Nói về quá trình từ khi bắt đầu chiến dịch giải cứu đồng bào từ Ukraine, Đại sứ Đặng Trần Phong chia sẻ, trước ngày 3/3, mới chỉ có một số kiều bào ta tại Ukraine di tản lẻ tẻ sang Romania. Ngày từ thời điểm này, Đại sứ quán đã phối hợp với cộng đồng người Việt tại Romania tổ chức đón tiếp, bố trí chỗ ăn ở tạm thời cho bà con di tản tại các gia đình người Việt.
Ngày 3/3, sau khi nhận được tin có một nhóm người Việt đã đến một trung tâm tiếp nhận người di tản ở thủ đô Chișinău của Moldova để chuẩn bị sang Romania, Đại sứ Đặng Trần Phong cùng 2 cán bộ Đại sứ quán và một đại diện hội người Việt tại Romania đã sang Moldova gặp gỡ bà con tản cư, nắm tâm tư nguyện vọng và tổ chức đưa bà con sang Romania, trước khi đề xuất các chuyến bay giải cứu đưa bà con về Việt Nam. Đại sứ Đặng Trần Phong cho biết, tổng số đoàn di tản đầu tiền này là 190 người. Đại sứ đã trực tiếp tháo gỡ những khó khăn về mặt thủ tục và sau đó hộ tống đoàn xe di tản sang Romania. Sau khoảng 13 tiếng đồng hồ di chuyển và làm các thủ tục xuất nhập cảnh, trong đó có sự hỗ trợ tích cực của phía bạn, đoàn xe đưa người Việt di tản đã về tới thủ đô Bucharest của Romania.
Những ngày tiếp theo, Đại sứ Đặng Trần Phong cho biết lần lượt các nhóm người Việt di tản khác với số lượng khác nhau đã tới Romania. Tính tới tối 6/3 theo giờ địa phương, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đã ghi nhận hơn 800 kiều bào ta di tản từ Ukraine sang Romania. Theo Đại sứ Đặng Trần Phong, những ngày tới có thể sẽ có thêm nhiều người Việt khác tiếp tục sang Romania.
Sau khi bà con người Việt tới Romania, Đại sứ quán đã phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn trong cộng đồng người Việt tổ chức đón tiếp, bố trí phương tiện di chuyển, liên hệ chính quyền địa phương hỗ trợ nơi ở và cung cấp các xuất ăn cho người di tản. Trong thời gian này, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Romania làm việc hết công suất, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm với công việc và với cộng đồng, bố trí trực 24/24 giờ để vừa tiếp nhận các yêu cầu đón tiếp, giải quyết các giấy tờ liên quan, hỗ trợ bà con tại điểm tạm trú; vừa thu xếp, hỗ trợ thủ tục cho bà con về nước trên các chuyến bay giải cứu của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines.
Đại sứ Đặng Trần Phong cho biết, những ngày đầu tiên, số lượng người di tản còn ít nên có thể bố trí cho bà con ở tạm trong một số gia đình cộng đồng. Tuy nhiên, từ sau ngày 3/3, số lượng kiều bào sơ tán ngày càng nhiều, vượt quá khả năng hỗ trợ trực tiếp của cộng đồng người Việt tại Romania, Đại sứ quán đã phải nhờ chính quyền sở tại hỗ trợ nơi tạm trú cho kiều bào, dù phía bạn cũng đã trong tình trạng sắp quá tải do có quá nhiều người Ukraine sơ tán sang Bucharest. Đại sứ quán phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn, cử các tình nguyện viên trong cộng đồng trực 24/24 giờ tại Nhà ga trung tâm, đồng thời bố trí xe đưa đón người di tản đến các cơ sở tạm trú.
Nói về những khó khăn trong việc tiếp nhận, giải cứu người di tản, Đại sứ Đặng Trần Phong cho biết do số lượng người di tản ngày càng nhiều, số lượng công việc phải giải quyết lớn, trong khi đó nguồn lực cán bộ, nhân viên Đại sứ quán rất mỏng (Đại sứ quán tại Romania chỉ có 6 cán bộ, nhân viên), số người Việt sở tại cũng không lớn nên việc đón tiếp, bố trí nơi ăn ở và hỗ trợ một số điều kiện cần thiết cho bà con gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn tiếp theo là việc chính quyền sở tại chỉ hỗ trợ nơi ở và cung cấp thực phẩm, y tế cho người di tản trong vòng 48 giờ đầu, sau đó cơ quan đại diện phải tự lo nơi ăn ở cho người di tản. Đại sứ quán đã phải đề nghị chính quyền sở tại tạo điều kiện để công dân Việt Nam tiếp tục ở lại Romania tới khi các chuyến bay giải cứu đưa công dân ta về nước.
Ngoài ra, trong quá trình di tản, nhiều người không có đủ hoặc mất giấy tờ cá nhân, điều này gây khó khăn trong việc tiến hành các thủ tục nhập cảnh và xuất cảnh. Đại sứ quán cũng phải xem xét, đề xuất các cơ quan trong nước giải quyết, cấp lại giấy tờ cho các trường hợp này. Trong khi đó, việc lập danh sách người có nguyện vọng về nước trên các chuyến bay giải cứu cũng không dễ dàng, vì số lượng người đăng ký lớn và phải qua nhiều khâu xét duyệt. Để đề phòng một số trường hợp đã được xét duyệt nhưng lại không muốn về nước, Đại sứ quán phải lập danh sách dự phòng để không bỏ phí dù chỉ một ghế máy bay. Hiện tại, chuyến bay giải cứu đầu tiên từ Romania sẽ khởi hành trong ngày 7/3, đưa 283 người Việt sơ tán từ Ukraine về nước. Chuyến bay tiếp theo dự kiến sẽ cất cánh trong ngày 9/3.
Về sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt tại địa bàn, Đại sứ Đặng Trần Phong đánh giá rất cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn của bà con người Việt tại Romania. Đại sứ Đặng Trần Phong nói: "Cộng đồng người Việt tại Romania không lớn, chỉ có khoảng 200 gia đình với chưa đầy 1.000 nhân khẩu định cư tại đây, cùng với số sinh viên, nghiên cứu sinh và lao động người Việt đang học tập, làm việc tại địa bàn. Tuy nhiên, cộng đồng luôn đoàn kết gắn bó và đã hỗ trợ rất tích cực, hiệu quả cho đồng bào di tản cũng như cho công việc của Đại sứ quán, với tinh thần cao nhất".
Không chỉ động viên, chia sẻ về mặt tinh thần và đưa ra những chỉ dẫn tận tình nhằm giúp bà con ổn định tâm lý, các hội đoàn và mỗi cá nhân trong cộng đồng còn trực tiếp hỗ trợ về mặt vật chất cho bà con như cung cấp các xuất ăn miễn phí, cung cấp chăn, đệm và một số vật dụng cần thiết cho bà con tại nơi tạm trú. Dù rất bận rộn trong công việc hàng ngày, nhưng các thành viên trong cộng đồng đều tranh thủ tối đa thời gian, không kể sớm khuya, mệt nhọc, ai cũng hăng hái, nỗ lực hỗ trợ đồng bảo di tản. Đại sứ Đặng Trần Phong chia sẻ: "Tôi rất cảm động trước tình đồng bào của cộng đồng người Việt tại Romania. Trong khó khăn mới thấy hết tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng người Việt cũng như giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các hội đoàn và bà con cộng đồng người Việt tại Romania".
Dự báo về dòng người di tản những ngày tới, Đại sứ Đặng Trần Phong cho biết những ngày tới áp lực có thể sẽ lớn hơn vì dòng người di tản sang Romania có thể tiếp tục tăng. Nhưng Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt luôn chia sẻ những khó khăn, mất mát của bà con, và sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để có thể hỗ trợ bà con trở về quê hương một cách tốt nhất. Đại sứ cũng đề nghị bà con cần kiên nhẫn chờ các chuyến bay giải cứu, Đại sứ quán sẽ cố gắng để bà con sớm được về nước theo nguyện vọng.