Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: ​

Cần làm rõ hơn một số quy định về hành vi bạo lực gia đình

Tiếp tục Chương trình kỳ họp, chiều 14/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung thảo luận vào các vấn đề trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội và các vấn đề khác như: Các quy định về hành vi bạo lực gia đình; những hành vi bị nghiêm cấm; về tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; về báo tin và xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; về biện pháp tránh tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; biện pháp tránh tiếp xúc theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng; về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; về xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình và quản lý nhà nước…

Quy định rõ về một số hành vi bạo lực gia đình

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Lý Anh Thư phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu tán thành cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) chỉ ra rằng tại điểm q, Khoản 1, Điều 4 có quy định hành vi “có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ” là một trong những hành vi bạo lực gia đình là chưa hợp lý. Đại biểu phân tích, trong thực tiễn hiện nay chưa có văn bản nào của pháp luật quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình. Do đó, khó có căn cứ để xác định việc không đóng góp tài chính là một hành vi bạo lực gia đình. Đại biểu đề nghị nếu quy định về điều khoản này thì cần phải có một cơ chế, các quy định pháp luật bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng thì mới có thể thi hành trên thực tiễn.

Về điều khoản trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình, tại khoản 4, Điều 12 dự thảo Luật quy định: Người có hành vi bạo lực gia đình chủ động khắc phục hậu quả đã gây ra cho người bị bạo lực gia đình; bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Quy định này đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần xác định rõ những người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình gồm những ai, nguồn lực tài chính dùng bồi thường thiệt hại này là tài sản chung hay tài sản của riêng?

Về xử lý tin tố giác về bạo lực gia đình, Điều 28 của dự thảo Luật quy định quy trình xử lý, xác minh tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, tuy nhiên, quy định này còn nặng về thủ tục hành chính, trong khi hành vi bạo lực gia đình là những hành vi chất có tính chất manh động, người bạo lực thường không kiềm chế được cảm xúc, hành vi, nhiều trường hợp dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định ngay sau khi nhắn tin tố giác về bạo lực gia đình, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý ngay, căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ vi phạm, sắp xếp chỗ tránh nạn cho người bị bạo lực, sau đó mới tiến hành quy trình xử lý người bị bạo lực theo quy định.

Đối với biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, nhiều đại biểu cho rằng đây là việc cần tiến hành sớm, tuy nhiên, nội dung này trong dự thảo Luật còn hạn chế, chủ yếu là tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền. Các ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần chú trọng vào việc nâng cao ý thức cho người dân trong phát hiện, kịp thời ngăn chặn bạo lực gia đình, thay vì chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ như hiện nay thì cần quy định thêm chế tài cho trường hợp biết mà im lặng, không hành động, thực hiện tố giác theo quy định. Đồng thời cần quy định rõ về cách thức bảo vệ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, để họ được an toàn, tránh trường hợp bị trả thù, qua đó khuyến khích người khác tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Thị Hương phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đề nghị bổ sung chủ thể, đối tượng gây bạo lực gia đình vào khái niệm, cụ thể: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình, gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình. Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định: “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng”.

Đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng như vậy là rất phù hợp, đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ “thành viên gia đình” để áp dụng trong phạm vi luật này. Khái niệm cần làm rõ các thành viên trong gia đình có bao gồm các thành viên của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng. Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung tại Điều 3 Giải thích từ ngữ về khái niệm “người có nguy cơ bị bạo lực gia đình” nhằm giúp các cá nhân, tổ chức, cơ quan trợ giúp có thể xác định được những người có nguy cơ bị bạo lực gia đình để có cơ hội chủ động tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa bạo lực một cách tập trung và chủ động.

Bổ sung các giải pháp hỗ trợ cho đối tượng đặc thù là trẻ em

Nhiều đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành. 

Các ý kiến cho rằng, mục đích của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình. Xã hội đang mong muốn nhiều hơn là làm sao để xây dựng gia đình mới hạnh phúc, duy trì hạnh phúc gia đình đang có, hàn gắn các rạn nứt trong hôn nhân và cuối cùng mới là chữa lành các vết thương về thể xác và tinh thần của các thành viên trong gia đình đang có bạo lực trước hôn nhân đổ vỡ. 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hà phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình và bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình. Theo đại biểu, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hiện đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn với các giải pháp truyền thống hòa giải, biện pháp truyền thông hòa giải, chấm dứt bạo lực mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em trực tiếp bị bạo lực gia đình hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi bạo lực gia đình xảy ra giữa các thành viên trong gia đình. Do vậy, đại biểu đề xuất trong dự thảo Luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ.

Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, các đại biểu cho rằng, cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị bạo lực gia đình, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng Luật hiện hành chỉ mới tập trung vào các biện pháp xử lý đối tượng gây bạo lực gia đình bằng xử lý hành chính hoặc hình sự, trong khi đó, để phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực gia đình có hiệu quả, biện pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của đối tượng này chưa được chú trọng.

Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng được tư vấn về bạo lực gia đình vào khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật, thêm những người có hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính. Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 11 dự thảo Luật quy định quyền của người bị bạo lực gia đình là được lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ trong trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình.

Đồng thời đại biểu kiến nghị cân nhắc tâm lý, nguyện vọng của người bị bạo lực gia đình khi muốn được cư trú tại nhà mình nhằm tránh tạo thêm gánh nặng tâm lý cho người bị bạo lực, không nhất thiết phải tạm lánh như quy định ở điểm a, khoản 2, Điều 30 của dự thảo Luật.

Nhiều đại biểu đề nghị cần thống nhất quy định liên quan đến trẻ em và bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng. Hiện nay nhiều câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau, đây cũng là bạo lực và nhiều ý kiến cho rằng, hình thức bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình.

Đỗ Bình (TTXVN)
Quốc hội thúc đẩy hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Quốc hội thúc đẩy hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 14/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN