Chính quyền địa phương 2 cấp: Từng bước ổn định bộ máy, vì hài lòng của người dân

Sau hơn 3 tuần vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các xã ven biển của tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực khắc phục khó khăn về nhân lực, cơ sở hạ tầng và điều kiện đặc thù vùng miền để vận hành hiệu quả bộ máy chính quyền. Với quyết tâm đổi mới, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, nhiều địa phương đã từng bước ổn định bộ máy, mang lại sự hài lòng cho người dân.

Vận hành ổn định, từng bước nâng cao hiệu quả

Chú thích ảnh
Đội hình "bình dân học vụ số" xã Bắc Bình hỗ trợ người cao tuổi và đồng bào dân tộc thiểu số làm các thủ tục hành chính. 

Xã Bắc Bình được thành lập trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Chợ Lầu, xã Phan Hiệp, xã Phan Hòa và xã Phan Rí Thành (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cũ). Toàn xã có với diện tích tự nhiên gần 149 km2 với dân số hơn 51.300 người. Đây là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là đồng bào người Chăm (chiếm 38% tổng số dân toàn xã).

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Bình cho biết: Ngay sau khi thành lập, Đảng bộ xã đã khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện các mặt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, lãnh đạo hoạt động của chính quyền. Đảng ủy xã đặc biệt chú trọng rà soát những công việc tồn đọng đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, bảo đảm tiến độ và yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, xã đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công theo đúng tiến độ, bảo đảm các thủ tục hành chính được thực hiện thông suốt, hiệu quả.

Ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Bắc Bình cho thấy, người dân đến làm thủ tục hành chính từ sáng sớm đến trưa muộn. Không khí làm việc tại trung tâm khẩn trương, nghiêm túc; cán bộ công chức tận tình, trách nhiệm. Trụ sở được sửa chữa khang trang, sạch sẽ, bố trí đầy đủ bàn ghế tiếp dân, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị và đường truyền cơ bản đáp ứng yêu cầu vận hành. Trung tâm công khai 433 thủ tục hành chính thuộc 75 lĩnh vực, niêm yết bằng mã QR liên kết trực tuyến đến Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp người dân và doanh nghiệp tra cứu thuận tiện.
 
Ngay từ sáng sớm, các thành viên Đội hình Bình dân học vụ xã Bắc Bình có mặt hỗ trợ người dân, nhất là người cao tuổi và đồng bào dân tộc thiểu số đến làm thủ tục. Các tình nguyện viên hướng dẫn đăng ký tài khoản công dân điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, hỗ trợ kê khai và hoàn thiện giấy tờ.

Chú thích ảnh
Hoạt động tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Bắc Bình (Lâm Đồng). 

Anh Đỗ Thành Luân, thành viên Đội hình Bình dân học vụ số cho biết: Mỗi ngày, Đội duy trì từ 1 đến 2 tổ tình nguyện với khoảng 6 đoàn viên thay phiên hỗ trợ người dân, đặc biệt là người cao tuổi đến làm các loại giấy tờ để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Hoạt động này không chỉ phát huy tinh thần xung kích, tiên phong của tuổi trẻ mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính.

Anh Nguyễn Thanh Khoa, thôn Hòa Thuận chia sẻ: "Hồ sơ được giải quyết rất nhanh. Công chức niềm nở, tiếp đón và hướng dẫn nhiệt tình. Đặc biệt, sự hỗ trợ tận tình của các bạn đoàn viên, thanh niên đã giúp người dân cảm thấy yên tâm, thân thiện".

Theo ông Cửu Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Bắc Bình cho biết: Thời gian đầu việc vận hành Trung tâm gặp khó khăn về phần mềm bị lỗi, thao tác của công chức chưa quen. Đến nay, Trung tâm đã hoạt động thông suốt, đảm bảo giải quyết hồ sơ, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 15/7, Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết đúng hẹn cho 241 hồ sơ, trong đó 145 hồ sơ tiếp nhận trực tiếp.

Dù đạt được những kết quả tích cực, việc vận hành chính quyền mới ở Bắc Bình vẫn còn không ít khó khăn. Một số vị trí chuyên môn chưa được bố trí đầy đủ, một số cán bộ chưa thích nghi với công việc trong khi khối lượng và yêu cầu công việc ngày càng lớn.

Bí thư Đảng ủy xã Bắc Bình Nguyễn Quốc Thắng cho biết, thời gian tới, xã tiếp tục rà soát, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức theo năng lực, sở trường, đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Trường hợp thiếu cán bộ chuyên môn cho những nhiệm vụ phức tạp, xã sẽ đề xuất tỉnh xem xét, hỗ trợ kịp thời.

Kỳ vọng đổi thay từ quyết sách sát thực tiễn

Những ngày này, khắp các thôn, xóm xã Hòa Thắng rộn ràng không khí hướng về Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Cờ Đảng, cờ Tổ quốc, pano khẩu hiệu tuyên truyền được treo trang trọng trên các tuyến đường, tạo nên diện mạo tươi mới, khẳng định tầm vóc của sự kiện chính trị quan trọng của địa phương.

Xã Hòa Thắng được thành lập trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hồng Phong và một phần xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cũ). Toàn xã có diện tích hơn 328 km², dân số gần 11.560 người. Đảng bộ xã có 20 chi, đảng bộ trực thuộc với 362 đảng viên. Đây là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời, điện gió, khai thác khoáng sản titan. Với vị trí địa lý thuận lợi, phía Đông giáp biển Đông và phía Nam nằm liền kề với trung tâm du lịch Mũi Né, Hòa Thắng có điều kiện thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, thương mại và du lịch.
 
Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thắng Nguyễn Đức Hải Tùng cho biết: Nhiệm kỳ tới, Đảng bộ và nhân dân xã sẽ dồn sức tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế. Xã đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ gắn với sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với quy hoạch; tiếp tục xây dựng tổ chức Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Cùng với đó, xã tăng cường nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, không gian mạng; khắc phục những hạn chế trong quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng.

Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hòa Thắng là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhân dân. Người dân kỳ vọng các quyết sách của Đại hội sát thực tiễn, tập trung nâng cao đời sống, phát triển hạ tầng, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị.

Ông Trần Thanh Bình, đảng viên hưu trí xã Hòa Thắng bày tỏ: “Tôi tin tưởng với sự đoàn kết, thống nhất cao của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, lãnh đạo xã sẽ sớm đưa Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống, hoàn thành các mục tiêu đề ra”.

Sau 3 tuần vận hành đơn vị hành chính mới, xã Hòa Thắng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ máy chính quyền địa phương hoạt động ổn định. Trung tâm Phục vụ hành chính công xã đã tiếp nhận và giải quyết 277 hồ sơ, không có hồ sơ trễ hẹn. Những chuyển biến tích cực đó và đang góp phần xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Bài, ảnh: Hồng Hiếu (TTXVN)
Chính quyền địa phương 2 cấp: Điều hành linh hoạt, ứng phó hiệu quả trước thiên tai
Chính quyền địa phương 2 cấp: Điều hành linh hoạt, ứng phó hiệu quả trước thiên tai

Bão số 3 trở thành một “phép thử” quan trọng, giúp đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình chính quyền 2 cấp tại các xã, phường của Hưng Yên khi đây là địa phương trực tiếp chịu ảnh hưởng của thiên tai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN