướng, có cựu chiến binh đã in 100 chữ Phúc lên bình sứ tặng Đại tướng.

Ngày 25/8/2010, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước vào tuổi 100 (dương lịch) đúng vào dịp toàn thể nhân dân Việt Nam đang chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong ngày hôm đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay mặt đồng bào và chiến sỹ Thủ đô đến thăm và tặng Đại tướng “Con rồng thứ 100” trong 1000 con rồng vàng được đúc để kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi.

Đại đội Ký Con - Anh hùng lực lượng vũ trang, nghĩa quân Trần Hưng Đạo, thành phố Hải Phòng gửi tặng bức phù điêu hình trống đồng chúc thọ Đại tướng Tổng Tư lệnh bước sang tuổi 100, trên khắc những dòng chữ:

“Văn nhân lừng tiếng khắp năm châu
Võ tướng uy danh chấn địa cầu,
Thống nhất sơn hà ngôi tứ trụ
Vẹn nguyên khôi giáp thủa ban đầu,
Bách tuế đương thời nhà chiến lược
Thành công sứ mệnh Bác Hồ trao”.

Một tác giả khuyết danh đã ghi lại và gửi cho chúng tôi một bài “bình thơ” của một số vị lão thành cách mạng và cựu chiến binh viết về Đại tướng:

“Văn lo vận nước, Văn thành Võ
Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn
Tướng tài thao lược “tầm nguyên soái”
Nhân văn đức độ “bậc hiền nhân”.

Mười chữ vàng do giáo sư Vũ Khiêu đề từ, được thêu trên bức trướng do Viện Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh kính tặng, đã nói lên một cách súc tích công lao và đức độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

“Võ công truyền quốc sử
Văn đức quán nhân tâm”.

Chỉ còn ít ngày nữa, vào đúng ngày 25/8/2011, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ tròn 100 tuổi (dương lịch). Chúng tôi rất mừng vì Đại tướng vẫn minh mẫn, sức khỏe vẫn ổn định.

Chúng tôi tự hào vì được sống và làm việc bên cạnh anh Văn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người con anh hùng của dân tộc anh hùng, một “vị tướng của nhân dân” như đồng bào và chiến sĩ vẫn thường gọi anh, người đã mang lại niềm tự hào cho non sông đất nước, sẽ sống mãi cùng non sông, đất nước, sống mãi trong lòng dân tộc, trong lòng nhân dân ta, quân đội ta và bạn bè quốc tế.

Hà Nội ngày 6/8/2011


Đại tá Trịnh Nguyên Huân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN