'Có vụ án lừa đảo, rửa tiền lên tới nhiều nghìn tỷ đồng'

Tại buổi thảo luận Hội trường của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) diễn ra sáng 1/11, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội (ĐBQH) Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng: Cần đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin hoặc giấy tờ giả để mở tài khoản vào diện các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật, để làm cơ sở, căn cứ pháp lý.

Chú thích ảnh
 Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Trung tướng, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Hải Trung.

Theo ĐBQH Nguyễn Hải Trung, Công an thành phố Hà Nội đang điều tra vụ án với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền, số tiền ước tính có thể lên đến nhiều nghìn tỷ đồng. Đối tượng chủ mưu, tổ chức các hoạt động phạm tội này là người nước ngoài, thuê rất nhiều người nước khác, trong đó có người Việt Nam; trụ sở, địa điểm tổ chức thực hiện hành vi phạm tội là ở nước ngoài; công cụ, phương tiện, thiết bị phạm tội cũng ở nước ngoài.

“Phương thức phạm tội rất tinh vi. Sau khi nhận tiền của người bị hại, đối tượng lừa đảo đã chia nhỏ gửi qua nhiều tài khoản, sau đó gộp vào 1 tài khoản ảo, rồi rút ra tiền mặt. Tôi đề nghị cần phải đảm bảo tính chính danh khi đăng ký mở và sử dụng tài khoản”, ĐBQH Nguyễn Hải Trung cho biết.

Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và hoạt động phòng, chống rửa tiền nói riêng của Công an thành phố Hà Nội thời gian qua, theo  Trung tướng, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung, nổi lên là hoạt động liên quan đến sử dụng thông tin, giấy tờ giả để mở tài khoản hoặc thuê người khác mở tài khoản, sau đó bán lại tài khoản cho đối tượng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Mục đích nhằm che giấu thông tin về tài sản của cá nhân, tổ chức thực sự quản lý sở hữu tài sản, gây khó khăn, tránh né công tác phát hiện của các cơ quan quản lý nhà nước. 

Chú thích ảnh
Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 1/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

ĐBQH Nguyễn Hải Trunng nêu quan điểm: Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu nhận diện xác định rõ đối tượng tự quản lý, sử dụng tài khoản sẽ góp phần triệt tiêu được việc giả mạo thông tin tài khoản.

Do vậy, cần có cơ chế phối hợp đối chiếu thông tin chủ tài khoản ngân hàng, tài khoản trên nền tảng trung gian thanh toán, thậm chí nên đăng ký mở tài khoản với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phòng tránh các trường hợp sử dụng tài khoản giả; tổ chức cung cấp tài khoản dịch vụ ngân hàng điện tử giao dịch điện tử phải có đầy đủ đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nhận diện và xác thực thông tin người dùng.

“Đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin hoặc giấy tờ giả để mở tài khoản vào diện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 dự thảo Luật này là để tạo cơ sở, căn cứ pháp lý, chế tài xử lý đối với hoạt động trên, từ đó tạo sự răn đe với các cá nhân và tổ chức khác. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm một điều luật quy định riêng về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác phòng, chống rửa tiền. Đồng thời cần phải có cơ chế sớm hơn, nhanh hơn để trì hoãn giao dịch phong tỏa tài khoản đối với các giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu phạm tội”, đại biểu Nguyễn Hải Trung đề xuất.

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết: Việc xác định tội phạm rửa tiền trong thực tế rất khó khăn. Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính mỗi năm có khoảng 300 - 500 tỷ USD thu được từ hoạt động phạm tội rửa tiền. Ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo cung cấp, đến nay Việt Nam đã xét xử 3 vụ án với tội danh rửa tiền theo Bộ luật Hình sự (BLHS). 

“Báo cáo tổng kết cần phải đề cập rõ hơn bức tranh tổng thể hoạt động rửa tiền tại Việt Nam hiện ra sao, tiền thường được rửa dưới hình thức nào, quy mô ra sao, lĩnh vực nào là chính…? Đây là thông tin quan trọng để các ĐBQH thảo luận, xem xét, quyết định góp ý cho các quy định của dự thảo luật”, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị.

