Tại sự kiện này, HĐBA đã thông qua Tuyên bố chủ tịch đầu tiên về vấn đề công nghệ với gìn giữ hòa bình với sự ủng hộ rộng rãi của các nước thành viên trong HĐBA, trong đó có Việt Nam. Phóng viên TTXVN tại LHQ đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ về vấn đề này.
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, LHQ đã triển khai áp dụng công nghệ cao trong công tác gìn giữ hòa bình, trong đó việc sử dụng máy bay không người lái đã chứng tỏ sự hiệu quả rõ rệt. Ông cho biết cách đây 2 năm, lực lượng gìn giữ hòa bình ở CH Congo đã triển khai máy bay không người lái và hiện LHQ dự kiến sẽ triển khai thiết bị này ở CH Trung Phi và Mali. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang tiếp tục được thảo luận, bởi còn một số nước lo ngại vấn đề vi phạm chủ quyền, mặc dù nguyên tắc số 1 của các lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ là tôn trọng luật pháp quốc tế, mà trong đó có nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia.
Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng công nghệ không chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong việc bảo vệ dân thường, mà còn bảo vệ chính lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại các điểm nóng xung đột. Hiện nay, các lực lượng gìn giữ hòa bình đang là một trong những mục tiêu tấn công của các lực lượng khủng bố và các nhóm vũ trang bất hợp pháp sử dụng công nghệ mới, trong đó có các vật thể bay được điều khiển để mang theo vũ khí. Do đó, việc các lực lượng gìn giữ hòa bình cũng phải áp dụng công nghệ mới là điều cần thiết, thậm chí phải tân tiến hơn so với công nghệ của các lực lượng chống đối. Ngoài ra, với việc áp dụng công nghệ, lực lượng gìn giữ hòa bình có thể thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn trong hàng loạt lĩnh vực, từ thu thập thông tin, phân tích thông tin, cho tới cảnh báo sớm và hình thành chiến lược ứng phó với các điểm nóng xung đột và giải quyết hậu quả hậu xung đột.
Theo Đại sứ, tất nhiên, vấn đề còn nằm ở chỗ con người sử dụng công nghệ như thế nào và trong bối cảnh cụ thể ra sao. Giữa lý thuyết và thực tiễn vẫn có khoảng cách, nhưng xét về tiềm năng, công nghệ là một công cụ tuyệt vời để nâng cao năng lực bảo vệ dân thường và bảo vệ chính những binh sĩ gìn giữ hòa bình. Nếu biết sử dụng công nghệ tốt, tất cả các khâu trong hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như bảo vệ người dân sẽ được tiến hành bằng máy móc thay vì bằng con người mà trong điều kiện tiếp cận mang tính truyền thống sẽ không thể nào làm được. Như vậy, sẽ giảm chi phí rất nhiều, nâng cao hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng điều này còn phụ thuộc nhiều vào vấn đề chuyển giao công nghệ và bồi dưỡng, đào tạo liên tục cho lực lượng gìn giữ hòa bình và cho lực lượng hợp tác của nước nhận quân.
Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam hiện có hai nhóm cán bộ tham gia gìn giữ hòa bình, đó là sĩ quan tham mưu và các chiến sĩ làm việc ở bệnh viện dã chiến cấp II. Hiện các cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam ở cả hai lực lượng này đã làm chủ công nghệ rất tốt, sử dụng được hết các công nghệ của LHQ đang ứng dụng tại các phái bộ và bệnh viện dã chiến. Cơ quan của LHQ chuyên theo dõi lĩnh vực này đánh giá rất cao trình độ cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam trong việc nắm bắt công nghệ nhanh, áp dụng công nghệ tốt và hiệu quả, đặc biệt trong phân tích thông tin và cảnh báo sớm.