Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 chiều 5/2, trả lời báo chí về việc rà soát, đánh giá số lượng công chức, viên chức sẽ giảm sau khi tinh gọn bộ máy và nguồn hỗ trợ chế độ chính sách cho cán bộ, công chức nghỉ theo diện tinh giản, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Đây là nhiệm vụ trong chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giảm biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW.
Căn cứ Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BNV ngày 16/1/2025, trong đó hướng dẫn về cách tính hưởng chính sách, chế độ đối với người nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc. “Từ khi xây dựng dự thảo, Bộ Nội Vụ đã xin ý kiến của Ủy ban Chỉ đạo Trung ương, trực tiếp xin ý kiến của Tổng Bí thư về tác động của phương án, trong đó đảm bảo nguồn lực chi trả”, đại diện Bộ Nội vụ chia sẻ.
“Khi đánh giá tác động trong việc xây dựng chính sách, chế độ theo Nghị định số 178, trong 5 năm, dự kiến nguồn kinh phí do NSNN chi trả chính sách, chế độ đối với các trường hợp nghỉ hưu và thôi việc vẫn thấp hơn nguồn kinh phí do NSNN chi trả tiền lương và các khoản chi khác, nếu họ tiếp tục làm việc. Số tiền trợ cấp được hưởng khi nghỉ hưu, thôi việc của mỗi người sẽ khác nhau, phụ thuộc vào tiền lương tháng hiện hướng, thời gian công tác có đóng bảo hiêm xã hội và thời gian nghỉ sớm của mỗi người”, ông Vũ Đăng Minh cho biết.
Về số tiền hưởng thực tế đối với mỗi người, theo quy định tại Nghị định 178 và Thông tư 01, người nghỉ được chi trả với các mức khác nhau. Theo Bộ Nội vụ, số tiền căn cứ vào lương thực tế đang hưởng và căn cứ vào số tháng được nghỉ đến thời điểm đó; đồng thời căn cứ vào tại thời điểm nghỉ, trong khoảng thời gian 12 tháng thì kinh phí cao hơn, quá 12 tháng thì mức kinh phí thấp hơn. Vậy, số tiền hưởng phụ thuộc vào từng người căn cứ vào quy định pháp luật.
Điều 16 Nghị định 178 quy định nguồn kinh phí để chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã và lực lượng vũ trang do NSNN; đồng thời, tại Điều 21 quy định việc hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán; bố trí kinh phí đề về nguồn kinh phí thực hiện chính sách, chế độ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2025/TT-BTC ngày 24/1/2025 hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tại Nghị định 178 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Về nguồn kinh phí thực hiện, Thông tư số 07/2025/TT-BTC nêu rõ, cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn dự toán ngân sách chi thường xuyên được giao hàng năm để chi trả kinh phí bảo lưu mức lương chức vụ cũ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo Bộ Nội vụ, căn cứ Nghị định 178 và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang xây dựng tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý để làm cơ sở xác định đối tượng thực hiện chính sách theo Nghị định số 178.