Về khái niệm rửa tiền, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu rõ: Nếu coi tội phạm rửa tiền là tội phạm hình sự, phải quy định trong BLHS, phải có nguyên tắc của pháp luật hình sự; không quy định trong BLHS thì không phải là tội phạm hình sự. Do đó đại biểu cho rằng cần thiết kế lại vấn đề này để tránh gây hiểu lầm.

Đối với định nghĩa về tài sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, trong thời đại công nghệ hiện nay, quy định như trong dự thảo luật vẫn thiếu, chưa đầy đủ. Theo đại biểu, hiện trong dự thảo luật chưa có khái niệm ảo, tiền ảo hoặc tài sản ảo, số hoá.. do đó cần phải quy định thêm tài sản ảo, tài sản số hoá và tài sản mã hoá, khi đó sẽ bao gồm được nhiều hình thức tiền và hình thức tài sản hiện nay đang bắt đầu sử dụng. Khái niệm và thực tiễn hiện nay rộng, nếu chỉ quy định như trong dự thảo luật sẽ không bao quát hết và sẽ khó áp dụng.

       Cảnh báo các hành vi, thủ đoạn và phương thức có dấu hiệu rủi ro cao về rửa tiền

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản số 7509 NHNN-TTGSNH cảnh báo và yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (TCTD) phòng ngừa, phát hiện các hành vi, thủ đoạn và phương thức có dấu hiệu rủi ro cao về rửa tiền.

Theo NHNN, thời gian qua cơ quan này nhận được thông tin cung cấp từ cơ quan công an về việc tiếp nhận, giải quyết nhiều tin báo tội phạm của TCTD trên địa bàn TP Hồ Chí Minh về giao dịch liên quan đến các tài khoản do đối tượng người nước ngoài mở tại hệ thống các ngân hàng Việt Nam.

Trên cơ sở kết quả tiếp nhận, giải quyết các tin báo tội phạm, cơ quan công an thông báo một số đặc điểm phổ biến nhận diện các hành vi, thủ đoạn và phương thức giao dịch có dấu hiệu rủi ro cao về rửa tiền. Về hành vi, đối tượng người nước ngoài sử dụng hộ chiếu nước ngoài, thị thực Việt Nam, địa chỉ cư trú tại Việt Nam để mở tài khoản khách hàng cá nhân, có mã tiền tệ giao dịch Việt Nam đồng (VND) tại phòng giao dịch, chi nhánh của các ngân hàng tại Việt Nam. Các tài khoản này phát sinh giao dịch tiền chuyển đến. Sau đó, các đối tượng đến liên hệ với phòng giao dịch, chi nhánh của các ngân hàng để rút hết số tiền này bằng tiền mặt (VND) một lần hoặc nhiều lần.

Về đối tượng, quá trình đăng ký mở tài khoản khách hàng cá nhân, các đối tượng sử dụng hộ chiếu nước ngoài có dấu hiệu tẩy xóa, chỉnh sửa, dán đè hình ảnh của đối tượng lên hộ chiếu; giả mạo chữ ký, con dấu của cơ quan cấp thị thực của Việt Nam. Nguồn tiền chuyển đến tài khoản của đối tượng mở tại Việt Nam có nguồn gốc từ các ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng tại Việt Nam là đơn vị trung gian trong việc giao dịch chuyển – rút tiền của các đối tượng. Nguồn tiền này có thể được các ngân hàng nước ngoài phát hiện liên quan đến tội phạm xảy ra ở nước ngoài, sau đó thông báo cho ngân hàng tại Việt Nam phong tỏa, hoàn trả hoặc được các ngân hàng tại Việt Nam thông qua các nghiệp vụ ngân hàng xét thấy có dấu hiệu liên quan đến giao dịch đáng ngờ, chủ động ngăn chặn, thông báo cho các cơ quan chức năng.
Minh Phương/Báo Tin tức
Tội phạm rửa tiền thường sử dụng những thủ đoạn nào?
Tội phạm rửa tiền thường sử dụng những thủ đoạn nào?

Tại thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) diễn ra chiều 24/10, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Minh Đức (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quôc hội cho biết: Từ thực tiễn cho thấy cơ bản có 7 thủ đoạn mà tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi rửa tiền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN