Cử tri bày tỏ ý kiến về những vấn đề 'nóng' đang được Quốc hội thảo luận

Theo dõi buổi thảo luận sáng 31/5, cử tri đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2018, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019; bên cạnh đó cũng nêu nhiều ý kiến về những vấn đề đang được quan tâm hiện nay.

Kinh tế, xã hội phát triển chưa thật sự bền vững

Về tình hình kinh tế, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nhận định: Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế đất nước có nhiều bước tiến vững chắc, tuy nhiên, vẫn còn những yếu tố đáng lo lắng.

Chú thích ảnh
 Ý kiến của Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Trong đó, mặc dù thu ngân sách tăng nhưng nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh lại giảm, điều này chứng tỏ sản xuất kinh doanh còn gặp khó. Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 1 triệu doanh nghiệp là không thể đạt được. Bởi trên thực tế, nếu số doanh nghiệp phục hồi và đăng ký mới được 10 đơn vị, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh cũng đến hơn 5 đơn vị.

Theo cử tri Phạm Ngọc Hưng, với việc gia nhập rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP có hiệu lực, cũng như bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nền kinh tế nước ta đã chịu tác động rất lớn. Dù đã nhận định được những thời cơ cũng như thách thức đặt ra, nhưng ở góc độ quản lý Nhà nước lại chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trước những tác động này. Mặt khác, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, việc bảo vệ, bảo hộ sáng kiến, ý tưởng kinh doanh chưa được chặt chẽ; giấy phép con vẫn còn tràn lan. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm rất lớn trong chỉ đạo cắt giảm giấy phép con, các bộ, ngành có giảm nhưng không đáng kể. Hiện cũng chưa có bộ phận kiểm soát việc cắt giảm giấy phép con. 

Nhiều cử tri của tỉnh Phú Thọ cho rằng tình hình kinh tế, xã hội phát triển còn chưa thật sự bền vững, thu ngân sách còn phụ thuộc vào các nguồn thu ngắn hạn. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng đăng ký kinh doanh, hoạt động hoặc giải thể tăng cao. Việc rà soát, loại bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cải cách môi trường kinh doanh chưa thực chất.

Cử tri Phạm Gia Lý, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Licogi 14, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Phú Thọ cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, cùng với các địa phương trong cả nước, tỉnh Phú Thọ cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, trong đó chú trọng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, nhất là ở những khâu, công đoạn còn rườm rà, phức tạp làm mất thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp; từng bước hệ thống hóa các thể chế, cơ chế chính sách quản lý; triển khai quy trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin...

Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm, tư cách đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác “một cửa”, sẵn sàng thay thế cán bộ trong quá trình làm việc bị người dân, doanh nghiệp phàn nàn nhiều; rà soát những văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Theo ông Phạm Gia Lý, tỉnh Phú Thợ cần tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, các huyện, thành, thị; quy hoạch các ngành, lĩnh vực, tạo quỹ đất thu hút dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực. Các thủ tục phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong hoạt động đầu tư kinh doanh, giảm tối đa chi phí về thời gian và tài chính cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Để tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho rằng, trong quản lý Nhà nước cần thay đổi theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thay vì chỉ đơn thuần là quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, hoàn chỉnh và đồng bộ hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân; tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp và người dân tiếp cận dễ dàng, đơn giản, minh bạch. Không chỉ dừng lại ở việc liên tục cập nhật, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm phù hợp với tình hình thực tế, mà cần chú trọng tới việc triển khai các chính sách đó như thế nào. Vì vậy, điều quan trọng là phải nâng cao năng lực, kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm của cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị. Mặt khác, cần có giải pháp đảm bảo an toàn, trật tự xã hội để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh; tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, từ tiếp cận vốn, đất đai, giải quyết thủ tục…

Đối với thu hút đầu tư từ nước ngoài, Luật sư Phạm Ngọc Hưng cho rằng cần có chọn lọc. Cụ thể là: có các chính sách khuyến khích ưu tiên các ngành ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao, sử dụng lao động chất lượng cao, tạo ra giá trị lớn cần có các điều kiện quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường…

Nhiều vấn đề “nóng” được quan tâm

Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, cử tri Nguyễn Thị Nhĩ (trú tại Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho rằng, trong thời gian qua tại một số địa phương phía Bắc đã xảy ra tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia và cơ quan chức năng đã khởi tố một số đối tượng. Đến nay, thời gian diễn ra đã lâu nhưng việc xử lý rốt ráo vẫn chưa được thông tin rộng rãi đến đông đảo người dân. Người dân mong muốn đại biểu Quốc hội cần tích cực giám sát và đề nghị các cơ quan chức năng sớm đưa ra kết luận rõ ràng để tạo sự đồng thuận.

Cử tri Phạm Văn Căn, Chánh Văn phòng sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Văn Man (tỉnh Quảng Bình) về việc kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quyết sách đối với các thí sinh bị loại oan do những thí sinh được nâng điểm trong Kỳ thi Trung học Phổ thông 2018. Theo ông Căn, đáng lẽ những thí sinh đó đã đậu và vào học đại học từ năm 2018, nhưng vì tiêu cực trong giáo dục mà các em chịu thiệt thòi trong gần 1 năm qua. Ông Căn bày tỏ quan điểm phải có hướng giải quyết để các thí sinh trên trúng tuyển đại học như điểm thực nhằm giảm bớt bức xúc và lấy lại niềm tin của nhân dân.

Trên cơ sở thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm đầu năm 2019, cử tri Nguyễn Văn Tiến (trú Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) bày tỏ nhất trí với cách điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, cử tri Tiến cho rằng, một số ngành, lĩnh vực đang có sự không minh bạch đối với người dân. Đó là việc tăng giá điện trong thời gian qua đã gây phản ứng mạnh mẽ trông đông đảo nhân dân. Tập đoàn Điện lực, cũng như cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã không tích cực tuyên truyền, giải thích rõ ràng cho người dân hiểu những mức tăng lũy kế mà chỉ gộp chung vào một mức. Chính vì thông tin không rõ ràng, thuyết phục nên người dân bất bình khi cơ quan chức năng của Bộ Công Thương vào kiểm tra và kết luận là đúng quy trình.

Theo cử tri Nguyễn Văn Tiến, nếu một đơn vị thanh tra, kiểm toán độc lập vào thanh tra, kiểm toán khách quan và đưa ra thông số một cách minh bạch, việc tăng giá điện với mức được công bố là hơn 8% có lý do để chấp nhận. Cử tri Nguyễn Văn Tiến kiến nghị, Chính phủ cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc minh bạch giá cả các loại hàng hóa, nhất là các mặt hàng liên quan có tính quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân; đồng thời, có chế tài, biện pháp đủ mạnh để xử lý khi phát hiện ra sai phạm.

Về các vấn đề lấn chiếm đất rừng, chủ rừng chi sai trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại một số địa phương mà các đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận trong kỳ họp sáng 31/5, cử tri Nguyễn Văn Thông, cán bộ hưu trí tại thành phố Pleiku cho rằng: Tỉnh Gia Lai cũng còn tồn tại những bất cập trên và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra các đơn vị quản lý, chủ rừng trong việc quản lý nguồn thu chi kinh phí bảo vệ rừng trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Quan tâm đến vấn đề chất lượng nguồn nhân lực,  Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Văn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Phú Thọ cần triển khai hiệu quả phương án sắp xếp đội ngũ cán, bộ giáo viên ngành giáo dục; rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và quy mô giáo dục của từng địa phương; tăng cường lồng ghép, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho trường học, chú trọng công tác xã hội hóa, phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cần đẩy mạnh giao quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường hợp tác liên thông chương trình đào tạo với các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp trong nước và quốc tế; mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học; mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, liên kết đào tạo...

Chú thích ảnh
Thạc sĩ Lê Hồng Việt, Trưởng Ban Tuyển sinh, Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Cao đẳng quốc tế Kent. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Ở góc độ đơn vị đào tạo, Thạc sĩ Lê Hồng Việt, Trưởng Ban Tuyển sinh, Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Cao đẳng quốc tế Kent chia sẻ: Qua đánh giá từ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho thấy, điểm yếu của nhân lực Việt Nam chính là kỹ năng, thái độ làm việc và ngoại ngữ. Để cải thiện vấn đề này, cần có những điều chỉnh đồng bộ, hoàn thiện hệ thống chính sách về đào tạo nghề và sử dụng lao động có tay nghề; tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo. Cùng với đó, cần cải thiện, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục kỹ năng cho học sinh ngay từ bậc học phổ thông, đặc biệt cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên.

Nghiên cứu về nhân lực và thị trường lao động, cử tri Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế nhận định: Quá trình hội nhập kinh tế và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, cần chú trọng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Về giải pháp căn cơ, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần điều chỉnh các chính sách về đào tạo, nâng cao kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với sự biến đổi của công nghệ và phát triển của cách mạng công nghiệp mới; Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống an sinh xã hội với những trụ đỡ về việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội.

Cử tri Trần Anh Tuấn đề xuất một số tiêu chuẩn cần được nghiên cứu sâu hình thành bộ tiêu chí chất lượng lao động qua đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp, gồm: Năng lực thực hành; kỹ năng mềm; năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Nhóm PV TTXVN
Thông cáo số 9 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Thông cáo số 9 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Ngày 30/5/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 9 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN