Cựu binh Mỹ mang cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Xuân Tuất trở về quê hương

Sau hành trình từ Mỹ sang Việt Nam, ngày 5/3, cựu binh Peter Mathews cùng vợ đã đến xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - quê hương của liệt sĩ Cao Xuân Tuất, chủ nhân cuốn nhật ký mà ông Peter Mathews lưu giữ 56 năm qua để trao trả cuốn nhật ký cho gia đình liệt sĩ.

Chú thích ảnh
Cựu binh Mỹ Peter Mathews và cuốn nhật ký của Liệt sỹ Cao Xuân Tuất trước khi trao lại cho thân nhân của liệt sỹ. Ảnh: Phan Quân/TTXVN

Hành trình trở về quê hương từ nước Mỹ xa xôi của cuốn nhật ký liệt sĩ Cao Xuân Tuất đã viết nên câu chuyện nhân văn về tình cảm con người dù ở hai chiến tuyến. Sự nỗ lực khâu nối từ hai phía địa phương Hà Tĩnh và người cựu binh Mỹ Peter Mathews là minh chứng cho đường lối đối ngoại nhân dân.

Hành trình trở về quê hương của cuốn nhật ký

Ông Peter Mathews, cựu binh Mỹ gốc Hà Lan kể lại: Đó là một ngày cuối năm 1967, dưới chân đồi 724 ở Đăk Tô, thuộc chiến trường Tây Nguyên, giữa rất nhiều ba lô và thi thể của một số người lính, ông tìm thấy một cuốn sổ nhỏ của bộ đội Việt Nam có nhiều hình vẽ đẹp mắt và những dòng chữ mà ông không hiểu. Lúc này, ông Peter Mathews nhận thấy đây dường như là một cuốn nhật ký cá nhân, nên đã nhét vào túi của mình và sau đó theo ông sang nước Mỹ.

Hơn nửa thế kỷ qua, cuốn nhật ký vẫn được lưu giữ ở nhà ông Peter Mathews ở thành phố Bergenfield, bang New Jersey, Mỹ. Ông Peter Mathews vẫn luôn hy vọng, nếu có điều kiện ông sẽ trở lại Việt Nam, tìm chủ nhân cuốn sổ và trao trả nó. Câu chuyện sau đó được đăng tải trên Báo NorthJersey 27/1/2023 và thông tin được chia sẻ qua mạng internet về Việt Nam với hình ảnh cuốn sổ nhật ký và thông tin người chủ nhân tên là Cao Xuân Tuất, có địa chỉ ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Tiếp nhận thông tin, ngày 30/1/2023, ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong tỉnh và huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, rà soát, đối chiếu với danh sách các cựu chiến binh, liệt sĩ tại địa phương. Đồng thời, ông Trần Nhật Tân cũng tìm cách liên hệ với tác giả bài viết, qua đó liên hệ được với ông Peter Mathews để có thêm những hình ảnh, thông tin trong cuốn nhật ký phục vụ cho việc tìm kiếm chủ nhân của cuốn sổ.

Sau nhiều nỗ lực từ cả hai phía, những bức ảnh được ông Mathews chụp lại cuốn nhật ký gửi đến đã hé lộ thông tin, xác lập cơ sở để tìm ra chính xác chủ nhân thực sự của cuốn sổ. Trong những thông tin đó có ghi “Cao Xuân Tuất, xóm Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh”, “C - Cao Xuân Kế, M - Lê Thị Vỹ, chị - Diếu”.

Sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp trích lục hàng trăm hồ sơ các cựu chiến binh, liệt sĩ trên toàn tỉnh. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và huyện Kỳ Anh cũng cung cấp tên một liệt sĩ là Cao Văn Tuất, quê ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh. Liệt sĩ Cao Văn Tuất có bố là Cao Văn Kế (đã mất), mẹ là Lê Thị Vỹ (đã mất) và 3 người chị gái Cao Thị Diếu, Cao Thị Nồng và Cao Thị Nành (đã mất). Đến nay phần mộ liệt sĩ Cao Văn Tuất vẫn chưa được gia đình tìm thấy.

Tiếp tục xác minh hai chiều từ gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất và cựu binh Mỹ Peter Mathews, một lần nữa khẳng định chủ nhân của cuốn nhật ký là liệt sĩ Cao Văn Tuất ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Nhờ sự kết nối từ tỉnh Hà Tĩnh và được Hãng hàng không Quốc gia - Vietnam Airlines tài trợ vé máy bay khứ hồi từ Mỹ về Việt Nam, chiều 4/3, vợ chồng ông Peter Mathews đã có mặt tại tỉnh Hà Tĩnh để sáng 5/3, vào xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh trao trả cuốn nhật ký cho thân nhân liệt sĩ Cao Xuân Tuất.

Chú thích ảnh
Cựu binh Mỹ Peter Mathews trao lại cuốn cuốn nhật ký của Liệt sỹ Cao Xuân Tuất cho thân nhân liệt sỹ. Ảnh: Phan Quân/TTXVN

Những giá trị để lại

Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận, ông Hà Huy Mỳ, cháu ruột, gọi liệt sĩ Cao Xuân Tuất là cậu, thay mặt gia đình bày tỏ xúc động khi nhận được cuốn nhật ký của người thân mà gia đình mong mỏi bấy lâu. Đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ông Peter Mathews đã lưu giữ cuốn nhật ký hơn nửa thế kỷ qua; cảm ơn sự khâu nối của ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và các ngành chức năng của tỉnh đã giúp đỡ gia đình thực hiện được tâm nguyện nhận lại cuốn nhật ký của liệt sĩ.

Ông Hà Huy Mỳ cho biết: Liệt sĩ Cao Xuân Tuất sinh năm 1946 trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân. Là con trai duy nhất trong gia đình có bốn chị em, năm 1963, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Cao Xuân Tuất lên đường nhập ngũ khi chưa lập gia đình và chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Đến năm 1972, gia đình nhận được giấy báo tử là cậu đã hy sinh, không để lại kỷ vật gì. Sau khi ông bà ngoại mất thì ông Hà Huy Mỳ là cháu đã đứng ra thờ cúng liệt sĩ cho đến nay.

“Cuốn nhật ký là kỷ vật thiêng liêng còn lại của người cậu, vì lý do khách quan, gia đình không hề có di ảnh và cũng như chưa tìm được phần mộ của liệt sĩ. Gia đình sẽ lưu lại thật cẩn thận để giáo dục con cháu mai sau. Qua đây, gia đình cũng thắp thêm niềm hy vọng, sau khi nhận được cuốn nhật ký và gặp gỡ ông Peter Mathews sẽ có thêm manh mối để gia đình sớm tìm được phần mộ liệt sĩ Cao Xuân Tuất”.

Tận mắt chứng kiến cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Xuân Tuất được người cựu binh Mỹ lưu giữ cẩn thận, đó là cuốn sổ nhỏ có bìa bọc bằng nilon với 104 trang viết tay. Bên trong là những trang chép tay các bài nhạc, bài thơ về tình yêu đất nước, quê hương và khí thế sục sôi của chàng thanh niên Cao Xuân Tuất lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Những dòng chữ trong cuốn nhật ký, chàng thanh niên Cao Xuân Tuất thể hiện lập trường, tư tưởng “Đảng là mẹ hiền, tổ quốc trên hết, thanh niên anh dũng tiến lên” hay có đoạn, anh chép “Sống như những người cộng sản, làm việc đưa hết thân mình phục vụ cho cách mạng”. Anh cũng khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Trung với Đảng, hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Bên cạnh đó, là những phút trải lòng của người lính trên những chặng hành quân khi nhớ Mẹ, nhớ người yêu thương. Anh nhắn mẹ “Đêm giao thừa lòng con nhớ mẹ. Trời đã khuya, gió nhè nhẹ từng cơn….”, và không quên nhắn nhủ người Mẹ yêu thương “Mẹ ơi miền Nam sóng gió hôm nay, như ngày mai đây mây đan trời trong sáng, như hai miền với nhịp cầu Hiền Lương, mẹ con sẽ đoàn viên xóa hết buồn và thương”.

Nhắn nhủ tới người “em” trong bài thơ “Xa em”, liệt sĩ Cao Xuân Tuất viết “Trái tim tôi là một trái tim thiêng liêng của Tổ Quốc”, “Ngày mai hết chuyện chiến tranh/Bắc Nam thống nhất thì anh trở về”…

Chú thích ảnh
Cựu binh Mỹ Peter Mathews thắp hương cho Liệt sỹ Cao Xuân Tuất. Ảnh: Phan Quân/TTXVN

Ông Mathews xúc động khi trở lại Việt Nam, bày tỏ: Sau chuyến bay dài 22 tiếng đồng hồ trở lại Việt Nam, được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp đón nhiệt tình, vợ chồng ông dường như quên hết mệt mỏi. Việc trao trả lại cuốn nhật ký cho thân nhân liệt sĩ là sứ mệnh mà ông phải thực hiện vì mục đích nhân đạo”.

Ông Peter Mathews cũng cho biết, vào thời điểm nhặt được cuốn nhật ký, ông rất bất ngờ vì cuốn nhật ký có nhiều bài thơ, bài nhạc và nhiều hình ảnh đẹp đẽ được vẽ trong đó. Qua đó, ông nhận thấy được tinh thần lạc quan của người lính Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt. Cuốn nhật ký có ảnh hưởng rất sâu sắc đối với ông, cuốn nhật ký sau khi được ông giới thiệu cho bạn bè của ông ở Mỹ xem đã cởi bỏ những hoài nghi, thù hằn để thay vào đó là những suy nghĩ, mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và hai nước Việt Nam - Mỹ. Dành những lời chúc tốt đẹp nhất đến gia đình liệt sĩ, ông Peter Mathews mong muốn gia đình lưu giữ và gìn giữ cuốn nhật ký thật cẩn thận.

Ông Peter Mathews cũng bày tỏ, ông xem cuốn nhật ký như một phần của quãng đời ông khi ở Việt Nam, khi biết được tin ông có thể sang Việt Nam để trao trả cuốn nhật ký, ông cảm thấy lòng nhẹ nhõm khi hoàn thành được sứ mệnh của mình.

Trở lại Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ và đến với mảnh đất Hà Tĩnh, ông Peter Mathews cũng bày tỏ ấn tượng rất khác đối với đất nước Việt Nam, một đất nước hòa bình và đang phát triển thịnh vượng, ấn tượng với con người Việt Nam dễ mến, hiếu khách, thân thiện.

Hoàng Ngà (TTXVN)
Tri ân liệt sĩ hy sinh ở biên giới phía Bắc
Tri ân liệt sĩ hy sinh ở biên giới phía Bắc

Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn trân trọng, ghi nhớ những hy sinh, mất mát của các lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã chiến đấu bảo vệ nền độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong cuộc chiến ở biên giới phía Bắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN