Sáng 17/3, tại Nghệ An, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học "Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An".
Trong quá trình chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 90 bài tham luận. Các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đảm bảo tính khoa học, vừa khẳng định những cống hiến xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, vừa thể hiện lòng kính trọng và sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân, Bộ Quốc phòng đối với Đại tướng Chu Huy Mân. Đây cũng là những bài học quý báu, có giá trị trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, kể cả trong giai đoạn hiện nay là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Người chiến sỹ cộng sản trung kiên
Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng, Tiến sỹ Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Đại tướng Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ra tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An. Tiếp thu truyền thống của quê hương cách mạng, được lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, trưởng thành trên con đường tranh đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cuộc đời hoạt động cách mạng theo mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đại tướng Chu Huy Mân đã vượt qua nhiều gian lao, thử thách, luôn nêu cao tinh thần đấu tranh, kiên định với ý chí “Nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng” mà đồng chí đã tuyên thệ trong ngày được trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong lao tù của đế quốc, đồng chí là một đảng viên kiên trung, “biến nhà tù thành trường học cách mạng”, dũng cảm vượt ngục trở về với phong trào cách mạng, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Nam, làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, rồi Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C (gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Quảng Nam). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí trải qua các cương vị Chính ủy, Trung đoàn trưởng, Chính ủy Đại đoàn lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tham gia nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ.
Theo Tiến sỹ Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, quá trình phấn đấu, rèn luyện đã đưa người thanh niên yêu nước Chu Văn Điều trở thành nhà quân sự, chính trị tài ba, một vị tướng kiệt xuất. Với tư duy sắc bén, tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, có nhiều công lao và đóng góp to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đồng chí là tấm gương đạo đức, nhân cách của người chiến sỹ cộng sản, cống hiến hết mình vì nước, vì dân. Đại tướng cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt với quê hương Nghệ An, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà với mong muốn đưa Nghệ An thành tỉnh phát triển.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, hơn 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, trải qua nhiều cương vị và trọng trách công tác, đồng chí luôn đem hết tinh thần, nghị lực, trí tuệ của người cộng sản, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào, từ Đội phó Đội Tự vệ đỏ trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đến Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Chu Huy Mân luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; là một chiến sỹ cộng sản kiên cường, bất khuất, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết; là một nhà chính trị, quân sự song toàn, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; là tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng.
Nhiều tham luận, ý kiến phát biểu cũng khẳng định, đồng chí Chu Huy Mân là nhà chính trị xuất sắc của Đảng, cách mạng Việt Nam; người cộng sản kiên trung, mẫu mực, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trên mọi cương vị, đồng chí luôn thể hiện là người chiến sỹ cộng sản trung kiên, “một cán bộ cần mẫn, một nhà lãnh đạo tài năng, một vị tướng thao lược”, “rất quan tâm đến đạo lý sống … Lo thì lo trước mọi người, vui thì vui sau mọi người”, đúng như lời đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Suốt cuộc đời, đồng chí Chu Huy Mân đã đem hết ý chí, sức lực và trí tuệ góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc cho đến những ngày cuối đời, đồng chí vẫn suy nghĩ, lo lắng nhiều đến nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.
Vị Đại tướng tài ba
Tiến sỹ Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Chu Huy Mân gắn bó với chiến trường Khu 5, Tây Nguyên ác liệt với những trọng trách Chính ủy, Tư lệnh Mặt trận B3, Chính ủy, Tư lệnh Quân khu 5. Đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam vào thực tiễn chiến trường; coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng niềm tin, ý chí, quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược cho lực lượng vũ trang ba thứ quân, góp phần đưa “Khu 5 đi đầu diệt Mỹ”, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.
Hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với trọng trách Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Chu Huy Mân đã chủ động đề xuất nhiều vấn đề về chính trị, quân sự, quốc phòng và đối ngoại ở tầm chiến lược, nhất là vấn đề giữ vững sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, đồng chí Chu Huy Mân là một trong số ít các tướng lĩnh được thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng vào năm 1974, thăng quân hàm Đại tướng vào năm 1980.
Nói về cống hiến, đóng góp của Đại tướng Chu Huy Mân với lực lượng vũ trang Quân khu 4, trong tham luận của mình, Trung tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4 cho biết: đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu sắc và tình cảm tốt đẹp trong lòng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Quân khu 4. Thời gian công tác của đồng chí Chu Huy Mân ở Quân khu 4 không nhiều và có sự gián đoạn, nhưng với tinh thần cách mạng tiến công, tính sáng tạo, quyết đoán, đồng chí đã cùng với Thường vụ Quân khu ủy lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong những giai đoạn gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Theo Tiến sỹ Lê Đức Hoàng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương (Trường Đại học Vinh), Đại tướng Chu Huy Mân là người đặt nền móng phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên.
Quan tâm đến công tác xây dựng kinh tế trên địa bàn Tây Nguyên, đồng chí Chu Huy Mân đã không quản ngại vất vả, trực tiếp đến các đơn vị nắm bắt thực tiễn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, động viên cán bộ, chiến sỹ vượt qua khó khăn, thiếu thốn về vật chất, sự khắc nghiệt của thời tiết để hoàn thành nhiệm vụ người lính trong thời bình, hoàn thành nhiệm vụ của "đội quân lao động sản xuất".
Sự hiện diện của lực lượng quân đội đảm nhận nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng có ý nghĩa rất lớn đối với địa bàn chiến lược Tây Nguyên trong những năm sau ngày giải phóng đất nước, vừa có ý nghĩa tạo lập các nông, lâm trường, khai thác tiềm năng đất đai, tài nguyên cho sự nghiệp xây dựng đất nước, góp phần phân bố lại dân cư, đưa dân chiếm giữ các khu vực có giá trị về mặt quốc phòng, an ninh, góp phần tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn, tạo cơ sở để đưa Tây Nguyên trở thành khu vực giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng.
Thiếu tướng Nguyễn An Phong, Cục trưởng Cục chính trị, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1977 - 1986), Đại tướng đã chỉ đạo xây dựng cơ quan Tổng cục vững mạnh, phát huy tốt cơ quan tham mưu, chỉ đạo chiến lược trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.
Cụ thể, Đại tướng rất chú trọng công tác xây dựng Đảng, thường xuyên yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Cơ quan Tổng cục Chính trị phải chăm lo xây dựng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, thực sự là hạt nhân lãnh đạo, quy tụ, tập hợp và phát huy sức mạnh của mọi tổ chức, mọi lực lượng tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Đại tướng yêu cầu phải xây dựng Cơ quan Tổng cục Chính trị vững mạnh, mẫu mực về mọi mặt, trước hết phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng.
Đại tướng cũng đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ của Cơ quan Tổng cục Chính trị. Đặt ra yêu cầu Cơ quan Tổng cục Chính trị phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị trong tình hình mới.
Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định, việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, kế thừa và phát triển những di sản mà Đại tướng Chu Huy Mân để lại, trước hết là những đóng góp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong quân đội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và mang tính thời đại sâu sắc.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Quốc Anh, Phó Viện trưởng, Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng cho biết, ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân ta lại phải bước ngay vào cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Lúc này, trên những cương vị công tác của mình, đồng chí Chu Huy Mân đã có những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xây dựng thế trận phòng thủ đất nước, bảo vệ Tổ quốc, thể hiện trên một số nội dung chủ yếu, đó là xây dựng thế trận phòng thủ đất nước theo tuyến, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quan tâm xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện, xác định hậu phương là yếu tố quyết định đến thắng lợi của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; xây dựng thôn, xã (phường) thành đơn vị cơ sở quan trọng, huyện (thị) thành pháo đài quân sự vững chắc, tỉnh (thành phố) thành đơn vị hoàn chỉnh về kinh tế và quốc phòng.
Theo Đại tá Dương Quốc Anh, hiện nay tình hình thế giới và trong nước đã có những thay đổi, tuy vậy những tư tưởng về xây dựng thế trận phòng thủ đất nước, bảo vệ Tổ quốc của Đại tướng Chu Huy Mân đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam kế thừa và phát triển cho phù hợp với tình hình mới. Đó là xây dựng các tỉnh (thành phố) thành khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng quân khu vững mạnh toàn diện, hợp thành thế trận phòng thủ đất nước; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc.