Thời khắc ấy mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại, trở thành Ngày Chiến thắng chung của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, ngày đánh bại chủ nghĩa phát xít, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ II. Đó đồng thời cũng là Ngày Chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945).
Nhân dịp này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vasilevych Vnukov đã có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về ý nghĩa lịch sử và thời đại của Chiến thắng này.
Trước tiên, xin được chúc mừng ngài Đại sứ nhân Ngày Chiến thắng. Xin Đại sứ điểm lại ý nghĩa của sự kiện lịch sử này đối với nước Nga?
Ngày 9/5 là một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất đối với nhân dân Nga cũng như tất cả các nước thành viên của Liên Xô cũ, vì tham gia cuộc chiến tranh thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại này có đại diện của tất cả các dân tộc, tất cả đều hy sinh cho Chiến thắng.
Chiến tranh không bỏ qua bất kỳ một gia đình Liên Xô nào, gia đình nào cũng có người bị thương hoặc hy sinh. Cha tôi cũng là người lính Hồng quân đã chiến đấu suốt cuộc chiến, đã bị thương. Cậu ruột tôi, mà tôi vinh dự cùng tên, cũng đã ngã xuống ở vùng Pribaltich năm 1944. Chiến tranh đã gây ra những thử thách lớn nhất với đất nước chúng tôi. Và vì vậy, ngày Chiến thắng 9/5 luôn được coi là ngày lễ quan trọng nhất đối với nhân dân Nga. Tôi may mắn cũng sinh đúng ngày 9/5, với gia đình tôi, ngày này là hai lần ngày lễ.
Từ bài học chiến tranh, nghĩa vụ của mỗi chúng ta là không được để những đau thương mất mát đó xảy ra một lần nữa. Không được quên lãng những bài học chiến tranh, nguyên nhân gây ra chiến tranh, những thảm họa mà cuộc chiến đó gây ra cho nhân loại. Cần phải gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau những bài học trường tồn ấy.
Ngày hôm nay, toàn thế giới đang rơi vào thách thức lớn nhất kể từ thời Chiến tranh thế giới lần thứ hai là đại dịch COVID-19 và vì thế việc kỷ niệm cũng phải có một chút điều chỉnh. Tổng thống Nga đã hoãn cuộc diễu binh để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân, đặc biệt là cho các cựu chiến binh đã cao tuổi. Tuy nhiên, các hoạt động kỷ niệm vẫn diễn ra trên toàn nước Nga ở nhiều hình thức. Diễu binh không quân và pháo hoa chiến thắng tại các thành phố của Nga sẽ làm rạng rỡ tên tuổi các anh hùng vào ngày 9/5. Tổng thống V.Putin đích thân đặt hoa tại Đài Liệt sĩ vô danh tại vườn Aleksandrov trên Quảng trường Đỏ, rồi từ đây ông có lời phát biểu chúc mừng đến toàn thể nhân dân.
Còn tại Việt Nam, đã nhiều năm, chúng tôi tổ chức sự kiện “Trung đoàn bất tử”, các cựu chiến binh, thanh niên, các bạn Việt Nam cũng tham gia sự kiện này. Chúng ta cùng nhớ đến các chiến sĩ quốc tế Việt Nam đã từng sát cánh kề vai với các chiến sĩ Nga chiến đấu bảo vệ Thủ đô Moskva mùa thu năm 1941. Năm chiến sĩ Việt Nam đã được tặng thưởng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất và hai nước chúng ta sẽ cùng tri ân họ.
Năm nay, trong điều kiện đại dịch, hoạt động trang trọng này cũng được tổ chức online. Các em học sinh tại trường sứ quán sẽ tổ chức biểu diễn văn nghệ. Năm nay, chúng tôi có sáng kiến xây dựng “Vườn tưởng niệm”, cây Việt Nam sẽ được trồng trong khuôn viên Sứ quán để ghi nhớ về Chiến thắng.
75 năm đã trôi qua kể từ Ngày Chiến thắng, thế giới đã có nhiều thay đổi. Vậy vai trò và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng trong thời đại ngày nay được thể hiện như thế nào, thưa Đại sứ?
Ngược lại, 75 năm là thời gian không ngắn, tương đương một đời người. Nhiều thế hệ đã lớn lên, song lịch sử là lịch sử và không thể quên đi những bài học lớn từ cuộc chiến tranh ấy. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nước Nga không bao giờ phân biệt chiến thắng của Nga với chiến thắng của nước khác. Chiến thắng này là chiến thắng chung của toàn thể nhân loại tiến bộ, của tất cả những ai đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít. Chúng tôi đánh giá cao đóng góp của châu Âu, của các nước trong cuộc đấu tranh. Và Chiến thắng này xứng đáng được kỷ niệm trên toàn thế giới.
Năm nay, nhân dịp này, Nga cũng đã đăng ký với Liên hợp quốc nghị quyết “75 năm Chiến thắng”. Việt Nam ủng hộ nghị quyết đó, như đã luôn ủng hộ quan điểm của Nga trong các vấn đề quốc tế lớn, ví dụ như cùng với hàng chục nước yêu chuộng hòa bình và công bằng khác ủng hộ nghị quyết lên án việc anh hùng hóa chủ nghĩa phát xít. Việt Nam đã luôn đứng trong hàng ngũ các quốc gia yêu chuộng hòa bình và công bằng.
Nhiều sự kiện lớn đã xảy ra trong 75 năm ấy, trong đó có việc thành lập Liên hợp quốc, trở thành tổ chức quốc tế không thể thay thế, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn nhiều cuộc chiến xảy ra, bảo vệ và củng cố hòa bình. Vì vậy, chúng ta cần tôn trọng tổ chức đó, bất chấp có nhiều ý đồ “phá hoại”, hạ thấp tiềm lực của nó. Chúng tôi vui mừng khi Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đã thể hiện được mình là thành viên rất có trách nhiệm. Hai nước chúng ta đã hợp tác rất chặt chẽ.
Cũng chính từ cái mốc 9/5/1945 chế độ thực dân bắt đầu lung lay và sụp đổ, một kỷ nguyên mới ra đời trong lịch sử nhân loại. Nếu như chủ nghĩa phát xít không bị đánh bại trên toàn thế giới, Cách mạng tháng Tám đã không thể thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không thể đọc bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ trên quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, khai sinh ra đất nước Việt Nam độc lập và tự do.
Cũng có nhiều sự kiện tích cực khác, chiến tranh Lạnh kết thúc, trật tự thế giới đa cực mới thay thế cho thế giới lưỡng cực. Các trung tâm sức mạnh mới nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và ASEAN.v.v. và làm cho thế giới chúng ta tốt đẹp hơn.
Kỷ niệm Chiến thắng phát xít là dịp để chúng ta nhớ lại cái giá mà cha ông chúng ta đã trả cho cuộc sống của hậu thế, để rồi có nghĩa vụ quý trọng cuộc sống, quý trọng những nền tảng của nó, từ đó có trách nhiệm củng cố luật pháp quốc tế trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Xóa bỏ trật tự độc tài, xây dựng hệ thống an ninh chung chính là bảo vệ hòa bình. Đó cũng là bài học chính của Chiến thắng phát xít.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!