Kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2017):

‘Chiến đấu gan dạ mà khi báo cáo thì run thế...’

Người lính sau khi trở về đời thường sống một cuộc sống giản dị, gắn bó với ruộng vườn, xóm làng. Điều đáng trân quý là, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, họ vẫn giữ vững phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, giữ vững phẩm chất của người đảng viên.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quý (SN 1953) hiện ở thôn Đại Điền, xã Tân Viên, huyện An Lão, TP Hải Phòng, nguyên là pháo thủ số 1 của xe tăng 846, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn thiết giáp 203 anh hùng của Quân đoàn 2, đơn vị đánh mũi thọc sâu vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Năm nay, cựu pháo thủ Nguyễn Ngọc Quý đã 65 tuổi đời, 43 năm tuổi Đảng.


“Chưa khi nào được đứng trước hội nghị lớn thế này...”


Cùng với đồng đội, pháo thủ Nguyễn Ngọc Quý đã chiến đấu trong trận đánh lớn cuối cùng và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ông cũng đã có mặt vào đúng thời khắc lịch sử trọng đại trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, xào huyệt cùng của ngụy quyền Sài Gòn.


“Niềm hạnh phúc nhất của tôi là sáng 29/4, sau bốn ngày chiến đấu giằng co (từ 17 giờ ngày 26/4), khi được lệnh nổ súng vượt qua rừng cao su ở Căn cứ Nước Trong, Trường Sĩ quan thiết giáp lớn nhất miền Nam, phát súng đầu tiên tôi đã bắn cháy một M48. Tiếp sau lại bắn cháy một M41 và 2 GMC trong đó có 50 tên lính ngụy và nhiều mục tiêu khác”, cựu pháo thủ xe tăng 846 kể.

Cựu pháo thủ Nguyễn Ngọc Quý (thứ 4 từ trái sang) gặp lại đồng đội năm 2014.

Tại Hội nghị mừng công của Lữ đoàn thiết giáp 203 tại Tổng kho Long Bình (Đồng Nai) năm 1975, có 5 người được tặng thưởng Huân chương quân công hạng Nhất, trong đó, ông duy nhất ông Nguyễn Ngọc Quý là chiến sĩ.


Tôi hỏi ông: -Trước giờ khắc lịch sử trọng đại ấy, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Chú có suy nghĩ gì không?


Không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, cựu pháo thủ kể lại việc thủ trưởng của ông cũng đã hỏi ông tương tự như thế tại Hội nghị mừng công năm xưa:


Tại Hội nghị mừng công, tôi được ngồi cạnh trung tướng Lê Quang Hòa (sau được phong quân hàm Thượng tướng, đã mất-PV) và thiếu tướng Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn 2 (thiếu tướng Lê Linh đã mất-PV). Trung tướng Lê Quang Hòa và Chính ủy Lê Linh có hỏi tôi: -Này em Quý, sao lúc chiến đấu thì em gan dạ thế, mà lúc báo cáo thành tích thì run thế? –Báo cáo hai thủ trưởng, em tham gia cách mạng, vào bộ đội chỉ biết huấn luyện và chiến đấu, chưa khi nào được đứng trước một hội nghị rất lớn như thế này nên rất hồi hộp.


Trung tướng Lê Quang Hòa hỏi tiếp: -Lúc chiến đấu, động cơ nào mà em dũng cảm thế? Tôi trả lời: Khi em ngồi trong xe, chiến đấu mấy ngày ở Căn cứ Nước Trong, nhìn qua hệ thống kính của xe tăng ra ngoài, thấy xe của Đại đội cháy mất 5 xe, anh em bị chết cháy không còn người. Bộ binh chạy theo xe thì hy sinh nhiều quá. Điều đó đã thôi thúc em chiến đấu thật dũng cảm. Khi đánh không khi nào đóng cửa xe (nóc tháp pháo), cứ để phập phồng, để khi cần thiết quan sát rộng có thì đứng lên ghé vai hất nóc tháp pháo nhìn ra ngoài.


Sau khi giải phóng Căn cứ Nước Trong, sáng 30/4, được lệnh tấn công, xe tăng 846 vượt qua Long Bình, vượt qua cầu Sài Gòn tiến vào nội thành, mục tiêu là Dinh Độc Lập.


Trưa ngày 30/4/1975, trong đội hình của Lữ đoàn thiết giáp 203, xe tăng 846 và bốn chiến sĩ trong đó có pháo thủ số 1 Nguyễn Ngọc Quý đã có mặt tại Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn thắng lợi. Cũng vào năm 1975, ông Nguyễn Ngọc Quý vinh dự được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam.


Hạnh phúc bình dị ngày về


Sau khi giải phóng Sài Gòn, ông Nguyễn Ngọc Quý tiếp tục học văn hóa trường của Bộ Quốc phòng ba năm, rồi được cử đi học chương trình dành cho quân nhân trong quân đội có thành tích về đào tạo cán bộ cao cấp nhà nước. Sau đó học Trường Sĩ quan pháo binh ở Sơn Tây.


Tháng 6/1980, sau khi ra trường vì sức khoẻ yếu nên ông Nguyễn Ngọc Quý đã ra quân. Trở về cuộc sống đời thường, cuộc sống gia đình cũng rất khó khăn. Hai vợ chồng đều không có lương, thu nhập trông cả vào việc cấy lúa, chăn nuôi lợn gà. Nhà có 7-8 sào ruộng, vợ chồng con cái tự gieo cấy. Có lúc để có tiền cho con ăn học (vợ chồng ông sinh được bốn người con, 1 trai, 3 gái), cũng phải đi vay mượn. Nhưng ông vẫn tích cực tham gia công tác đoàn thể, liên tục đảm nhận nhiều trọng trách.


Ông là Bí thư chi bộ xã Tân Viên (huyện An Lão), đội trưởng sản xuất. Khi xã Tân Viên thành lập hợp tác xã, ông là trưởng ban định mức Hợp tác xã Tân Viên. Khi ấy, Hợp tác xã Tân Viên có 15 đội sản xuất, thực hiện tinh thần Nghị quyết 10, các xã viên đã tích cực chăn nuôi, trồng cấy lúa, chăn nuôi gia cầm. Với tinh thần hăng say lao động, năng suất tăng tăng cao so với thời kỳ bao cấp trước đó, đạt tới 250kg/sào Bắc bộ.


Năm nay, cựu pháo thủ Nguyễn Ngọc Quý đã bước sang tuổi 65, các con ông đều đã đầy đủ gia thất, vợ chồng ông cũng đã có cháu nội, cháu ngoại. Người lính lúc xung trận chỉ quyết một lòng chiến đấu, trở về đời thường vẫn giữ phong cách anh bộ đội cụ Hồ, luôn khiêm tốn, chất phác, sống cuộc sống bình dị.


Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn nên chỉ có hai trong số bốn người con của ông Quý được học hết cấp 3. Trong đó, anh con trai cả (SN 1979) sau này học tiếp lên trung cấp ngành lái tàu, nhưng khi ra trường cũng chuyển sang làm kinh doanh, đến nay đã thành lập được một công ty nhỏ ở Hải Dương, chuyên cung cấp cơm hộp và thực phẩm cho các công ty.


“Mình đã hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, xuất ngũ trở về cũng khó khăn nhưng là khó khăn chung của đất nước, nhiều người còn khó khăn hơn. Khi Tổ quốc cần thì lên đường chiến đấu, đó là nghĩa vụ của người trai. Nghĩ tới quá khứ vinh quang của mình lúc nào cũng thấy hạnh phúc. Bây giờ được gặp lại đồng đội là vui rồi”, cựu pháo thủ Nguyễn Ngọc Quý cười nói.


Xuân Phong
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN