Nhân kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, báo Tin Tức trân trọng trích giới thiệu bài viết: "Tầm vóc lịch sử và hiệu ứng xã hội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945" của GS.TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương:
Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân ta đã vùng dậy, lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc và phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng do nhân dân làm chủ trong cả nước, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi cùng với Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và tuyên đọc đã khai sinh ra chế độ dân chủ cộng hòa của Việt Nam.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chế độ thực dân phong kiến bị xóa bỏ, từ đây, Tổ quốc được độc lập, dân tộc và nhân dân ta được hưởng quyền tự do, hạnh phúc.
Ngót một thế kỷ với ách thống trị tàn bạo của đế quốc thực dân, nhân dân ta sống trong cảnh bị đọa đầy, đau khổ, bị chìm đắm trong những đêm dài tăm tối... đã chấm dứt.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thực sự là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại làm thay đổi số phận của cả một dân tộc, đưa dân tộc ta từ thân phận nô lệ tới tự do và làm chủ. Giải phóng để phát triển, giải phóng dân tộc để phát triển dân tộc, mở ra những tiền đề và điều kiện để dân tộc ta chẳng những hồi sinh mà còn vững bước đi tới tương lai, trên con đường lớn của lịch sử Độc lập - Tự do và Hạnh phúc.
Là một cuộc cách mạng kiểu mới và điển hình trong một xã hội thuộc địa thực dân nửa phong kiến, Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 của Việt Nam được cổ vũ và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga, năm 1917 và thời đại mới do chính cuộc cách mạng đó sinh thành. Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng chống đế quốc thực dân và phong kiến, đập tan mọi xích xiềng nô lệ, khẳng định những quyền cơ bản thiêng liêng của con người - quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Cách mạng đã thực hiện những quyền đó trên nền tảng của quyền tự quyết dân tộc, độc lập chủ quyền của dân tộc là cơ sở để thực hiện các quyền tự do, dân sinh và dân chủ của con người.
Tuyên ngôn Độc lập trở thành một văn kiện chính trị - pháp lý và thấm nhuần sâu sắc các giá trị nhân văn của thời đại mới đề cao dân chủ và tự do, công bằng và bình đẳng xã hội. Với con người - đó là quyền được tồn tại thực sự xứng đáng với những con người tự do, quyền được phát triển như một chủ thể nhân cách sáng tạo, ở đó, phẩm giá làm người được tôn trọng và những đè nén, áp bức, bất công làm nhục con người, thống trị dân tộc trong tình cảnh nô lệ bị xóa bỏ. Đi vào lịch sử và sống mãi với thời gian, Tuyên ngôn Độc lập gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, với ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bản Tuyên ngôn ấy thực sự là Tuyên ngôn Lập quốc, Tuyên ngôn Dựng nước của dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại. Nó kế thừa truyền thống anh hùng, bất khuất của ông cha ta qua mọi triều đại, nó tiếp nối và phát triển sức sống mãnh liệt, giá trị và bản sắc văn hóa cũng như bản lĩnh chính trị của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước để làm thăng hoa trí tuệ và tâm hồn Việt Nam, chân lý và đạo lý Việt Nam trong kỷ nguyên độc lập tự do, trong thời đại mới mang tên Thời đại Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tuyên ngôn Độc lập mang tinh thần Cách mạng triệt để, thấm đượm một triết lý phát triển đồng thời là thông điệp phát triển của Việt Nam trong thời đại mới. Đó là một áng thiên cổ hùng văn tiếp nối liền mạch với các áng thiên cổ hùng văn trước đó của ông cha ta với những âm hưởng hào sảng của Lý Thường Kiệt, dũng khí mãnh liệt của Trần Quốc Tuấn, trí tuệ và nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, trù tính định liệu việc lớn để an dân trị quốc của Nguyễn Huệ - Quang Trung.
Cách mạng Tháng Tám đã dẫn tới Tuyên ngôn Độc lập và Tuyên ngôn Độc lập đã tổng kết và nâng cao tầm vóc của cuộc Cách mạng vĩ đại này, không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn có vị trí và ý nghĩa xứng đáng trong lịch sử chính trị thế giới hiện đại. Lịch sử càng lùi xa, những tư tưởng, giá trị và những bài học kinh nghiệm của các cuộc cách mạng chân chính do sức mạnh đoàn kết và sáng tạo của nhân dân làm nên càng trở nên sâu sắc và sống động.
Nhớ lại hơn 80 năm về trước, khi Đảng còn chưa ra đời, cách mạng còn đang ấp ủ những mầm mống sinh thành, trong tác phẩm nổi tiếng “Đường Cách Mệnh” (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết: Cách mệnh là phá cái cũ lỗi thời, lạc hậu đổi ra cái mới tiến bộ, phát triển.
Người còn nói rõ, muốn làm cách mệnh xã hội, trước hết phải cách mệnh chính bản thân mình đã.
Bởi thế, muốn cho cách mệnh thắng lợi và đến nơi (tức là triệt để) thì Đảng cách mệnh, người cách mệnh phải có chủ nghĩa làm cốt, phải giữ chủ nghĩa cho vững và phải ít lòng tham muốn (ham muốn) về vật chất.
Trong hình thức dung dị của ngôn từ, đây thực sự là những quan niệm, những định nghĩa kinh điển về cách mạng và nhân cách của người cách mạng.
Với tư cách là tư tưởng, đây thực sự là những tư tưởng lớn, những dự cảm sâu sắc, ở tầm chiến lược, được vạch ra bởi một thiên tài - kết tinh sâu sắc và tốt đẹp nhất những tinh hoa của dân tộc và thời đại. Thiên tài ấy là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Thế kỷ XX - một thế kỷ anh hùng và bi tráng, thế kỷ đã sản sinh ra những cuộc cách mạng điển hình, mở đầu bằng Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, tiếp nối bởi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam, Cách mạng 1949 của Trung Quốc cũng như Cách mạng Cuba những năm 60 và những cuộc cách mạng khác...