Ký ức không quên
45 năm đã trôi qua kể từ khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, nhưng những câu chuyện giản dị về cuộc sống và chiến đấu của những nữ TNXP trên tuyến đường Trường Sơn vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức những người lính, những cô gái mở đường. Nhắc lại về những năm tháng ấy, các cô gái TNXP năm xưa, nay đã lên chức bà nội, bà ngoại vẫn nhớ như in về một thời khói lửa, đạn bom ác liệt, sự sống và những mất mát hy sinh vẫn ẩn sâu trong trái tim dung dị, chứa đựng nỗi niềm của bao cô gái nơi chiến trường huyền thoại.
Nhớ lại những năm tháng hào hùng ấy, bà Ngô Thị Nguyệt, nguyên chiến sĩ thuộc Trung đoàn 6 công binh, Sư đoàn 473 - Trường Sơn xúc động: “Tôi vẫn nhớ mùa hè năm 1973, ngày mà tôi vừa tròn 18 tuổi, cái thời có mái tóc dài, đen mượt là một trong những chuẩn mực của vẻ đẹp người con gái. Vậy mà vào chiến trường, chỉ sau vài trận sốt rét, tóc rụng hàng ngày, có chị rụng trọc cả đầu. Người khóc, người hoảng sợ nên không dám chải đầu vì từng mảng tóc cứ rời ra”.
Đâu chỉ có vậy, ghẻ lở, sốt rét, bệnh phụ khoa cũng là “đặc sản” trên đất Trường Sơn và cũng chỉ có phụ nữ mới hiểu cái vất vả khi đến tháng mà điều kiện thì không đáp ứng: “Chúng tôi đóng quân ở khu Tà Cơn - Khe Sanh (Quảng Trị). Ở chiến trường con gái đến tháng khổ vô cùng. Cả ngày hành quân, tối nghỉ chân nếu cạnh suối thì không nói làm gì chứ ở lưng chừng đèo thì đành phải thay và quấn lại cho vào ba lô, đợi ngày hôm sau hành quân qua suối thì giặt”, bà Ngô Thị Nguyệt nhớ lại.
Còn với bà Nguyễn Thị Mạnh, đơn vị C5, D33, Binh trạm 14, Đoàn 559 thì vào chiến trường, bom đạn, cái chết không làm các chị nao núng nhưng lại “sợ vắt”, sợ xấu, “sợ ma khi đi hành quân trong bóng đêm” hay “phát khóc khi gặp trăn” trong lúc đi hái rau rừng. Đơn vị của bà Mạnh chốt giữ tại dốc 68-69 đường 20, hàng ngày sau mỗi lần Mỹ ném bom, đơn vị trinh sát của bà Mạnh lại lên đường phối hợp cùng các đơn vị công binh rà phá, mở đường cho xe qua.
Nhớ đến kỷ niệm trong những năm tháng ở Trường Sơn, bà Nguyễn Thị Mạnh không quên được những vất vả mà các chị em từng trải qua. “Một năm chúng tôi được phát hai bộ quần áo, 2 mét vải xô (vải màn) nếu không kịp giặt khô thì ẩm ướt suốt ngày”, bà Mạnh nói.
Cũng theo bà Mạnh, năm 1973, khi đến thăm đơn vị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã động viên các chiến sĩ nữ và tặng cho đơn vị của bà biệt danh “Trung đội nữ thép”. Đại tướng ân cần thăm hỏi các chiến sĩ xem có thiếu thốn gì, cần gì để cấp trên quan tâm.
“Chị em chúng tôi chỉ xin thêm mỗi người mấy mét vải màn và các nhu yếu phẩm như xà phòng, bồ kết... Hai tháng sau, chúng tôi đã nhận được những vật dụng cần thiết như lời đề nghị, ai cũng mừng. Vất vả là thế, nhưng cuộc sống tinh thần chiến sĩ vẫn vui, vẫn phấn đấu hết mình. Khi đi chiến trường, những cô gái tuổi đôi mươi cuộc đời còn rất trẻ nhưng đều xác định 'không nghĩ đến tình yêu, không nghĩ đến gian khổ và sẽ cống hiến hết mình cho Tổ quốc'”, bà Mạnh hồi tưởng.
Quả thật, trong gian khổ, những nữ chiến sỹ Trường Sơn năm xưa luôn là người trực tiếp hứng chịu bom đạn nơi trọng điểm. Họ mạnh mẽ, kiên cường lắm, khi vào trận chiến, có chị một mình vác cả thùng đạn ĐKB nặng hơn 40kg trên vai phục vụ bộ đội chiến đấu trong khi nam giới có lúc 2 người khiêng đã thấy nặng.
Cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng từng thán phục: “Trên chiến trường Trường Sơn, trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại có đội ngũ nữ chiến sĩ Trường Sơn “huyền thoại của huyền thoại” có mặt ở mọi nơi, mọi thời điểm, mọi công tác, mọi binh chủng. Công tác, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mang trên mình khí phách Bà Trưng, Bà Triệu.”
Họ là những anh hùng. Nhưng họ cũng là những người con gái. Khi chiến tranh đã lùi xa những “cô gái” bước ra từ cuộc chiến tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nhưng vẫn không quên nghĩa cử cao đẹp, tri ân tới các đồng đội đã ngã xuống. Cho đến hôm nay, trong họ vẫn mãi tỏa sáng một niềm kiêu hãnh Trường Sơn.
Anh dũng kiên cường
Theo bà Ngô Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội nữ chiến sỹ Trường Sơn, trongchiến tranh, nữ chiến sĩ phải đối mặt với điều kiện sống muôn vàn gian khổ, khắc nghiệt của khí hậu núi rừng Trường Sơn và sự khốc liệt của chiến tranh, tưởng như mọi sinh vật không thể tồn tại được.
Vậy mà ở những nơi địch đánh phá ác liệt như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, tại các trọng điểm như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Đường 20 quyết thắng, phà Xuân Sơn, phà Trọng Đại… và nhiều trọng điểm ác liệt khác đều có mặt các nữ chiến sĩ Trường Sơn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các nữ chiến sĩ Trường Sơn hiện diện ở mọi lĩnh vực hoạt động trên cung, tuyến đường Trường Sơn. Kể cả những tuyến trọng điểm ác liệt nhất họ đều có mặt và đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau như công binh bảo đảm giao thông, các trạm giao liên, các cơ sở quân y, các đội văn hóa, văn nghệ, thông tin suốt tuyến, lái xe, kho tàng, hậu cần và đường ống… Đây là một lực lượng hùng hậu, đã góp phần lập nên nhiều kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Họ luôn kề vai sát cánh cùng với bộ đội, trực tiếp đảm đương các nhiệm vụ từ hậu phương đến tiền tuyến, từ Bắc đến Nam, vượt qua những khó khăn gian khổ, nguy hiểm trên các chiến trường để góp phần quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi của dân tộc.
Đa số họ ở tuổi mười tám, đôi mươi, chiến đấu trên mặt trận cầu đường, hằng ngày chứng kiến giặc Mỹ dội bom như chút nước nhưng lòng yêu nước và ý chí chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã tiếp sức cho họ vượt qua tất cả để sống, chiến đấu, cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Nữ chiến sỹ công binh, thanh niên xung phong mở đường nguyện làm “Tượng đồng, vách sắt” kiên cường bám trụ, giành giật lại từng mét đường, bảo đảm giao thông bất kể ngày đêm, bất kể tình huống nguy hiểm, đối mặt với hy sinh như phá bom, vần bom nổ chậm xuống vực cho xe qua, cho pháo vào trận địa.
Bà Ngô Thị Tuyết vốn là chiến sĩ giao liên cơ giới, Trung đoàn 572, Bộ Tư lệnh Trường Sơn, hồi tưởng: Một đường bị chặn, hai ba đường mới xuất hiện. Đường chạy đêm bị đánh, đường chạy ngày (đường kín) xuất hiện. Nhiều nữ chiến sĩ Trường Sơn trực tiếp đứng trên ngầm làm cọc tiêu sống hướng dẫn cho đoàn xe nhanh chóng vượt qua trọng điểm. Tại các binh trạm, các nữ giao liên bảo đảm đưa đón, bố trí nơi ăn ở cho hàng triệu lượt cán bộ, chiến sỹ vào ra các chiến trường an toàn, bí mật.
Các nữ thông tin, cơ yếu, quân y, vận tải, kho tàng, xăng dầu, hậu cần, văn thư bảo mật luôn kiên cường, gan dạ ngày đêm bám sát trận tuyến thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các nữ chiến sỹ làm công tác văn hóa, nghệ thuật, báo chí đã vượt qua mọi khó khăn, sáng tác, biểu diễn phục vụ với những tác phẩm đầy nhiệt huyết, khí phách và niềm động viên, cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên cường của chiến sỹ trên mặt trận để góp phần làm nên chiến công huyền thoại của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Thực tiễn chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến trường đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân nữ chiến sĩ Trường Sơn lập nên những chiến công oanh liệt trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Tổ quốc và nhân dân mãi mãi khắc ghi biểu tượng tiểu đội anh hùng “Mười hai cô gái Truông Bồn” thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An đã “quyết tử cho mạch máu Truông Bồn quyết thông”; các nữ TNXP ở “Hang tám cô” đường 20 Quyết thắng thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; Trung đội nữ lái xe Trường Sơn dũng cảm kiên cường, chắc tay lái vượt qua nhiều trọng điểm ác liệt để kịp thời chuyển hàng chi viện tiền tuyến; Trung đội nữ công binh của D33 công binh kiên cường bám trụ ở các trọng điểm…
Điển hình là Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Nhạ, với chiến công đặc biệt xuất sắc trên trọng điểm đèo Pu La Nhích đường 20 Quyết thắng. Khi giặc Mỹ đánh phá ác liệt, với cương vị Tiểu đội trưởng, chị cùng đội 25, C459 TNXP đã kiên cường bám trụ, bảo đảm giao thông thông suốt. Rồi chị chuyển sang quân đội, giữ trọng trách Trung đội trưởng, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ đèo Pa Kha, đường 128.
Ngày 28/12/1967, máy bay Mỹ thả bom, mìn hỗn hợp cày nát đoạn đường. Với lòng quả cảm và mưu trí, chị Nguyễn Thị Nhạ cùng đồng đội phá bom nổ chậm và san lấp hố bom để thông đường. Do đường rất hẹp, xe dễ lao xuống vực, chị đã cùng đồng đội cuốn dù pháo sáng vào người làm cọc tiêu sống hướng dẫn đội hình xe vượt đèo. Khi chỉ còn chiếc xe cuối cùng thì một tốp máy bay Mỹ ập đến trút bom đúng nơi chị và đồng đội đang làm nhiệm vụ. Chị và 4 nữ chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, để lại tổn thất to lớn đối với Trung đội nữ công binh và Binh trạm 32. Để tưởng nhớ người nữ Trung đội trưởng can trường dũng cảm, Binh trạm 32 đã đặt tên đèo Pa Kha là đèo Chị Nhạ.
Nữ liệt sỹ anh hùng Nguyễn Thị Vân Liệu cùng Đại đội 5 TNXP chốt giữ trọng điểm cua chữ A ngầm Ta Lê, đèo Pu La Nhích đường 20 Quyết thắng. Đây cũng là cung đường hiểm trở, có nhiều đoạn vòng cua gấp khúc và thường xuyên phải gánh chịu những trận bom của đế quốc Mỹ. Chị Liệu cùng đồng đội luôn xông pha trên mặt đường để san lấp hố bom và phá bom mìn với tinh thần quả cảm và ý chí sắt đá. Chị đã dũng cảm thực nghiệm sáng kiến phá bom nổ chậm bằng bộc phá, mang lại hiệu quả cao, phổ biến cho toàn chiến trường. Chị được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người và vinh dự được báo cáo thành tích tại Hội nghị của Tổng cục tiền phương. Tình nguyện ở lại chiến trường, công tác tại Đoàn bộ Bộ Tư lệnh Trường Sơn, chị đã anh dũng hy sinh ngày 27/5/1968 khi đang làm nhiệm vụ. Chị được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương chiến công và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tổ quốc và dân tộc mãi khắc ghi trong những tháng năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có một trọng điểm ngã ba đường đã đi vào huyền thoại. Một chứng tích hào hùng về cuộc chiến đấu ác liệt và quả cảm của quân và dân Hà Tĩnh, là một bản anh hùng ca chiến đấu kiên cường, dũng cảm và chiến thắng của dân tộc Việt Nam, của tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).
Nói đến những chiến công huyền thoại của nữ chiến sỹ Trường Sơn trong cuộc chiến đấu gian khổ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chúng ta xin bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến trên hai vạn cán bộ chiến sỹ, TNXP, dân công hỏa tuyến… đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc để viết lên đường Trường Sơn huyền thoại, trong đó có hàng nghìn nữ chiến sỹ Trường Sơn đã nằm lại với Trường Sơn đại ngàn, mãi mãi gửi lại Trường Sơn tuổi thanh xuân. Sự hy sinh của các anh, các chị đi vào lịch sử, vào thi ca cách mạng, tên các anh, các chị trở thành tên Tổ quốc Việt Nam, góp phần tỏa sáng truyền thống “Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.
Tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” với nhiệm vụ mở tuyến đường vận chuyển hàng hóa, đưa đón cán bộ, các lực lượng từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc và các chiến trường. Đoàn công tác quân sự đặc biệt này, thường gọi là Đoàn 559 (sau này các tên gọi phù hợp với sự phát triển của tuyến chi viện chiến lược: Bộ Tư lệnh 559, Bộ Tư lệnh Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh). Đoàn 559 hoạt động trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đường Hồ Chí Minh có không gian rộng lớn ở 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Ở Việt Nam trải dài trên 11 tỉnh thành, bao gồm các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đến phía Tây các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum và Đắc Lắc đến Tây Ninh. Ở Lào bao gồm 7 tỉnh Trung, Nam Lào và 4 tỉnh ở Đông Bắc Campuchia.