Ngày 3/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với sự tham dự của đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tổ chức nhân dân của Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.
Các đại biểu dự Hội thảo đã lắng nghe các chuyên gia đến từ Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) trình bày về các nội dung chính của Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/10/2018 và nộp lên Hội đồng Nhân quyền ngày 22/10/2018, cũng như sự chuẩn bị của Việt Nam cho Phiên trình bày và đối thoại về Báo cáo nêu trên tại Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào tháng 1/2019 sắp tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Hoàng Giang, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao cho biết: Báo cáo UPR chu kỳ III đã được xây dựng một cách công phu, với sự tham gia rất tích cực của 18 bộ, ngành, cơ quan có liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về tiến trình UPR.
Về phía Liên hợp quốc, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã hoàn thành Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc triển khai hiệu quả các khuyến nghị nhận được tại Phiên đối thoại tháng 1/2019 sắp tới, khẳng định UNDP sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để triển khai những khuyến nghị này, qua đó góp phần bảo đảm và thúc đẩy ngày càng tốt hơn các quyền con người ở Việt Nam.
Theo hướng dẫn của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III tập trung làm rõ kết quả thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ II (tháng 6/2014) và những bước phát triển mới trên thực tế về thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam.
Báo cáo đã chỉ rõ Việt Nam đã thực hiện được 175 khuyến nghị trong tổng số 182 khuyến nghị đã chấp thuận tại chu kỳ II (chiếm 96,2%). Việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã có những tác động tích cực đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về quyền con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy hợp tác, đối thoại ở cấp khu vực và quốc tế về vấn đề quyền con người.
Kể từ lần rà soát UPR trước (năm 2014), những thành tựu phát triển của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, trong đó có việc hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và đang bước đầu đạt kết quả khả quan trong triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG); thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, trong đó thu nhập của hộ nghèo tăng từ 15-20%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống 7,69% năm 2017. Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, với trên 50 triệu người dùng internet.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng nêu ra những thách thức, tồn tại về khuôn khổ pháp lý, nguồn lực và chính sách nhằm thúc đẩy và bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam, nhất là đối với các nhóm yếu thế trong xã hội, đồng thời đề xuất các hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới nhằm đảm bảo sự thụ hưởng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của mỗi người dân.
Cơ chế UPR được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc do được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt quốc gia lớn, nhỏ. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng cơ chế UPR và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận.