Ông là Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, người đã góp phần làm nên Chiến thắng Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào khi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 Sư đoàn 320.
Trời miền Trung xanh ngắt. Mảnh đất thiêng ở Quảng Trị đang rất đông các đoàn cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa, tri ân những người vì nước quên thân. Trước mắt người lính già, những vết tích của cuộc chiến tranh trên tuyến Đường chiến lược số 9 năm xưa, nay là Quốc lộ 9, đã không còn, những khoảng trống đã lên xanh, những nơi từng là chiến trường đã mọc lên những làng mạc, ruộng lúa, những nơi còn sót bom mìn thì cây cối cũng đã xanh tươi. Nhưng thâm tâm ông biết, dưới những lớp đất đó, còn hàng trăm liệt sỹ vẫn chưa được quy tập.
Trong 10.700 nấm mồ ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 có những người đồng đội, đồng chí của Trung tướng Khuất Duy Tiến. Họ là những người đã nằm xuống trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào sau những trận đánh ác liệt ở đồi Không tên, điểm cao 543, trong những đợt truy kích, đón đánh phản kích quân địch. Trong số đó có Tiểu đoàn trưởng Phạm Công Doanh.
Hằn sâu trong ký ức của Trung tướng Khuất Duy Tiến, sau khi quyết định đổi hướng tấn công, trưa 25/2/1971, ông ra lệnh cho hướng chủ yếu Đông Nam nổ súng tiến công. Hai xe tăng cùng bộ binh ào ào lướt tới. Đứng trên tháp xe tăng mang số hiệu 555, Tiểu đoàn trưởng Phạm Công Doanh phất cờ hiệu cho bộ binh tiến theo. Ở một số công sự bọn địch lần đầu thấy xuất hiện xe tăng “Việt Cộng” thì hốt hoảng bỏ súng tháo chạy. Quân ta nhằm đỉnh đồi xông lên. Bỗng một quả bom nổ cách xe tăng 555 đi đầu chừng hai chục mét, xe khựng lại. Phạm Công Doanh bị hất tung đi, một mảnh bom găm vào ngực anh, máu phun ra đầy áo. Mấy chiến sĩ chạy đến ôm người Tiểu đoàn trưởng quả cảm. Nhưng anh vẫn chỉ tay lên đỉnh đồi thúc giục mọi người tiếp tục tiến lên…
“Những trận quyết chiến ác liệt giữa ta với địch khi giành nhau từng điểm cao, mỏm đồi ở điểm cao 543 đã xuất hiện những gương chiến đấu quả cảm như Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh (sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng). Mặc dù bị thương, máu chảy ướt đẫm cánh tay nhưng anh vẫn động viên và tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu kiên cường bảo vệ an toàn cho vị trí chỉ huy và bảo vệ sườn cho các mũi tấn công của đội hình Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64”, người cựu chiến binh Khuất Duy Tiến nhớ lại.
Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào thắng lợi, ông Khuất Duy Tiến cũng được vinh danh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng sâu thẳm trong ông, đó là danh hiệu chung của tất cả đồng đội đã cùng ông chiến đấu, nhất là những người đã hy sinh. Nhắc tới những quyết định táo bạo trong chiến dịch này như quyết định đổi hướng tiến công chính trong trận đánh điểm cao 543 đã thay đổi cục diện trận đánh, đập tan hệ thống phòng thủ kiên cố của địch, bắt sống Đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn dù 3 của Ngụy, Trung tướng Khuất Duy Tiến lại bồi hồi nhớ những đồng đội, đồng chí đã nằm xuống 50 năm trước.
“Không một ai sinh ra để mong muốn được làm anh hùng, ai cũng mong được góp sức mình vào công cuộc thống nhất, giải phóng đất nước. Vì nhân dân, vì Tổ quốc cho dù có phải hy sinh cả tính mạng cũng sẵn sàng. Đường 9 - Nam Lào là một nơi như vậy”, ông Khuất Duy Tiến nói.
Ký ức sâu đậm về Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào trong Trung tướng Khuất Duy Tiến, đó là âm mưu thâm độc của Mỹ - Ngụy. Chúng muốn vĩnh viễn cắt đứt sự chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam; quyết “đổi màu da trên xác chết”; bảo vệ học thuyết “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chúng đã tung vào cuộc hành quân này những đơn vị "thiện chiến" và "trừ bị chiến lược", lực lượng lúc cao nhất lên tới 5,5 vạn quân với hơn 500 xe tăng và xe bọc thép, gần 300 khẩu pháo và 1.000 máy bay các loại; đồng thời còn nhận được sự hỗ trợ từ quân đội phái hữu Lào với 9 tiểu đoàn ở phía tây Đường 9.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin R Laird khẳng định rằng: “Một cuộc hành quân tiến công lớn đầu tiên của quân đội Nam Việt Nam mà không hề có bất kì sự hỗ trợ nào trên bộ của Mỹ sẽ là một bằng chứng rõ ràng về thắng lợi của “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Thế nhưng, cuộc tấn công quy mô lớn của địch đã bị đánh bại hoàn toàn bởi ý chí, tinh thần thép vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, hi sinh của quân dân Việt Nam cùng quân dân nước bạn Lào. Với lực lượng tham gia chiến dịch gồm nhiều đơn vị chủ lực mạnh, bao gồm 5 Sư đoàn bộ binh, một số đơn vị binh chủng cùng lực lượng tại chỗ của các mặt trận B4 (Quân khu Trị - Thiên), B5 (Mặt trận Đường 9 - bắc Quảng Trị), Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn). Tổng quân số gần 60.000 người. Sau gần 50 ngày đêm chiến đấu, từ ngày 8/2/1971 đến 23/3/1971, ta đã đánh cho quân đội Ngụy, lực lượng nòng cốt thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh một đòn chí mạng. Hơn hai vạn tên gồm 6 trung đoàn, lữ đoàn, 13 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh bị loại khỏi vòng chiến đấu. Ba Sư đoàn dự bị chiến lược gồm Sư đoàn dù, Sư đoàn lính thủy đánh bộ, Sư đoàn 1 bị thiệt hại nặng. Lực lượng không quân, lực lượng tăng thiết giáp Mỹ và "quân đội Sài Gòn" cũng bị tổn thất lớn…
“Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự và chính trị. Nó đánh dấu bước thất bại nghiêm trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ; chấm dứt quá trình tiến công - phản kích đánh ra vòng ngoài bằng các cuộc hành quân lớn của Mỹ - Ngụy; mở ra những triển vọng vô cùng tốt đẹp đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng”, Trung tướng Khuất Duy Tiến nói.
Có một câu chuyện là, những năm sau giải phóng, một đoàn quay phim của đài BBC (Anh) sang làm phim về Đường mòn Hồ Chí Minh, họ cũng xin quay phim Đường 9 - Nam Lào. Họ nhận xét: “Đây là một trận đánh có ý nghĩa quyết định của các ông để đẩy lùi quân Mỹ, và từ đây, bắt đầu quá trình thất bại của Mỹ. Nếu các ông không thắng trận này thì cục diện chiến tranh sẽ khác!”.
Như nhận xét của Tiến sỹ Trần Hữu Huy - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Sau 50 năm nhìn lại chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn về tầm vóc, ý nghĩa của thắng lợi lịch sử này. Đó thực sự là minh chứng góp phần khẳng định sức mạnh trí tuệ, sức mạnh đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ xâm lược, đúng như Đại tướng Văn Tiến Dũng đã khẳng định: “Ảnh hưởng của chiến dịch lịch sử này vượt xa phạm vi của bản thân nó cả về không gian và thời gian”.
Bài 3: Kiến thiết cuộc sống mới sau ngày chiến thắng